Xử lý nghiêm cán bộ vi phạm cả khi đã thôi việc, nghỉ hưu

Nguyên Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ban Tổ chức Trung ương, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chủ tịch nước nghiên cứu, rà soát các quy định hiện hành của pháp luật để xem xét hướng xử lý kỷ luật đối với ông Vũ Huy Hoàng.

Trao đổi với báo chí chiều nay (29/11) về vấn đề xử lý kỷ luật nguyên Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng, người phát ngôn của Chính phủ - Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết: Sau khi có ý kiến chỉ đạo của Ban Bí thư, Ban Cán sự Đảng Chính phủ đã khẩn trương phối hợp với các cơ quan chức năng của Quốc hội, Ban Tổ chức Trung ương, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chủ tịch nước nghiên cứu, rà soát các quy định hiện hành của pháp luật để xem xét hướng xử lý kỷ luật đối với ông Vũ Huy Hoàng.
 

Tại phiên chất vấn kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIV, Quốc hội cũng đã thông qua Nghị quyết, trong đó Quốc hội đã phê phán nghiêm khắc ông Vũ Huy Hoàng, Bộ trưởng Bộ Công Thương nhiệm kỳ 2011-2016 trước Quốc hội và cử tri cả nước.

Ông Vũ Huy Hoàng đã có những vi phạm về công tác cán bộ trong thời gian đảm nhiệm chức vụ nêu trên, gây hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu đến uy tín của Đảng, Nhà nước, Bộ Công Thương, gây bức xúc trong xã hội.

Quốc hội đã giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan bảo vệ pháp luật tiếp tục làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật. Đồng thời, tăng cường công tác, giám sát, quản lý cán bộ, làm tốt việc thanh tra, kiểm tra để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm của cán bộ, công chức, viên chức, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý và người đứng đầu.

Quốc hội cũng yêu cầu các cơ quan khẩn trương rà soát, sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức, tạo cơ sở pháp lý đồng bộ để xử lý công bằng và nghiêm minh các hành vi vi phạm của cán bộ, công chức, viên chức, kể cả khi đã chuyển công tác hoặc nghỉ hưu.

“Đến nay, Thủ tướng cũng đã giao Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp và các cơ quan có liên quan tiến hành tổng kết, sửa đổi, bổ sung Luật Cán bộ công chức, Luật Viên chức phù hợp với tình hình thực tiễn”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng thông tin.

Người phát ngôn của Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết thêm, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ, Chính phủ đã dành thời gian để thảo luận triển khai Hội nghị trung ương 4 về xây dựng, chỉnh đốn đảng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, tiêu cực, tham nhũng… Triển khai kế hoạch của Quốc hội về thực hiện chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2017. “Thủ tướng đã giao Bộ Nội vụ nghiên cứu, soạn thảo nghị định về văn hóa từ chức. Đây là việc đã hứa trước Quốc hội, tuy là việc khó nhưng phải làm. Những người không còn đủ uy tín, sức khỏe, điều kiện công tác thì sẽ được từ chức” - ông Mai Tiến Dũng cho hay.

Liên quan việc sắp xếp lại nhân sự các cục, vụ trong Bộ Công thương đang được tiến hành báo chí đặt câu hỏi có đụng đến quan hệ con ông cháu cha, người có thế lực trong bộ không? Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng cho biết: Theo chỉ đạo của Chính phủ, trong năm 2016, các bộ, ngành phải xây dựng lại nghị định về cơ cấu tổ chức, chức năng nhiệm vụ. Đối với Bộ Công thương, thời gian vừa qua có nhiều dư luận không tích cực về công tác cán bộ, về bộ máy của bộ. “Đây cũng là dịp, là điều kiện để bộ và Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cơ cấu lại về tổ chức, nhân sự. Theo đó, sau khi sắp xếp lại chức năng nhiệm vụ của các bộ phận, giảm từ 35 xuống 28 đầu mối. Qua đó cũng sàng lọc về nhân sự, lựa chọn những người có năng lực, trình độ, tâm huyết để bổ nhiệm vào các vị trí, đáp ứng hoàn thành tốt chức năng nhiệm vụ được giao”, đại diện Bộ Công thương chia sẻ.