Từ vụ việc học sinh lớp 5 bị điện giật tử vong: Bài học cấp bách về an toàn thiết bị học tập

Nam Du
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Giữa bộn bề những khó khăn đầu năm học liên quan đến công tác dạy và học trực tuyến thì thông tin về vụ việc học sinh H.H.D, SN 2011, trú tại quận Thanh Xuân, Hà Nội bị tai nạn điện giật tử vong tại nhà riêng khiến các nhà quản lý, giáo viên và phụ huynh lặng đi vì thương xót. Bài học về công tác phòng tránh tai nạn thương tích với trẻ em một lần nữa lại đặt ra trực diện và cấp bách với tất cả mọi người; trong đó có vấn đề an toàn thiết bị học tập.

Luôn trông chừng trẻ
Trong giai đoạn dạy và học trực tuyến, các thiết bị điện tử gồm: Máy tính, điện thoại thông minh, ti vi… thường xuyên được học sinh sử dụng với tần suất cao; trung bình vài tiếng/ngày. Tình huống hết pin, sạc pin, tắt/bật công tắc điện sẽ là thao tác được trẻ thực hiện với tần suất khá dày đặc. Tuy nhiên, kỹ năng sử dụng thiết bị đảm bảo an toàn thì không phải đứa trẻ nào cũng biết và cũng được chỉ dạy cẩn thận.
Qua khảo sát tại nhiều trường, nhất là trường thuộc các huyện ngoại thành Hà Nội, tỷ lệ học sinh dùng điện thoại để học trực tuyến chiếm đa số, có trường đến 90% học sinh dùng điện thoại để học; trong số đó việc sử dụng điện thoại cũ, điện thoại giá rẻ, điện thoại đã chai pin khá phổ biến.
 Học sinh sử dụng thiết bị điện tử (máy tính, điện thoại) tần suất cao khi học trực tuyến

Thời khóa biểu của các trường, các cấp từ 3-5 tiết/ buổi hoặc 6-8 tiết/ngày; mỗi tiết 35-45 phút (tùy cấp) và chỉ được nghỉ 10 phút rồi lại nối tiết khác. Trong thời gian ấy, rất ít thiết bị có thể đảm bảo đủ pin hoạt động liên tục nên tình trạng phải sạc pin giữa giờ, vừa sạc pin vừa học là chuyện rất bình thường; đang xảy ra ở mỗi nhà, mỗi HS thuộc các trường học (trừ trường hợp dùng máy tính bàn).
Giờ học của trẻ được tổ chức trong giờ hành chính và vào các ngày thường nên bố mẹ, người lớn trong gia đình đi làm hoặc bận việc. Để yên tâm, các bố mẹ thường “huấn luyện” con về cách cắm sạc hoặc nhận biết dấu hiệu máy hết pin để con tự sạc; nhiều phụ huynh biết việc vừa sạc pin vừa sử dụng là nguy hiểm nhưng lại tặc lưỡi với suy nghĩ “chắc không sao” hoặc “máy hết pin thì buộc phải sạc để tiếp tục sử dụng”.
Vấn đề cũ nhưng cần nhìn nhận đúng
Theo Hiệu trưởng một trường Tiểu học trên địa bàn quận Đống Đa, qua vụ việc đau lòng xảy ra với học sinh H.H.D, có nhiều vấn đề cần nhìn nhận lại và được đặt ra cấp thiết, trong đó có 4 việc chính: An toàn thiết bị điện; an toàn hệ thống điện; trông chừng trẻ và tập huấn kỹ năng, kiến thức đảm bảo an toàn cho trẻ. Như vậy, cả 4 vấn đề trên đều cho thấy: Vai trò của người lớn; của gia đình và nhà trường là rất quan trọng. Thường xuyên kiểm tra hệ thống điện, thiết bị để đảm bảo con sử dụng an toàn; bố trí thời gian, cách thức để trông chừng, quản lý trẻ; tập huấn cho trẻ các kỹ năng sử dụng thiết bị điện an toàn; đâu là giới hạn của việc được làm và không được làm… là những vấn đề được đặt ra và phải có biện pháp giải quyết.
 An toàn thiết bị học tập, trong đó có thiết bị điện là kỹ năng phải tập huấn cho trẻ (ảnh minh họa)
An toàn thiết bị học tập, thiết bị điện là một phần trong công tác phòng chống tai nạn thương tích đối với trẻ em. Đây cũng là nội dung quan trọng được nhắc đi nhắc lại để các bên liên quan, trong đó có gia đình, nhà trường cần lưu ý để giáo dục, nhắc nhở và chung tay bảo vệ trẻ.
Theo Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Phạm Xuân Tiến, những tai nạn thương tích xảy ra trong hay ngoài nhà trường với học sinh đều hết sức đau lòng. Vụ việc thương tâm với HS H.H.D một lần nữa nhắc nhở mỗi gia đình, nhà trường cần lưu tâm trong việc phòng ngừa tai nạn thương tích, bảo vệ con trẻ.
“Trong thời gian học sinh và trẻ mầm non tạm dừng đến trường để phòng, chống dịch Covid-19, việc phòng tránh tai nạn thương tích cho trẻ và học sinh cần có sự quan tâm phối hợp chặt chẽ từ phía nhà trường và cha mẹ học sinh cũng như các người thân trong gia đình; đặc biệt là sự đôn đốc, nhắc nhở thường xuyên từ giáo viên chủ nhiệm trong việc hướng dẫn, nhắc nhở học sinh các kỹ năng phòng tránh tai nạn thương tích có thể xảy ra như điện giật, đuối nước, cháy nổ”- Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Phạm Xuân Tiến nhấn mạnh”.
 Hiện trường vụ việc đau lòng 
Về vụ việc của học sinh H.H.D, theo báo cáo của nhà trường, gia đình cho biết nạn nhân tử vong vào khoảng 7 giờ 30 phút tại nhà riêng. Thời gian đó mẹ con đi làm, bố chạy ra ngoài có việc riêng, ở nhà chỉ có hai anh em là H.H.D và em gái đang học lớp 3.
Theo lịch học hàng ngày của lớp H.H.D: Khoảng 7 giờ 50 phút các học sinh vào phòng học để điểm danh và 8 giờ bắt đầu tiết học đầu tiên (giáo viên chủ nhiệm báo cáo sĩ số với BGH nhà trường). Buổi sáng 10/9, do đường truyền mạng không ổn định nên cô giáo chủ nhiệm và một số học sinh không vào được phòng học đầu giờ sáng.
Sau khi hết tiết 2 môn Tin học, khoảng 9 giờ 15 phút, cô giáo chủ nhiệm vào phòng học nhưng không thấy H.H.D nên đã gọi điện cho phụ huynh và không liên lạc được.
Khoảng 11 giờ cùng ngày, có phụ huynh cùng lớp đã biết việc và báo với giáo viên chủ nhiệm rằng học sinh H.H.D. đã tử vong, người nhà đến phường báo tử. Phía nhà trường nhanh chóng nắm bắt, xác nhận thông tin và cử đại diện BGH, đại diện Hội cha mẹ học sinh, giáo viên chủ nhiệm đến tham gia tang lễ, chia sẻ nỗi đau cùng gia đình nạn nhân.
Ngay sau khi nắm được thông tin về sự việc, thông qua Phòng GD&ĐT quận Đống Đa, Sở GD&ĐT đã gửi lời chia buồn tới gia đình học sinh bị tai nạn; đồng thời chỉ đạo ngành GD&ĐT Đống Đa và nhà trường thăm hỏi, chia buồn, hỗ trợ gia đình học sinh.
Nguyên nhân vụ việc đang được Cơ quan CSĐT, CA quận Thanh Xuân tích cực điều tra, làm rõ.
Bộ GD&ĐT sẽ ban hành văn bản hướng dẫn học trực tuyến an toàn
Bộ GD&ĐT cho hay, ngay sau khi có thông tin một học sinh ở Hà Nội bị điện giật tử vong khi đang ở nhà học trực tuyến, Bộ đã trao đổi với Sở GD&ĐT Hà Nội để nắm bắt sự việc. Theo lãnh đạo Bộ GD&ĐT, đây là sự việc rất đau buồn, đáng tiếc đối với gia đình em học sinh, với nhà trường và với ngành Giáo dục. Qua đây, các bậc phụ huynh và thầy cô giáo cần tăng cường các biện pháp hỗ trợ, nhắc nhở, dạy cho các em học sinh một số kỹ năng cơ bản, đặc biệt là hướng dẫn và hỗ trợ học sinh tiểu học trong quá trình sử dụng các thiết bị học tập cũng như thiết bị trong gia đình, đảm bảo an toàn, tránh xảy ra những sự cố đáng tiếc.
Về phía Bộ GD&ĐT, các đơn vị chức năng cũng đang khẩn trương ban hành các văn bản hướng dẫn học tập trực tuyến an toàn tại nhà và mong các phụ huynh, thầy cô giáo cùng lưu ý triển khai.