Từ vụ việc Shark Phú gây tranh cãi vì lời khen, chuyên gia tâm lý cho rằng giải trí không nên đi kèm với thô tục

Minh An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tập 2 của chương trình Shark Tank Việt Nam (Thương vụ bạc tỷ) mùa 4 trở thành tâm điểm của dư luận, mạng xã hội bởi những lời khen của shark Nguyễn Xuân Phú (Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sunhouse) dành cho Nguyễn Thị Thu Hằng - nữ CEO của Wiibike đến chương trình gọi vốn.

Trong diễn biến tập 2 chương trình Shark Tank Việt Nam, CEO Wiibike Nguyễn Thị Thu Hằng đã kêu gọi 1,5 tỷ đồng cho 1% cổ phần cho sản phẩm chính của đơn vị này là các dòng xe đạp trợ lực điện nguyên chiếc, sử dụng “năng lượng xanh” - pin lithium.
 CEO Wiibike Nguyễn Thị Thu Hằng. Ảnh: BTC.
Thông thường, tình tiết đáng chú ý trong các tập là màn diễn giải, thuyết phục bùng nổ của các thí sinh để nhận được đầu tư. Thế nhưng, lý do khiến tập 2 trở thành tâm điểm của dư luận, mạng xã hội lại từ những phát ngôn của các shark liên quan đến “nhan sắc” CEO Wiibike Nguyễn Thị Thu Hằng.
Cụ thể, sau khi nghe chị Nguyễn Thị Thu Hằng trình bày về sản phẩm là các dòng xe đạp trợ lực điện sử dụng năng lượng xanh từ pin lithium, shark Phú nói: “Anh chỉ mải nhìn em nên chẳng thấy gì đặc biệt ở chiếc xe cả”. Sau đó, khi Thu Hằng đang trình bày về định hướng của công ty cô, những hoài bão về một môi trường xanh, sạch đẹp trong tương lai, doanh nhân Nguyễn Xuân Phú ngắt lời: “Anh đã nói ngay từ đầu, anh không quan tâm đến business, không quan tâm đến sản phẩm, mà đang quan tâm đến mỗi em thôi. Anh chốt thế này, 1,5 tỷ đồng cho 10% cổ phần”.

Nghe xong các lời đề nghị, nữ CEO tỏ ra khá băn khoăn. Cô đặt câu hỏi cho shark Phú, yêu cầu nam doanh nhân sẽ trực tiếp đồng hành cùng mình trong dự án này. Tại đây, ông nói: “Do em thôi mà, bây giờ anh rất bận. Muốn anh đồng hành thì người đó phải chủ động không thì anh quên ngay”.
 Shark Nguyễn Xuân Phú và CEO của Wiibike Nguyễn Thị Thu Hằng trong chương trình  Shark Tank Việt Nam .
Khi thỏa thuận kết thúc, shark Hưng còn tiếp tục nói: “Cứ xanh, sạch, xinh là xong".

Sau khi đăng tải, chương trình nhận về phản ứng trái chiều xoay quanh phát ngôn của các shark. Đa số ý kiến phản đối, cho rằng ngôn từ mà các nhà đầu tư dành cho nữ CEO là thiếu tế nhị, bỡn cợt, có phần dung tục.

Một khán giả theo dõi chương trình chia sẻ: “Dường như rất nhiều người cho rằng việc đùa vui một cách công khai theo hướng phân biệt giới tính là bình thường. Nhưng nhiều người không nhận ra rằng nó là những điều cơ bản nhất dẫn đến bất bình đẳng giới”.

Trên mạng xã hội, nhiều tài khoản bình luật gay gắt hơn: “Cách Shark Phú nói chọn đầu tư cho business của chị vì chị xinh giống như việc biến xinh thành một tiêu chí để chọn business vậy. Mình đồng ý xinh đẹp là một điểm cộng nhưng nó chưa bao giờ nên là tiêu chí trong những chương trình mang đậm tính chuyên môn như thế này. Khi xinh được coi là tiêu chí như thế này thì Shark cũng hoàn toàn có thể từ chối đầu tư các business khác vì CEO không... xinh. Và rốt cuộc những gì mình rút ra sau khi đọc câu quote của Shark Phú là CEO không cần có business và sản phẩm tốt, họ chỉ cần là một chiếc bình hoa di động đẹp là được?”.

Theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội (ISDS) Khuất Thu Hồng: Giải trí không nên đi kèm hay đồng nghĩa với thô tục, quấy rối. Phổ biến một thứ văn hóa độc hại như thế này là không thể chấp nhận. Mình không lạ gì những kiểu phát ngôn thô lỗ, chớt nhả, thậm chí quấy rối trắng trợn của một số đàn ông, kể cả người có trí vị trí xã hội. Cái làm mình choáng là những chương trình như thế được phát trên sóng quốc gia. Đồng ý là giải trí, thậm chí là thương mại hóa là xu thế chung khó cưỡng lại nhưng cũng không thể quên vai trò của cơ quan truyền thông đại chúng quốc gia như luật pháp Việt Nam đã quy định”.

Mặt khác, theo các chuyên gia giáo dục Vũ Việt Anh: “Về bản năng con người, cảm tính thì phát ngôn của Shark Phú không mang tính hàm ý kỳ thị về giới tính gì đâu. Đó chỉ là cảm xúc nhất thời trước phụ nữ đẹp. Tuy nhiên, các chương trình sau vị doanh nhân này nên điều chỉnh lại ngôn từ, đặc biệt bình luận về phụ nữ là rất nhạy cảm. Ở các nước phương Tây, việc bình luận về thân thể, cách ăn mặc… cũng bị liệt vào hành vi quấy rối”.

Trước những phản hồi từ dư luận, mới đây, trên trang cá nhân, shark Nguyễn Xuân Phú chia sẻ: “Một trong ba yếu tố để Shark Nguyễn Xuân Phú quyết định có xuống vốn đầu tư không chính là nhân tướng học. Bản thân Founder hay người đại diện cho startup phải có tướng mạo, thần thái của người lãnh đạo; phải thể hiện được khát vọng, đam mê theo đuổi mục tiêu của mình đến cùng”.

Thế nhưng, theo quan điểm của số đông dư luận, Việt Nam có câu “tốt gỗ hơn tốt nước sơn”, sẽ chẳng có gì tranh cãi nếu Shark Phú chú ý đến ngoại hình nhưng để tâm đến cả sản phẩm, tâm huyết của nữ CEO kia nữa.