Ngày 4/6, Hội nghị bàn tròn châu Á - Thái Bình Dương (APR) lần thứ 28 do Viện Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược (ISIS) Malaysia tổ chức đã bế mạc tại Thủ đô Kuala Lumpur. Hội nghị thu hút sự tham gia của gần 400 đại biểu là các nhà hoạch định chính sách, học giả, nhà ngoại giao đến từ 30 quốc gia. Đoàn Việt Nam do PGS.TS Nguyễn Thái Yên Hương - Phó Giám đốc Học viện Ngoại giao dẫn đầu đã tham dự Hội nghị.
Ủng hộ cách giải quyết của Việt Nam
Trong 2 ngày diễn ra Hội nghị (2 - 4/6), các đại biểu đã tham gia thảo luận 10 phiên chính, tập trung vào các chủ đề an ninh, quốc phòng, duy trì hòa bình và phát triển kinh tế trong khu vực. Các đại biểu cũng tập trung thảo luận những vấn đề như cơ hội và thách thức trong việc xây dựng một khu vực châu Á - Thái Bình Dương hòa bình và thịnh vượng, giải quyết thách thức an ninh chung trên Biển Đông, chương trình nghị sự của ASEAN sau năm 2015 và các vấn đề liên quan đến cải cách kinh tế và chính trị ở Myanmar, bối cảnh chính trị mới của Indonesia sau bầu cử, cũng như tương lai chính trị của Thái Lan.
Các đại biểu tham gia APR ủng hộ cách giải quyết kiên quyết nhưng hòa bình của Việt Nam trong vấn đề Biển Đông. Ảnh: AP
|
Đặc biệt, về vấn đề Biển Đông, ông Trần Việt Thái - Giám đốc Trung tâm khu vực và chính sách đối ngoại (Viện Nghiên cứu chiến lược ngoại giao, Học viện Ngoại giao) cho biết, cũng như ở Đối thoại Shangri-la lần thứ 13 tại Singapore trước đó, tại APR lần này, hành vi gây bất ổn của Trung Quốc ở Biển Đông đã bị nhiều quốc gia chỉ trích mạnh mẽ, trong đó có Nhật Bản, Mỹ, Ấn Độ và một số nước ASEAN. Nhiều đại biểu đã đồng tình với cách Việt Nam đang đấu tranh với Trung Quốc trong vấn đề giàn khoan Hải Dương - 981.
Ngay trong phiên khai mạc, Thủ tướng Malaysia Najib Razak cho rằng, bất kỳ sự chia rẽ do xung đột gây ra sẽ ảnh hưởng đến Biển Đông - nơi mà 2/3 giao thương hàng hóa của thế giới đi qua, gây hậu quả cho nền kinh tế toàn cầu. Vì thế, các bên phải kiên định với nguyên tắc phi bạo lực và giải quyết hòa bình các tranh chấp, không nên có thêm bất kỳ hành động nào làm trầm trọng thêm tình hình và khiến căng thẳng leo thang. Các bên liên quan không nên đi chệch hướng khỏi con đường đối thoại và giải quyết hòa bình các cuộc xung đột. Thủ tướng Najib Razak cũng cho rằng, Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông được thông qua sẽ là một khởi đầu tốt đẹp cho việc đảm bảo rằng, những bất đồng không leo thang giữa các quốc gia liên quan đến Biển Đông. Trong phiên thảo luận về vấn đề Biển Đông ngày 4/6, các học giả trong khu vực và trên thế giới đã thẳng thắn ủng hộ cách giải quyết kiên quyết nhưng hòa bình mà Việt Nam đang áp dụng.
“Đường 9 đoạn” không có cơ sở pháp lý
Trước đó, tại cuộc hội thảo với chủ đề "Philippines, Việt Nam và các tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông" do Trung tâm Wilson tổ chức ngày 3/6 tại Thủ đô Washington, các học giả đặc biệt quan ngại các diễn tiến trong thời gian qua cho thấy, tranh chấp kéo dài tại Biển Đông có nguy cơ trở thành một cuộc khủng hoảng toàn cầu, đồng thời, đề cập đến tính phi pháp của cái gọi là "đường 9 đoạn". Ông Hoàng Anh Tuấn - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược ngoại giao (Học viện Ngoại giao), đại diện Việt Nam tham gia hội thảo nhấn mạnh "đây là căn nguyên của mọi vấn đề" dẫn đến căng thẳng đang diễn ra ở Biển Đông, trong đó có việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương - 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam trên Biển Đông. Ông khẳng định "đường 9 đoạn" của Trung Quốc không có cơ sở pháp lý, không có vị trí địa lý rõ ràng, không có sự quản lý hành chính hiệu quả của Trung Quốc. Bản thân nội bộ Trung Quốc cũng còn quan điểm trái ngược về "đường 9 đoạn". Ông Hoàng Anh Tuấn kêu gọi cộng đồng quốc tế và các nước có liên quan cần yêu cầu Trung Quốc giải thích rõ về "đường 9 đoạn" này. Ông Tuấn nhấn mạnh, thế giới "cần phải thấy đường lưỡi bò là phi pháp, không có cơ sở pháp lý. Như thế mới hết căng thẳng trong vùng Biển Đông".Trong khi đó, bà Aileen Baviera - GS trường Đại học Philippines nhấn mạnh đến hành động đơn phương của Trung Quốc nhằm thực thi chủ quyền trong khuôn khổ "đường 9 đoạn" với sự hỗ trợ của các lực lượng dân sự, bán vũ trang và vũ trang.
Ông Robert Daly - Giám đốc Viện Nghiên cứu Kissinger về Mỹ và Trung Quốc cho rằng, các bên liên quan trong tranh chấp tại Biển Đông vẫn chưa nhất trí với nhau về bản chất của các tranh chấp này và vẫn chưa bắt đầu tiến hành các cuộc thảo luận về các biện pháp nhằm kiểm soát tranh chấp một cách hòa bình. Đây là lý do mà tranh chấp có thể trở thành một cuộc khủng hoảng toàn cầu.
Ngày 4/6, Thủ tướng Australia Tony Abbott đã tuyên bố nước này "phản đối mạnh mẽ" các hành động đơn phương trên Biển Đông và Biển Hoa Đông. Đồng thời khẳng định, các tranh chấp về chủ quyền cần được giải quyết một cách hòa bình và tuân thủ luật pháp quốc tế". Đây được coi là thông điệp rõ ràng nhất của người đứng đầu Chính phủ Australia trước các hành vi gây hấn gần đây của Trung Quốc tại Biển Đông và Biển Hoa Đông. |