Năm nay cũng là năm lễ hội lớn nhất xứ Lạng này được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Khai mạc từ ngày 29/2 (tức ngày 22 tháng Giêng âm lịch), lễ hội đền Tả Phủ - Kỳ Lừa diễn ra liên tục trong 6 ngày với quy mô lớn, hình thức và nội dung phong phú.
Đền Tả Phủ có tên chữ là Tả Phủ Linh từ, nằm ở trung tâm phố Chợ Kỳ Lừa, (TP Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn) thờ Hán quận công Thân Công Tài, một vị quan thời Hậu Lê. Ông không chỉ có công lớn trong trấn thủ biên thùy mà còn là người khai phá mở chợ Kỳ Lừa, giao thương buôn bán và xây dựng xứ Lạng. Ông cũng là người đã minh oan cho quan Tuần Tranh, người có công lớn dẹp giặc nhưng do oan khuất đã nhảy xuống sông Kỳ Cùng tự vẫn. Để cảm tạ ơn đức của các vị tiền nhân, người dân Lạng Sơn hàng năm đều tổ chức hội, trong đó hoạt động chính là rước bát hương của quan lớn Tuần Tranh từ đền Kỳ Cùng tới đền Tả Phủ tạ nghĩa. Tới ngày 27 tháng Giêng sẽ rước ngược lại và đặc biệt sẽ diễn ra lễ cướp đầu pháo. Theo quan niệm, ai cướp được sẽ gặp nhiều tài lộc may mắn.
Lễ hội đền Tả Phủ - Kỳ Lừa với ý nghĩa truyền thống sâu sắc của các dân tộc Lạng Sơn.
|
Lễ hội đền Tả Phủ - Kỳ Lừa là lễ hội lớn và đông vui nhất tại Lạng Sơn trong ngày đầu năm. Trong suốt ngày hội, dọc các tuyến phố từ đền Kỳ Cùng đến đền Tả Phủ, các gia đình hàng xóm cùng nhau thành lập Hội liên gia, làm cỗ chung, sửa soạn lễ vật rước lên đền thánh. Lễ vật không thể thiếu là lợn quay nguyên con – món ăn độc đáo của Lạng Sơn. Có tới hàng trăm mâm lợn quay được rước lên đền mỗi năm.
Bà Đỗ Thúy Nga, Hội liên gia Dốc Đồn (phường Hoàng Văn Thụ, TP Lạng Sơn) cho biết: “Lễ vật của các cô bao giờ cũng phải có lợn quay, hoa quả, rượu, bánh dày gấc, có một mâm vàng sớ để cầu bình an. Qua lễ hội này vừa là tín ngưỡng, vừa là đoàn kết khu phố với nhau, để cùng vui vẻ với nhau trong ngày sau ngày Tết”.
Đúng giờ đã đăng ký, các gia đình mặc áo dài khăn đóng, trang phục các dân tộc Tày, Nùng, Hoa, có đoàn múa lân sư rồng, múa sư tử mặt mèo dẫn đường. Đoàn đi đến đâu người dân đổ ra đường nườm nượp đi theo đến đó. Tiếng trống, tiếng chiêng rộn rã, náo nức, cả khu phố rộn ràng trong không khí lễ hội suốt nhiều ngày liền.
Năm nay, lễ hội đón hơn 100 đoàn rước tới từ các gia đình trên toàn thành phố. Công tác tổ chức lễ hội được quy hoạch rõ ràng, đảm bảo an toàn giao thông trên các tuyến phố. Bên cạnh lễ rước kiệu, các hoạt động thi đấu thể thao, hát sli, hát lượn,… cũng được tổ chức quy củ.
Ông Phí Văn Hòa, Ban tổ chức lễ hội cho biết: “Việc tổ chức lễ hội đền Tả Phủ so với các năm trước có nhiều đổi mới hơn, quy mô tổ chức to lớn, hoành tráng hơn, mang ý nghĩa sâu sắc hơn để giáo dục truyền thống cho tất cả nhân dân các địa phương trên địa bàn Lạng Sơn”.
Vượt qua quy mô địa phương, lễ hội đền Tả Phủ - Kỳ Lừa với ý nghĩa truyền thống sâu sắc không chỉ là ngày hội của các dân tộc Lạng Sơn mà còn trở thành một điểm đến hấp dẫn cho du khách thập phương dịp đầu năm mới.