Để giải quyết tình trạng này, góp phần nâng cao sức khỏe người dân, TP đã đầu tư xây dựng nhiều mô hình giết mổ GSGC an toàn. Tuy nhiên cho đến nay, hiệu quả của nhiều mô hình còn rất hạn chế.
Lò mổ nhỏ lẻ "sống khỏe"
Theo thống kê của Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội, hiện nay, TP có đàn gia súc, gia cầm đứng đầu cả nước với tổng đàn lợn 1.377 triệu con; đàn gia cầm, thủy cầm 23,2 triệu con; đàn trâu bò 170.000 con, trong đó bò sữa 12.500 con. Để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ sản phẩm động vật theo hướng ATVSTP của người dân, trong những năm qua, TP đã tập trung xây dựng, thiết kế, đầu tư các trang thiết bị hiện đại vào 14 cơ sở giết mổ GSGC. Về cơ bản, các cơ sở này đủ điều kiện vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm theo quy định, được cơ quan thú y kiểm tra, kiểm soát 100%. Tuy nhiên cho đến nay, trong số 14 cơ sở giết mổ nói trên, đến nay có 11 cơ sở gặp khó khăn, 3 cơ sở phải ngừng hoạt động hoàn toàn. Nguyên nhân chính do không cạnh tranh được với các lò mổ thủ công, nhỏ lẻ.
Trong khi đó, các điểm, hộ giết mổ nhỏ lẻ, không được cơ quan thú y kiểm soát thường xuyên, ẩn chứa nhiều nguy cơ mất ATVSTP và lây lan dịch bệnh lại hoạt động khá sôi nổi. Thống kê cho thấy, Hà Nội hiện có 2.525 điểm, hộ giết mổ GSGC, trong đó có 210 điểm giết mổ GSGC với quy mô nhỏ (dưới 2 con trâu, bò; hoặc dưới 5 con lợn…). Hiện trạng bất cập này xảy ra do nhiều nguyên nhân như nhận thức, thói quen của người tiêu dùng còn dễ dãi, chấp nhận sản phẩm giết mổ không đảm bảo an toàn, quy mô chăn nuôi nhỏ, phân tán còn chiếm đa số, thiếu các cơ sở tập trung giết mổ… Đặc biệt, các cơ sở giết mổ công nghiệp không có nguồn cung cấp nguyên liệu ổn định, thiếu hệ thống phân phối sản phẩm, thiếu sự hỗ trợ của chế biến sau khi giết, mổ, chi phí đầu tư cơ sở lớn dẫn tới chi phí giết mổ cao nên giảm tính cạnh tranh.
Tập trung tháo gỡ
Theo số liệu tính toán của Sở Công Thương Hà Nội, nhu cầu sử dụng thịt gia súc gia cầm của TP phố năm 2013 là 272.000 tấn. Dự báo đến năm 2015, con số này là 314.000 tấn, trong đó thịt trâu bò là 36.011 tấn, thịt lợn là 205.970 tấn, thịt gia cầm là 72.021 tấn. Mục tiêu đến năm 2016, TP nâng tỷ lệ sản phẩm sau giết mổ từ các cơ sở an toàn đạt 50% nhu cầu tiêu thụ sản phẩm; giảm 50% số cơ sở, điểm giết mổ nhỏ lẻ. Đến năm 2020, đảm bảo 60% số lượng sản phẩm động vật được vận chuyển bằng xe chuyên dụng đảm bảo vệ sinh thú y, ATVSTP; giảm 80% số cơ sở giết mổ nhỏ lẻ. Từ đó, hình thành hệ thống các cửa hàng chuyên kinh doanh thực phẩm an toàn rộng khắp trong nội thành, nội thị.
Để thực hiện được điều đó, từ năm 2014 đến năm 2016, các huyện đang hình thành đi vào hoạt động mới 8 cơ sở giết mổ tập trung, bán công nghiệp. TP cũng yêu cầu mỗi huyện cần chủ động bố trí địa điểm để xây dựng 1 - 2 cơ sở giết mổ tập trung, phục vụ nhu cầu tiêu thụ nội huyện, từng bước đưa các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ vào quản lý; xây dựng các chuyên đề phù hợp về ATTP trong xản xuất, lưu thông, giết mổ, sơ chế biến động vật, sản phẩm động vật định kỳ, đẩy mạnh tuyên truyền nhằm phổ biến pháp luật, các chế độ, chính sách, pháp luật với người sản xuất kinh doanh, định hướng người tiêu dùng…
Trên cơ sở xã hội hóa đầu tư, ban hành các quyết định có tính đặc thù nhằm khuyến khích mọi thành phần kinh tế, các tổ chức cá nhân đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ theo quy hoạch, khuyến khích cá nhân, tổ chức mở cửa hàng kinh doanh thực phẩm an toàn. Tuyên truyền vận động đưa các hộ giết mổ nhỏ lẻ vào khu giết mổ tập trung theo quy hoạch, tiến tới xóa bỏ và nghiêm cấm giết mổ nhỏ lẻ không đảm bảo vệ sinh môi trường, vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm. Ngoài ra, TP cũng đẩy mạnh việc xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm, phát triển chăn nuôi theo vùng xã trọng điểm, chăn nuôi quy mô lớn ngoài khu dân cơ để tạo vùng nguyên liệu cho các cơ sở giết mổ. Xây dựng các trang trại quy mô lớn và tạo chuỗi từ chăn nuôi - giết mổ - chế biến - tiêu thụ sản phẩm, giúp các cơ sở xây dựng thương hiệu sản phẩm chất lượng, an toàn.
Hoạt động giết mổ thủ công tại cơ sở Cường Mai, Vạn Phúc, Thanh Trì. Ảnh: Thắng Văn
|