Cá tính âm nhạc mạnh mẽ, sự thử nghiệm sáng tạo cùng bản lĩnh sân khấu chín muồi đã tạo thành một live concert “Tùng Dương - những chuyến đi” tuyệt vời trên sân khấu Nhà hát Lớn, tối 2/12 ở Hà Nội. Để có một đêm nhạc cho riêng mình, giọng ca sinh năm 1983 đã có nhiều năm chuẩn bị. Anh và đạo diễn Việt Tú ấp ủ làm live concert này từ 3 năm trước nhưng đến giờ mới đúng lúc “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”. “Hôm trước trời mưa rất to nhưng hôm nay không có một giọt nào”, Tùng Dương hạnh phúc chia sẻ về sự ủng hộ của thời tiết. Có hai đêm ở Nhà hát Lớn - nơi được coi như thánh đường âm nhạc - chính là “địa lợi”. 8 năm miệt mài rèn luyện của người nghệ sĩ cộng với lượng khán giả đến đông chặt khán phòng làm nên “nhân hòa”. “Đông quá!”, Tùng Dương nhìn xuống dưới sân khấu, cười hạnh phúc rồi dùng chính năng lượng từ niềm vui để bùng nổ suốt hai tiếng rưỡi đồng hồ với 22 ca khúc. Đúng như tên chương trình “Những chuyến đi”, nam ca sĩ Sao Mai điểm hẹn như một người dẫn đường quái tính, đang đưa người nghe từ con đường thẳng tắp, bằng phẳng ngược về miền quê xa xôi (Ôi quê tôi, Quê nhà), đột ngột bắt họ trèo lên những dốc đá, những đỉnh núi cheo leo nơi miền cao xanh thẳm (Chiếc khăn Piêu, Trên đỉnh Phù Vân). Từ Việt Nam quen thuộc thanh bình (Tre xanh ru, Sáng nay) tới thế giới rộng mở (Live with me), rồi đem cả hai không gian ấy đặt vào cạnh nhau, xáo trộn chúng với nhau (liên khúc Redemtion song - Ngồi tựa mạn thuyền). Cái tài của Tùng Dương là khiến người ta không thể đoán được anh sắp làm gì để cưỡng lại, đang í a dân ca với “Ngồi rằng ngồi tựa (có mấy) mạn thuyền là ngồi tựa (có hơ) mạn thuyền (ấy mấy) đêm (là) đêm hôm qua” đột ngột chuyển qua “Pirates, I'm sayin' they rob I. Board the merchant ships”, rồi đem cả Inh lả ơi vào Chạy trốn. Tổng kết chặng đường 8 năm của mình, Tùng Dương hát chủ yếu là những ca khúc quen đã gắn với tên tuổi của anh và chỉ có một ca khúc mới (Sen hồng hư không). Nhưng ngay cả những ca khúc quen cũng được phối mới lại nghe lạ lẫm ma mị hoặc mạnh mẽ cuồng nhiệt. Ca khúc mới thì được kết hợp với ca khúc cũ tạo thành một màu sắc âm nhạc đặc biệt. Hành trình thú vị mà Tùng Dương cho người xem trải nghiệm chính là không gian Phật giáo khi liên kết hai ca khúc của nhạc sĩ Trần Tiến (Sen hồng hư không - Mưa bay tháp cổ). Những ca khúc nhạc đạo nhưng đầy giá trị nghệ thuật đã mê hoặc toàn bộ khán giả. Trên một sân khấu mộc, ngay cả phông nền tên chương trình cũng thiếu, chỉ có hai chú hạc gỗ đứng trên mình rùa, một lư hương trầm ngào ngạt khắp khán phòng, ánh đèn đỏ như đèn thờ, Tùng Dương ngồi xếp gối kiết già, vừa chắp tay vừa hát, rồi lại đứng múa như lên đồng. Những ngôn từ đẹp đẽ nhưng không quá cao siêu, giọt hát bay cao vút như thoát tục, cá tính khác biệt của Tùng Dương được bộc lộ cao độ. Có thể đoán trước được, Sen hồng hư không sẽ sớm trở thành hit mới của Tùng Dương, dù nhạc đạo vẫn được xem là thứ cao siêu, khó tiếp cận quần chúng. Sau phần trình diễn ấn tượng, Tùng Dương hướng xuống dưới, cám ơn Trần Tiến - "ông bố âm nhạc" của mình. “Bố Trần Tiến hay chê lắm, toàn bảo Tùng Dương hát chưa được, chỉ có bố hát mới hay. Mong bố tuổi cao nhưng sức không yếu, còn có thể sáng tác nhiều hơn nữa” - Tùng Dương bông đùa. Phần nhẹ nhàng hơn là khi Tùng Dương hát cùng Lê Cát Trong Lý. Sự kết hợp này không phải lặp lại của chương trình Không gian âm nhạc cách đây 8 tháng dù cả hai vẫn song ca Lúng ta lúng túng. Có lẽ là trong đêm nhạc của mình nên Tùng Dương mạnh mẽ hơn, chủ động hơn, không quá ghìm mình như trước. Lê Cát Trọng Lý đã chuyển sang mái tóc ngắn như con trai, nhưng vẫn giữ nguyên sự rụt rè. Cái mong manh, nhẹ nhàng của Lý làm nền cho cái dữ dội của Tùng Dương. Với Hương lạc, được Lê Cát Trọng Lý làm bè và đệm đàn, Tùng Dương trình bày khác hẳn với cách Lê Cát Trọng Lý hát sáng tác của mình. Hai người giống như hai nửa trong vòng tròn âm dương, đối nghịch trong sự gắn bó hòa hợp. Người "ngang cơ" với Tùng Dương là Phó An My. “Chị ấy điên lắm. Tùng Dương cũng điên điên nên cả hai gặp nhau là nảy lửa” - Tùng Dương giới thiệu đầy hài hước về nữ nghệ sĩ piano. Cũng theo đuổi âm nhạc thử nghiệm, Phó An My phô diễn kỹ thuật chơi đàn điêu luyện, đầy ngẫu hứng khi đệm Trên đỉnh Phù Vân cho Tùng Dương. Tiếng đàn nương theo cảm xúc người hát, đẩy sự thăng hoa của ca sĩ lên cao, không còn nằm ở những nốt nhạc thông thường. Cháu gái nhạc sĩ Phó Đức Phương chiếm một nửa sự sáng tạo chứ không còn là nhân vật phụ, hỗ trợ cho ca sĩ. Phù hợp với chất âm nhạc Tùng Dương là những bộ trang phục anh mặc. Từ bộ vest lịch sự ban đầu chuyển sang chiếc áo dài buộc dây, khi kết hợp với nửa thân áo đỏ, khi kết hợp với nửa thân áo vest. Màn hình led chạy những khuôn mặt động với nhiều cảm xúc khóc - cười, hạnh phúc - đau khổ của Tùng Dương cũng tạo ấn tượng sâu đậm cho khán giả. “Hay quá”, “Quá tuyệt vời”, hàng loạt tràng vỗ tay cùng mưa lời khen khiến Tùng Dương xúc động, mắt đỏ hoe. “Với tôi, Tùng Dương là nam ca sĩ hàng đầu Việt Nam” - nhà thiết kế Đức Hùng chia sẻ. “Tùng Dương - Những chuyến đi” sẽ tiếp tục diễn ra vào tối nay (3/12) tại Nhà hát Lớn, Hà Nội.