KTĐT - Tổng thống lâm thời Tunisia, ông Fouad Mebazaa, ngày 3/3, tuyên bố sẽ tổ chức một cuộc bầu cử trên cả nước vào ngày 24/7 tới nhằm bầu ra một hội đồng soạn thảo hiến pháp mới.
Phát biểu trên truyền hình nhà nước, ông Mebazaa nhấn mạnh: "Hiến pháp mới phải phản ánh nguyện vọng của nhân dân và các nguyên tắc của cuộc cách mạng."
Ông cũng kêu gọi toàn thể nhân dân Tunisia gạt sang một bên những bất đồng cá nhân và bất đồng phe phái, trở lại công việc thường nhật của mình để vực dậy nền kinh tế đất nước.
Theo ông Mebazaa, một hệ thống bầu cử đặc biệt sẽ được soạn thảo trong tháng Ba này để áp dụng cho cuộc bỏ phiếu tới.
Tuyên bố của Tổng thống lâm thời Mebazaa đã nhận được sự ủng hộ của các tổ chức dân sự, trong đó có tổ chức công đoàn UGTT có thế lực ở Tunisia và Đảng Công nhân Cộng sản Tunisia (PCOT).
Ông Mebazaa cũng cho biết ông sẽ tiếp tục tại vị sau ngày 15/3, ngày mà theo hiến pháp cũ chức vị tổng thống lâm thời của ông hết hiệu lực.
Cùng ngày, khoảng 100 người Hồi giáo dòng Shiite ở Arập Xêút đã xuống đường biểu tình tại hai thành phố Awwamiya và Qatif thuộc tỉnh Miền Đông của nước này, đòi chính quyền tạo điều kiện thuận lợi tìm kiếm việc làm và đối xử công bằng với người Shiite và thả các tù nhân mà họ cho là đang bị giam giữ mà không đưa ra xét xử.
Trước đó, một nhóm chống đối đã kêu gọi biểu tình trong "Ngày nổi giận" 4/3 ở khu vực Al-Hufuf thuộc tỉnh Miền Đông - nơi người Shiite (chiếm khoảng 10% dân số Arập Xêút) tập trung sinh sống.
Tuần trước, Quốc vương Abdullah đã công bố gói trợ cấp trị giá 37 tỷ USD dành cho những người có thu nhập thấp và trung bình ở nước này.
Tỉnh Miền Đông của Arập Xêút nằm giáp Bahrian, nơi cộng đồng người Shiite chiếm đa số dân đã phát động biểu tình từ ngày 14/2 đòi chính quyền do người Sunni nắm giữ tiến hành cải cách chính trị và cải thiện điều kiện việc làm của người Shiite.
Đụng độ giữa người Shiite và người Sunni tại thị trấn Hamad của Bahrain ngày 3/3 đã làm ít nhất 2 người bị thương. Các nhân chứng cho biết có khoảng 100 người của cả hai bên đánh nhau bằng gậy gộc.
Bộ Nội vụ Bahrain cho biết lực lượng an ninh đã can thiệp để kiểm soát tình hình. Đây là lần đầu tiên đụng độ xảy ra giữa hai cộng đồng này kể từ khi làn sóng biểu tình bùng phát.
Cùng ngày, các nhóm đối lập ở Bahrain tuyên bố sẵn sàng ngồi vào bàn đàm phán với chính phủ, song đặt ra 4 điều kiện, bao gồm hủy bỏ hiến pháp năm 2002; bầu ra một hội đồng soạn thảo hiến pháp mới; người dân được quyền bầu quốc hội với đầy đủ các quyền lập pháp và bầu chính phủ; đảm bảo các kết quả đàm phán được tôn trọng và thực thi. Một thông cáo của chính phủ cho biết Thái tử Bahrain đã nhận được thư của phe đối lập nêu các điều kiện trên.
Còn tại Yemen, các cuộc biểu tình tiếp diễn ở thủ đô Sana'a ngày 3/3 với sự tham gia của hàng nghìn người đòi Tổng thống Abdullah Saleh từ chức ngay lập tức, dù phe đối lập và giới giáo sĩ nước này đã đề xuất chuyển giao quyền lực một cách hòa bình theo đó ông Saleh sẽ ra đi trong năm nay.
Trong khi đó, tại thành phố cảng miền Tây, Al Hudaydah, ba người đã bị thương trong các vụ đụng độ giữa những người ủng hộ và phản đối Tổng thống Saleh. Các cuộc biểu tình tại tỉnh Al Baida thuộc Đông Nam Bahrain và Al Jawf thuộc miền Bắc đã diễn ra trong hòa bình./.