Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tuổi trẻ kiều bào bảo tồn, phát huy Di sản văn hóa dân tộc Việt Nam

Hà Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tham gia Trại hè Việt Nam 2016 diễn ra từ 10 – 23/7, 110 đại biểu thanh niên kiều bào đến từ 26 quốc gia và vùng lãnh thổ sẽ đi thăm và tìm hiểu các di sản văn hóa, di tích lịch sử của mọi miền Tổ quốc.

Vừa qua, các đại biểu kiều bào trẻ và sinh viên Học viện Ngoại giao đã cùng tham gia giao lưu với chủ đề “Tuổi trẻ kiều bào với Di sản văn hóa dân tộc”. Buổi hội thảo do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao (Ủy ban) phối hợp với Học viện Ngoại giao tổ chức với sự tham dự của khoảng 200 người trong đó có khoảng 110 đại biểu thanh niên kiều bào đến từ 26 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Theo Vụ trưởng Vụ Thông tin - Văn hóa, Ủy ban Lê Thị Thu Hằng: Việt Nam có rất nhiều Di sản văn hóa vật thể và Di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa của nhân loại và Di sản văn hóa của thế giới. Ngày nay, bên cạnh việc khai thác, sử dụng các Di sản thì việc quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị Di sản hết sức quan trọng, cần sự tham gia của cả cộng đồng vào quá trình bảo tồn và phát huy giá trị Di sản.
Thông điệp của các bạn trẻ kiều bào: Chúng tôi yêu Việt Nam.
Thông điệp của các bạn trẻ kiều bào: Chúng tôi yêu Việt Nam.
Trong khuôn khổ Trại hè Việt Nam 2016, Ủy ban phối hợp với Học viện Ngoại giao tổ chức buổi hội thảo với chủ đề: “Tuổi trẻ Việt Nam với Di sản văn hóa dân tộc” với mong muốn các đại biểu kiều bào cùng với thanh niên, sinh viên trong nước trao đổi để tìm hiểu, nâng cao hiểu biết về văn hóa dân tộc, đồng thời nâng cao nhận thức về vai trò, trách nhiệm của mình trong việc gìn giữ và phát huy những nét văn hóa đặc sắc của dân tộc.

Tại buổi giao lưu, Giáo sư - Tiến sỹ Nguyễn Chí Bền đã giới thiệu đến các kiều bào trẻ về khái niệm của Di sản văn hóa, phân loại Di sản văn hóa, các hình thái của Di sản văn hóa cũng như các biện pháp bảo tồn và phát huy những giá trị của Di sản văn hóa dân tộc. Đồng thời, ông cũng đã giải đáp các câu hỏi, thắc mắc về Di sản văn hóa Việt Nam của các bạn thanh niên, sinh viên kiều bào và sinh viên Học viện Ngoại giao.

Ngoài ra, để nghiên cứu, tìm hiểu rõ hơn về các Di sản văn hóa Việt Nam, các thanh thiếu niên kiều bào cùng các bạn sinh viên Học viên Ngoại giao đã chia thành 4 nhóm, cùng nhau thảo luận về một số vấn đề như: Vai trò của văn hóa trong đời sống xã hội trong bối cảnh toàn cầu hóa; Giữ gìn và bảo tồn văn hóa trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài; Ý nghĩa của việc đưa các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của Việt Nam được ghi nhận là Di sản văn hóa thế giới; Bảo vệ các Di sản văn hóa ở Việt Nam.

Theo đó, Chương trình Trại Hè Việt Nam 2016 với chủ đề “Tuổi trẻ kiều bào với di sản văn hóa dân tộc” sẽ diễn ra tại các tỉnh, TP: Hà Nội, Quảng Ninh, Nghệ An, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Đà Nẵng. Cụ thể, các đại biểu kiều bào trẻ sẽ tham gia các hoạt động như vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh, viếng mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ tại Nghĩa trang đường 9; thăm Hoàng Thành Thăng Long, Khu di tích Phủ Chủ tịch, quê Bác (Khu di tích lịch sử Kim Liên), Thành cổ Quảng Trị …

Tham quan các di sản và tìm hiểu lịch sử văn hóa tại: Văn Miếu Quốc Tử Giám (Hà Nội), Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh), Cố đô Huế (Thừa Thiên - Huế), Thánh địa Mỹ Sơn và Tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Thứ (Quảng Nam), chùa Linh Ứng (Đà Nẵng).