Kinhtedothi - Trong báo cáo cập nhật "Triển vọng kinh tế thế giới" vừa công bố, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã hạ mức dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong hai năm 2015 và 2016, đồng thời cảnh báo triển vọng tăng trưởng kinh tế thế giới vẫn ảm đạm bất chấp giá dầu sụt giảm và sự khởi sắc của kinh tế Mỹ.
Nguy cơ giảm tốc
Theo các chuyên gia IMF, tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu chỉ đạt 3,5% trong năm nay, thấp hơn 0,3% so với mức dự báo đưa ra tháng 10/2014 do thực trạng hoạt động kinh tế yếu kém trong năm qua và sự hình thành của xu thế suy yếu trong đầu tư và tiêu dùng ở Eurozone và Nhật Bản. Bày tỏ sự lạc quan trước triển vọng của Mỹ trong năm nay, IMF dự báo tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ khoảng 3,6% trong năm nay, tăng 0,5% so với mức dự báo đưa ra cách đây 6 tháng.
Dù giá dầu xuống thấp và kinh tế Mỹ tiếp tục tăng trưởng là cơ hội rất lớn để tạo sức bật cho thị trường toàn cầu nhưng các nhân tố này là chưa đủ để đưa đoàn tàu kinh tế thế giới trở lại đường ray phát triển. Nguyên nhân một phần do sự giảm tốc của các nền kinh tế mới nổi đang có xu hướng tăng trưởng chậm lại như Trung Quốc. Số liệu công bố hôm 20/1 của Cơ quan Thống kê Quốc gia Trung Quốc cho thấy lo ngại này hoàn toàn có cơ sở khi nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới chỉ đạt 7,4% trong năm 2014, ghi nhận mức thấp nhất trong 24 năm qua. Trong khi đó, IMF dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc chỉ đạt khoảng 6,8% trong năm nay, giảm 0,3% so với dự báo trước đó và sẽ tác động tiêu cực đến các quốc gia châu Á khác.
Trước triển vọng kinh tế toàn cầu không mấy sáng sủa, báo cáo của IMF khuyến cáo các nền kinh tế lớn như châu Âu và Nhật Bản cần tiếp tục duy trì tỷ lệ lãi suất thấp để khuyến khích vay mượn, chi tiêu và tăng trưởng. IMF cũng hối thúc các nước, bao gồm cả các nền kinh tế phát triển và mới nổi, tiến hành một loạt cải cách mang tính cơ cấu, trong đó cần tận dụng việc giá dầu lao dốc để cắt giảm các chương trình trợ cấp nhằm củng cố ngân quỹ quốc gia trong dài hạn.
Tương lai khó khăn của đồng Euro
Hơn 5 năm đấu tranh để thoát khỏi khủng hoảng nợ công và phục hồi tăng trưởng, niềm tin của nhà đầu tư vào đồng Euro và Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) một lần nữa lại bị thử thách trước những biến động vừa qua và không ít nguy cơ đang hình thành.
Mọi sự chú ý của thị trường đang hướng tới Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) diễn ra tại Davos, Thụy Sỹ - nơi các nhà hoạch định chính sách, lãnh đạo các định chế tài chính lớn của châu Âu sẽ phát đi những thông điệp điều hành được áp dụng trong thời gian tới. Trong cuộc họp kéo dài từ 21 - 24/1 của WEF, phát biểu của Chủ tịch Ngân hàng T.Ư châu Âu (ECB) Mario Draghi được dư luận trông đợi nhất bởi nó có thể khác xa với những gì ông tuyên bố tại chính cuộc họp này hồi năm ngoái về dấu hiệu hồi phục của kinh tế châu Âu. Quyết định bất ngờ thả nổi tỷ giá đồng Franc với đồng Euro của Ngân hàng T.Ư Thụy Sỹ tuần trước đã buộc ông Mario Draghi phải thúc đẩy những đồng thuận xuyên biên giới Lục địa già cho chương trình nới lỏng định lượng nhằm giải quyết tình trạng giảm phát. Kế hoạch của ông Draghi đang vấp phải nhiều thách thức do diễn biến phức tạp tại các chính trường khu vực với các cuộc bầu cử đã và sắp diễn ra trong thời gian tới. Chỉ vài ngày sau khi Diễn đàn Davos kết thúc, cuộc bầu cử mang tính sống còn không chỉ với số phận của Hy Lạp mà còn với cả sức mạnh của Eurozone sẽ diễn ra (25/1). Thắng lợi được dự báo của đảng đối lập Syriza sẽ châm ngòi cho một cuộc tháo chạy của Athens khỏi khoản nợ đã lên tới 240 tỷ Euro và các chương trình thắt lưng buộc bụng. Không chỉ tạo một tiền lệ xấu cho Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, diễn biến hậu bầu cử tại Hy Lạp còn đẩy đồng Euro - vừa kỷ niệm sinh nhật lần thứ 16 hồi đầu tháng vào một tình thế nguy hiểm.
Tất nhiên, trong thách thức luôn tiềm ẩn những cơ hội. Và những gì mà đồng Euro phải trải qua được hình tượng hóa là "đêm trước bình minh". Khó khăn buộc ECB phải đưa ra những lựa chọn tốt nhất cho đồng Euro. Đó là chưa kể một đồng nội tệ thấp sẽ giúp lĩnh vực xuất khẩu và ngành du lịch của Eurozone có nhiều cơ hội để thoát khỏi nỗi ám ảnh mang tên giảm phát.
Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF Christine Lagarde. Ảnh: REUTERS
|