Đây là lời khẳng định của ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Tập đoàn FPT khi nói về tương lai phát triển của ngành phần mềm của Việt Nam. Hiện tại đây là một trong những ngành có doanh thu tăng trưởng mạnh nhất khi đạt tới 1,6 tỷ USD trong năm 2015, cùng tỷ lệ hàm lượng giá trị Việt ở mức rất cao từ 90 – 95%. Theo ông Bình, ngành phần mềm có vai trò rất quan trọng trong nền kinh tế, minh chức tiêu biểu là trong giai đoạn từ 2011-2015, mặc cho tình hình kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn nhưng tốc độ tăng trưởng của ngành vẫn ở mức 10 - 15%/năm, cao gấp 2 - 3 lần tỷ lệ tăng trưởng GDP. Không chỉ vậy, ngành này còn tạo ra nguồn nhân lực có tốc độ tăng trưởng cao, khoảng 10%/năm và đã đạt quy mô gần 200.000 người.
Được biết, trong giai đoạn 5 năm vừa qua, mặc dù thị trường phần mềm trong nước chững lại nhưng xuất khẩu lại tăng trưởng với tốc độ cao, lên đến 30 - 40%/ năm. Nguyên nhân chủ yếu từ việc nhiều DN đã đón được làn sóng dịch chuyển thị trường dịch vụ gia công phần mềm từ Trung Quốc và Ấn Độ, hiện tại Việt Nam đang là đối tác lớn thứ 2 của Nhật Bản trong lĩnh vực này. Bên cạnh đó, thị trường Mỹ và châu Âu vẫn tiếp tục duy trì sự tăng trưởng tốt từ 20 – 30%. Chủ tịch Tập đoàn FPT nhận định, trong bối cảnh thị trường trong nước ngày càng khó khăn do chi tiêu cho phần mềm và CNTT nói chung đang bị thắt chặt, DN Việt đã làm rất tốt trong việc đưa các dịch vụ gia công phần mềm ra nước ngoài, đây cũng là hướng đi chung và cần thiết đối với toàn ngành trong tương lai. Các DN phần mềm chỉ quen hoạt động ở thị trường trong nước đều đang lâm vào tình trạng rất khó khăn, phải chuyển hướng kinh doanh hoặc thậm chí là giải thể, ông Bình nêu ví dụ. Tuy nhiên, ông Bình cho rằng, ngành phần mềm Việt vẫn còn rất nhiều hạn chế và khó khăn trong quá trình vươn ra "biển lớn". Đầu tiên là quy mô các DN đại đa số là rất nhỏ, nên không có sự tập trung về nhân lực, công nghệ, tài chính để tạo ra các sản phẩm, dịch vụ mang tính sáng tạo, đột phá, để lại dấu ấn trên thị trường thế giới. Đồng thời, các DN vẫn "mỗi người một phách", thiếu sự hợp tác, liên kết nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh khi tiến ra nước ngoài. Không những vậy, sự thiếu hụt nguồn nhân lực về cả số lượng và chất lượng cũng là hạn chế lớn của ngành. Hiện tại, các trường đại học, cao đẳng và cơ sở đào tạo CNTT trong nước chỉ cung cấp được khoảng 250.000 người, trong khi đó, dự tính nhu cầu nhân lực từ DN trong giai đoạn từ 2016 - 2020 là khoảng 400.000 người. Không chỉ vậy, kỹ năng chuyên môn và trình độ ngoại ngữ của nhân sự mới cũng rất hạn chế, đặc biệt là sinh viên mới ra trường. Điều này dẫn tới sự cạnh tranh nhân lực giữa các DN phần mềm, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao, từ đó khiến hoạt động của DN gặp phải khó khăn do giá nhân công tăng, kéo theo năng lực cạnh tranh cũng như sức hấp dẫn với nhà đầu tư giảm mạnh, ông Bình phân tích. Bên cạnh đó, ngành phần mềm còn gặp hạn chế ở điều kiện hạ tầng. Cả nước chỉ có Khu công viên phần mềm Quang Trung (TP. Hồ Chí Minh) là đạt chuẩn về quy mô và điều kiện hạ tầng nhưng cũng chỉ có thể trở thành nơi làm việc của trên 100 DN. Con số này là quá ít ỏi so với hàng ngàn DN khác phải nằm tản mát với điều kiện hạ tầng hạn chế do hạ tầng phải đi thuê. Việt Nam đang có gần như đầy đủ các điều kiện để trở thành quốc gia phát triển phần mềm như quy mô dân số trên 100 triệu dân, tuổi lao động vàng ... nhưng nếu không mau chóng nâng cấp chất lượng dịch vụ của mình thì các DN trong nước sẽ phải đối mặt với cạnh tranh về giá đến từ các quốc gia Đông Nam Á khác. Điều mà các DN cần làm là phải mau chóng đi vào những công nghệ mới như Internet of Things (Internet vạn vật) từ đó mở rộng thị trường ra những nước quanh khu vực và thế giới, ông Bình đưa ra lời khuyên.
Việt Nam đang là quốc gia ưa thích thứ 2 của Nhật Bản trong lĩnh vực gia công phần mềm chỉ sau Trung Quốc |
- Năm 2014, Việt Nam là 1 trong 10 quốc gia hấp dẫn nhất về gia công phần mềm (báo cáo của Gartner). - Trong giai đoạn từ 2010 - 2015, Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đã lọt vào Top 20 trong danh sách 100 điểm đến hấp dẫn nhất về gia công phần mềm thế giới (báo cáo của Global Services-Tholons). - Năm 2015, Việt Nam đứng đầu về chỉ số kinh tế ứng dụng di động (1.83) trong 6 nước phát triển nhất khu vực ASEAN, bỏ xa 2 nước đứng sau là Singapore và Indonesia (1.37) (báo cáo của Viện Chính sách Tiến bộ - Mỹ). |