Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tuyên dương 168 nhà giáo bám trường, bám lớp

Thuỷ Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - 168 nhà giáo mỗi người một cương vị, đảm đương công việc khác nhau. Nhưng họ đều có điểm chung quyết tâm bám trường bám lớp, khắc phục khó khăn để hoàn thành công việc một cách tốt nhất.

Hôm nay (18/11), tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám - ngôi trường đại học đầu tiên của nước ta, Bộ GD&ĐT và Công đoàn Giáo dục Việt Nam tổ chức Lễ tuyên dương nhà giáo tiêu biểu năm 2017.

Trong không khí trang trọng và rất đỗi linh thiêng, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa, Chủ tịch Công đoàn giáo dục Việt Nam và 168 nhà giáo tiêu biểu dâng hương tại Ban thờ nhà giáo Chu Văn An. Mọi người cùng hứa sẽ quyết tâm kế thừa truyền thống tổ tiên, phát huy tinh thần văn hoá dân tộc để đào tạo ra những công dân có ích, xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng phát triển.
 Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa trao quà của Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh và Bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đến 168 nhà giáo tiêu biểu năm 2017.
Mỗi nhà giáo được tuyên dương hôm nay, thực sự là tấm gương rất tiêu biểu, để đồng nghiệp học hỏi, phát huy sáng kiến trong hoạt động đào tạo, giảng dạy. Đó là nhà giáo Lê Thị Thanh Thuỷ - Hiệu trường Trường Tiểu học Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy, Hà Nội). Nhiều năm làm công tác quản lý, cô Thuỷ chủ trì 6 sáng kiến đã được áp dụng có hiệu quả trong quản lý, giảng dạy, giáo dục và được Hội đồng sáng kiến của Sở GD&ĐT Hà Nội trực tiếp nghiệm thu.

Cùng với việc được Thủ tướng Chính phủ, Bộ GD&ĐT, TP Hà Nội tặng Bằng khen, cô Thuỷ còn được Công đoàn giáo dục Hà Nội tặng Giấy khen về thành tích 5 năm thực hiện cuộc vận động Nhà giáo Hà Nội đỡ đầu học sinh nghèo, học sinh có hoàn cảnh đặc biệt.

Để hướng tới mục tiêu đào tạo thế hệ trẻ trở thành những công dân toàn cầu, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam Lê Thị Oanh đã chủ động đề xuất với Sở GD&ĐT Hà Nội cho phép thực hiện đề tài khoa học cấp TP do chính cô làm chủ nhiệm về việc dạy Toán và các môn khoa học bằng tiếng Anh từ cấp THCS đến THPT. Cũng như, áp dụng các phương pháp dạy học mới, hướng dẫn học sinh nghiên cứu khoa học.

Là người hiệu trưởng ngôi trường phổ thông - đầu tàu của ngành giáo dục của Thủ đô, cô Oanh luôn tâm huyết tìm hướng để bồi dưỡng nhân cách, kỹ năng sống cho thế hệ trẻ thông qua hoạt động trải nghiệm sáng tạo. Đến nay, phong trào hoạt động ngoại khoá đa dạng đang trở thành nét đặc thù ở Trường Hà Nội – Amsterdam. Và cũng là trường đầu tiên trên cả nước thực hiện đa dạng hoá các loại hình câu lạc bộ học sinh.

Và, rất nhiều tấm gương nhà giáo khác như cô Phan Thị Hồng Ngọc đến từ Trường Tiểu học Phú Thọ Hoà, quận Tân Bình (TP Hồ Chí Minh) đạt giải nhất giao lưu cấp quốc gia về đổi mới phương pháp giáo dục an toàn giao thông trong trường tiểu học; hay, cô Trần Thị Nhung ở tỉnh Cao Bằng có 12 năm dạy lớp mẫu giáo Nà Chùa – điểm trưởng của Trường Tiểu học Hồng Trị - nơi có điều kiện kinh tế khó khăn nhưng nhờ yêu nghề mến trẻ, cô đã chăm sóc và dạy dỗ các cháu chu đáo....

Gửi lời chúc mừng và ghi nhận công lao của các nhà giáo, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa khẳng định: “Các thầy cô là những tấm gương rất sáng về sự tận tâm, tận lực, đổi mới sáng tạo, vượt khó vương lên hoàn hành nhiệm vụ”.

Nhân kỷ niệm 35 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam, Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa mong muốn các thầy cô tự hào về truyền thống để nỗ lực hơn nữa cho sự nghiệp “trồng người” hết sức vẻ vang nhưng rất đỗi gian nan, nhọc nhằn. Đặc biệt là trước sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục – đào tạo thì vai trò của đội ngũ nhà giáo ngày càng quan trọng hơn bao giờ hết. “Chúng ta sẽ là người truyền cảm hứng cho học sinh ngọn lửa niềm đam mê, là những người dẫn dắt các em đến sự trưởng thành” - Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa nhấn mạnh.

Trong buổi lễ tuyên dương hôm nay, Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa gửi lời chúc mừng và trao quà của Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đến 168 thầy cô giáo.

Để ghi nhận thành tích xuất sắc tiêu biểu trong năm học 2016 – 2017, Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa và Cục trưởng Cục Nhà giáo Hoàng Đức Minh đã trao Bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đến 168 thầy cô.