Tuyển sinh vào lớp 6: Căng thẳng chờ phương án tuyển sinh trường điểm

Nguyễn Huyền
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mặc dù chỉ còn hơn một tháng nữa là công tác tuyển sinh phải được hoàn thành, thế nhưng đến thời điểm hiện tại nhiều trường vẫn chưa chốt phương án tuyển sinh. Thậm chí, có trường thay đổi phương án tuyển sinh chỉ trong vòng một tuần khiến phụ huynh, học sinh (HS) không kịp xoay xở.

 
Ngỡ ngàng vì… không thi
Đã mấy ngày nay, chị Hoàng Thanh Thúy, có con học lớp 5 tại quận Thanh Xuân, liên tục ôm máy tính kiểm tra thông tin tuyển sinh đầu cấp vào các trường điểm để định hướng cho con. Chị thừa nhận như "ngồi trên đống lửa" khi các trường liên tục thay đổi phương án tuyển sinh. Ngày 15/5, Phòng GD - ĐT quận Cầu Giấy thông báo Trường THCS Cầu Giấy sẽ kiểm tra, đánh giá năng lực vào ngày 30/6. Thế nhưng, theo một nguồn tin mới đây, trường này chỉ tổ chức xét tuyển dựa trên học bạ. Bên cạnh đó, Sở GD&ĐT cũng cho biết dự kiến lớp 6 Trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam cũng chỉ xét tuyển. Điều này khiến phụ huynh, HS không kịp xoay xở.

Chung tâm trạng, chị Mai Lan Anh (Trần Đăng Ninh, Cầu Giấy) cũng “ăn không ngon, ngủ không yên” khi các trường chưa chốt phương án tuyển sinh. Chị cho biết: Sau thông báo ngày 8/4 của Sở GD&ĐT cho phép một số trường THCS có số HS đăng ký vượt quá chỉ tiêu được phép kết hợp xét tuyển với kiểm tra, đánh giá năng lực, chị đã “nhắm” nộp hồ sơ thi vào 3 trường THCS Cầu Giấy; THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam, THCS Thanh Xuân. Kể từ khi manh nha thông tin các trường được phép thi đánh giá năng lực, cả gia đình tìm mọi thông tin để tìm tài liệu, mẫu đề thi cho con ôn tập; thậm chí, còn cho cháu đến lớp luyện thi. Bây giờ, cả 3 trường cũng dự kiến xét tuyển bằng học bạ, cả nhà thấy công sức trong gần 2 tháng qua như “đổ xuống sông, xuống biển”.

Chị Trần Lệ Hà (Dịch Vọng, Cầu Giấy) có con năm nay vào lớp 6 cũng chia sẻ, đã cho con tham gia một số khóa học cấp tốc gồm 16 buổi/tổ hợp với chi phí 5,5 triệu đồng. “Gia đình tôi không đủ điều kiện nên cho con học lớp đại trà, chứ có gia đình thuê giáo viên về dạy riêng, tốn kém hàng chục triệu đồng. Vậy mà cuối cùng lại không thi”. Chị Hà cũng thông tin, gia đình vẫn mong nhà trường tổ chức kiểm tra, đánh giá năng lực để HS cạnh tranh nhau bằng điểm số sẽ công bằng hơn là xét theo học bạ. Tuy nhiên, dù bằng hình thức nào thì các trường cũng nên thông báo sớm cho phụ huynh, HS không bị động.

Không thi vẫn đảm bảo chất lượng?

Trước vấn đề này, ông Phạm Quốc Toản - Phó Trưởng phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Sở GD&ĐT Hà Nội cho hay: Phương án tuyển sinh là do các trường họp thống nhất và trình Sở xem xét. Theo ông Toản, mọi năm hình thức xét tuyển vào trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam mang lại kết quả tốt, chất lượng đảm bảo, nên năm nay có thể sẽ vẫn duy trì hình thức này. Thêm vào đó, lý do được các trường đưa ra cho việc thay đổi phương án tuyển sinh là để có thời gian chuẩn bị kĩ lưỡng.

Được biết, phương án cụ thể sẽ được phê duyệt và thông báo tới phụ huynh vào cuối tháng 5. Tuy nhiên nếu xét tuyển, trường vẫn căn cứ vào hồ sơ học bạ và tiêu chí phụ là các bằng khen, giải thưởng (các kỳ thi do Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT tổ chức hoặc phối hợp tổ chức theo quy định). Điều này được nhiều người dự đoán sẽ là cuộc chiến xét tuyển cam go bởi Bộ GD&ĐT đã hạn chế rất nhiều giải thưởng, nên số HS được tính điểm giải phụ sẽ ít.

Ngày 24/5, Hiệu trưởng trường THCS Cầu Giấy Lê Kim Anh cho biết, nhà trường lên phương án tổ chức tuyển sinh vào lớp 6 năm học 2018 - 2019 bằng hình thức xét tuyển. Tuy nhiên, ngày 15/5, tại văn bản thông báo kế hoạch tuyển sinh vào trường mầm non, lớp 1, lớp 6 do Phòng GDĐT quận Cầu Giấy lại công bố thông tin trường tuyển sinh theo phương thức xét tuyển kết hợp kiểm tra, đánh giá năng lực vào ngày 30/6.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần