Phóng viên báo Kinh tế & Đô thị đã trao đổi với ông Nguyễn Khả Minh, Phó Giám đốc Quỹ Bảo vệ Môi trường Hà Nội - đơn vị tổ chức các chương trình này.
Xin ông cho biết, năm nay, Quỹ Bảo vệ Môi trường Hà Nội đã triển khai chương trình "Hạn chế sử dụng túi nylon vì môi trường" như thế nào?
- Thực hiện sự chỉ đạo của UBND TP Hà Nội, Sở TN&MT Hà Nội, đây là năm thứ 4, Quỹ Bảo vệ Môi trường Hà Nội triển khai chương trình "Hạn chế sử dụng túi nylon vì môi trường" với chủ đề "Hãy sử dụng túi thân thiện với môi trường" trên địa bàn Thủ đô. Trong khuôn khổ chương trình, khoảng 20.000 túi thân thiện với môi trường đã được phát miễn phí tại 3 điểm chợ (Chợ Hôm, Hà Đông, Đồng Xuân) và siêu thị Fivimart Mỹ Đình. Tại các điểm phát túi, Quỹ treo các băng rôn, khẩu hiệu, phát túi miễn phí, thực hiện phóng sự tuyên truyền tác hại của túi nylon và khuyến cáo người dân hạn chế sử dụng loại túi này, hướng tới sử dụng các loại túi thân thiện với môi trường. Chương trình đã tạo được hiệu ứng tốt khi có nhiều người dân quan tâm, nhiệt tình hưởng ứng.
Phát miễn phí túi thân thiện với môi trường cho người tiêu dùng. Ảnh: Trần Đức
Khi triển khai chương trình này, Quỹ muốn gửi gắm thông điệp gì, thưa ông?
- Với chương trình này, Quỹ Bảo vệ Môi trường Hà Nội mong muốn tuyên truyền và nâng cao nhận thức của cộng đồng về tác hại của túi nylon; khuyến khích các doanh nghiệp, siêu thị mở rộng chương trình hạn chế túi nylon. Chương trình này mang thông điệp xanh tới người dân cũng như các tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn cùng chung tay góp sức bảo vệ môi trường sống. Thay vì sử dụng túi nylon, chúng ta nên sử dụng các loại túi thân thiện với môi trường, hướng tới không sử dụng túi nylon trong cuộc sống hàng ngày.
Theo ông, làm thế nào để hạn chế người dân sử dụng túi nylon?
- Nhận thức được tác hại của túi nylon, chương trình "Hạn chế sử dụng túi nylon vì môi trường" đã và đang tuyên truyền sâu rộng trong cộng đồng về tác hại của túi nylon, để người dân hạn chế và thay đổi thói quen. Thay vì sử dụng túi nylon, chúng ta nên sử dụng túi vải, túi giấy, túi tái sử dụng nhiều lần. Để làm được điều này, chúng ta phải vận động các hệ thống siêu thị, các chợ, các nhà bán lẻ và người tiêu dùng thay đổi thói quen sử dụng túi nylon. Trước mắt, mỗi người tiêu dùng hãy tập thói quen hạn chế sử dụng túi nylon khi không thật cần thiết.
Với chương trình "Tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi từ Quỹ Bảo vệ Môi trường Hà Nội", đến nay, đã có bao nhiêu doanh nghiệp tiếp cận được với nguồn vốn vay ưu đãi từ Quỹ, thưa ông?
- Thực hiện kế hoạch của UBND TP Hà Nội, Quỹ Bảo vệ Môi trường Hà Nội đã phối hợp với phòng TN&MT các quận, huyện, thị xã; tuyên truyền tại các địa phương thông qua hội nghị "Tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi từ Quỹ Bảo vệ Môi trường Hà Nội". Mục tiêu của chương trình nhằm giúp đỡ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, các trang trại, đặc biệt là khu vực nông thôn Hà Nội có thể tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi của Quỹ. Hiện tại, có trên 40 doanh nghiệp đã tiến hành vay vốn và tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi từ Quỹ. Chương trình đã được các doanh nghiệp, tổ chức hưởng ứng, đón nhận nhiệt tình, vì đây là chính sách ưu đãi của TP đối với doanh nghiệp trong công tác bảo vệ môi trường.
Tới đây, Quỹ dự kiến tổ chức thêm các chương trình, sự kiện gì về môi trường?
- Ngoài các chương trình "Hạn chế sử dụng túi nylon vì môi trường", "Tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi từ Quỹ Bảo vệ Môi trường Hà Nội" được tổ chức thường niên, sắp tới, Quỹ Bảo vệ Môi trường Hà Nội sẽ thực hiện các chương trình: Khảo sát xây dựng kế hoạch phương án công nghệ sinh học xử lý ô nhiễm môi trường tại các huyện ngoại thành; Khảo sát xây dựng kế hoạch triển khai chương trình truyền thông học đường cho các trường mầm non tại 2 quận Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm; Khảo sát xây dựng phương án tài trợ xử lý ô nhiễm môi trường tại 5 xã của huyện Hoài Đức; Phối hợp với kênh Truyền hình Công an nhân dân (ANTV) thực hiện chương trình 360 độ xanh…
Xin cảm ơn ông!