Tuyên truyền pháp luật trong trường học: Hình thành ý thức tuân thủ pháp luật cho học sinh

Hồng Thái
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong trường học tại Hà Nội được triển khai thực hiện hiệu quả đã góp phần giáo dục đạo đức, lối sống và hình thành ý thức, thói quen tuân thủ pháp luật cho các em ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

Học sinh trường THCS Thanh Xuân Trung (quận Thanh Xuân) hưởng ứng, tham gia Cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu pháp luật trong phòng, chống dịch Covid-19”

Trong đời sống xã hội, pháp luật có vai trò đặc biệt quan trọng, vừa là công cụ quản lý nhà nước hữu hiệu, vừa tạo hành lang pháp lý an toàn, tin cậy, thuận lợi cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Cùng với việc không ngừng xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, đưa pháp luật vào cuộc sống trở thành yêu cầu cấp thiết, cần được thực hiện thường xuyên, liên tục và hiệu quả. 

Trao đổi với báo Kinh tế & Đô thị, cô Phạm Thị Thanh Phương - Hiệu trưởng trường THCS Thanh Xuân Nam (quận Thanh Xuân) cho biết, nhận thức được ý nghĩa và tầm quan trọng của pháp luật với cuộc sống, các trường học tại Hà Nội thường xuyên có những việc làm tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức pháp luật cho học sinh, tạo ý thức trách nhiệm, thực thi và bảo vệ pháp luật trong mỗi cá nhân, việc làm này đã trở thành những hoạt động thường niên của nhà trường. Bên cạnh đó, nhà trường luôn động viên, khích lệ học sinh tích cực tham gia các cuộc thi tìm hiểu pháp luật, các chỉ thị, công văn hướng dẫn; đặc biệt mới đây, nhà trường đã khuyến khích các học sinh từ 12 tuổi tham gia Cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu pháp luật trong phòng, chống dịch Covid-19”.

“Thông qua cuộc thi, nhà trường giáo dục chuẩn mực đạo đức, ý thức tuân thủ pháp luật, kỹ năng sống và giá trị sống đúng đắn, tìm ra những biện pháp, giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả trong công tác tuyên truyền phòng, chống dịch. Đồng thời, tạo thành phong trào sôi nổi tìm hiểu và chấp hành các biện pháp phòng, chống dịch trên địa bàn phường Thanh Xuân Nam, quận Thanh Xuân và TP Hà Nội, góp phần đẩy lùi dịch bệnh nói riêng và chấp hành pháp luật nói chung của mọi thành viên trong nhà trường” - cô Phạm Thị Thanh Phương chia sẻ.

Với sự chỉ đạo của UBND TP Hà Nội và hướng dẫn của Sở Tư pháp, Sở GD&ĐT, các quận, huyện trên địa bàn đã kịp thời tuyên truyền, triển khai những văn bản pháp luật mới trong công tác PBGDPL nói chung và PBGDPL trong nhà trường nói riêng tới các cơ quan, đơn vị trên địa bàn.

Cùng với đó, bằng sự chủ động và những cách làm sáng tạo, hiệu quả, công tác PBGDPL trong nhà trường trên địa bàn Thủ đô những năm qua đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. 100% các đơn vị, trường học trên địa bàn TP thực hiện kế hoạch tuyên truyền PBGDPL chú trọng các nội dung về Luật Giáo dục; Luật Chăm sóc và bảo vệ trẻ em; Luật Giao thông đường bộ; Bảo vệ môi trường; Phòng chống tham nhũng… Tất cả các trường học đã thực hiện nghiêm túc Ngày pháp luật vào thứ hai của tuần đầu hằng tháng thông qua các buổi sinh hoạt tập trung, tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh, bản tin và lồng ghép vào các bài giảng của giáo viên dạy các môn đạo đức, giáo dục công dân, sinh học…

Các trường xây dựng kế hoạch thực hiện công tác PBGDPL bảo đảm 5 rõ: “Rõ người, rõ việc, rõ quy trình, rõ thời gian và rõ hiệu quả”; ưu tiên các mô hình mới để tuyên truyền sát với đối tượng học sinh, gắn kết quả thực hiện với tiêu chí thi đua của năm học. Các nhà trường đã cố gắng, chủ động trong việc PBGDPL bằng nhiều hình thức như: Lồng ghép trong các tiết học, các cuộc thi tìm hiểu pháp luật, câu lạc bộ pháp luật, hòm thư tố giác, tổ chức hội thảo, tọa đàm… Những hoạt động này góp phần quan trọng làm thay đổi nhận thức của học sinh, tạo cho các em từng bước có hành vi ứng xử văn hóa, thanh lịch, nhân văn.

Vừa qua, sau khi Bộ GD&ĐT ban hành kế hoạch tiếp tục triển khai thực hiện Đề án “Nâng cao chất lượng công tác PBGDPL trong nhà trường” đến năm 2021, nhiều hoạt động tuyên truyền, thiết thực được Phòng GD&ĐT các quận, huyện xây dựng, triển khai thực hiện như: Tuyên truyền giáo dục bảo đảm trật tự an toàn giao thông; bắt buộc đội mũ bảo hiểm cho trẻ em; học sinh không tham gia giao thông bằng xe máy phân khối lớn khi chưa đủ điều kiện; phòng, chống ùn tắc giao thông cổng trường… đến giáo viên và học sinh...

Ngoài ra, việc giải đáp pháp luật qua đường dây nóng, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật bằng hình thức thi viết trên giấy, thi sân khấu hóa, thi trực tuyến cũng là một trong những thế mạnh của Thủ đô nhiều năm qua, ngày càng được các trường học chú trọng triển khai và thu hút đông đảo cán bộ, công chức, viên chức, sinh viên, học sinh và nhân dân trên địa bàn Hà Nội tham gia...

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần