Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tuyên truyền thay đổi thói quen sử dụng nước

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau khi được tuyên truyền về ý nghĩa của việc sử dụng nước sạch đối với vấn đề sức...

Kinhtedothi - Sau khi được tuyên truyền về ý nghĩa của việc sử dụng nước sạch đối với vấn đề sức khỏe, đông đảo người dân khu vực ngoại thành đã quan tâm nhiều hơn và dần hình thành thói quen sử dụng nước sạch trong sinh hoạt. Điều này góp phần tích cực vào việc nâng cao tỷ lệ người dân được tiếp cận với nước hợp vệ sinh, đồng thời, từng bước thay đổi diện mạo khu vực nông thôn của Thủ đô.

Từ nhận thức đến hành động

Trong một chuyến thị sát về việc tiếp cận với vấn đề sử dụng nước sinh hoạt của người dân khu vực ngoại thành, chúng tôi có dịp về khu phố Chấu, xã Bắc Sơn, huyện Sóc Sơn. Ít ai biết, cách đây hai, ba năm, hầu hết các hộ dân nơi đây vẫn dùng nước giếng khoan hoặc nước mưa từ các bể chứa bằng bê tông cho mục đích sinh hoạt. Bà Trần Thị Hà, khu phố Chấu, xã Bắc Sơn chia sẻ, ba năm trước, gia đình bà vẫn sử dụng nước từ giếng khơi.  Nhưng, sau khi tham gia lớp tuyên truyền về việc sử dụng nước hợp vệ sinh vào đầu năm 2014, được sự tư vấn của cán bộ, tuyên truyền viên Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường (VSMT) nông thôn (Sở NN&PTNT Hà Nội), gia đình bà đã quyết định đầu tư tiền khoan giếng và mua máy lọc để nâng cao chất lượng nước sử dụng.

 
Một vài năm trở lại đây, gia đình ông Đỗ Triệu Vân và nhiều hộ dân tại thôn Đình Buộm, xã Hồng Kỳ, huyện Sóc Sơn đã chuyển sang dùng nước giếng khoan qua lọc.
Một vài năm trở lại đây, gia đình ông Đỗ Triệu Vân và nhiều hộ dân tại thôn Đình Buộm, xã Hồng Kỳ, huyện Sóc Sơn đã chuyển sang dùng nước giếng khoan qua lọc.
Tương tự, hộ ông Nguyễn Văn Kê, thôn Yên Mạc, xã Liên Mạc, huyện Mê Linh cũng đã đầu tư tiền mua téc inox chứa nước để thay thế bể xây dựng bằng bê tông. Được sự tư vấn, hướng dẫn của cán bộ Trung tâm Nước sinh hoạt và VSMT nông thôn, ông Kê đã mua cát vàng, cát đen, sỏi, than hoa, xỉ than… về tự chế bể lọc nước. Vì thế, nước gia đình hiện sử dụng đã được lọc trong, không còn cặn lắng và ít mùi tanh hơn.

Việc người dân các địa phương chủ động trong việc tiếp cận với nước sạch cho mục đích sinh hoạt đã góp phần quan trọng nâng tỷ lệ dân số nông thôn trên địa bàn TP được sử dụng nước hợp vệ sinh từ các loại hình cấp nước, tính đến hết tháng 10/2014 đạt xấp xỉ 92%, tăng gần 5% so với cùng kỳ năm 2013.   

Hiệu quả từ công tác tuyên truyền

Ông Nguyễn Văn Lập - Trưởng phòng Tuyên truyền (Trung tâm Nước sinh hoạt và VSMT nông thôn) cho biết, từ đầu năm 2014 đến nay, cán bộ, tuyên truyền viên Trung tâm đã thực hiện 57 hội nghị tuyên truyền về nước sạch và đảm bảo VSMT với hơn 8.000 lượt người tham dự. Khoảng 84.000 tờ rơi với nội dung tuyên truyền về những vấn đề liên quan cũng đã được phân phát tới người dân các địa phương. Nhiều xã, thị trấn đã xây dựng các chương trình phát thanh hàng tuần về vấn đề nước sạch và việc đảm bảo VSMT nông thôn. Bên cạnh đó, Trung tâm cũng đã phối hợp với các địa phương tổ chức thực hiện và hoàn thành 52/52 lớp truyền thông về nước sạch và VSMT (thuộc Hợp phần truyền thông nâng cao năng lực, giám sát đánh giá và quản lý - Chương trình nước sạch và VSMT nông thôn dựa trên kết quả vay vốn Ngân hàng Thế giới), qua đó cung cấp đến người dân những thông tin về chính sách của Nhà nước trong lĩnh vực nước sạch và VSMT nông thôn, kỹ thuật xây dựng các công trình cấp nước - nhà tiêu đảm bảo vệ sinh…

Có thể nói, trong bối cảnh nguồn vốn ngân sách TP cho việc thực hiện đầu tư các dự án cấp nước có hạn, việc tăng cường công tác tuyên truyền được xem là một trong những giải pháp quan trọng nhằm nâng cao nhận thức, từng bước thay đổi cách tiếp cận, thói quen của người dân khu vực ngoại thành đối với vấn đề sử dụng nước hợp vệ sinh. Theo kế hoạch, trong những tháng cuối năm 2014, Trung tâm Nước sinh hoạt và VSMT nông thôn sẽ tiếp tục in ấn thêm khoảng 20.500 tờ rơi các loại để phát cho người dân các huyện trên địa bàn TP.

Đồng thời, Trung tâm xây dựng 42 lớp truyền thông về nước sạch và VSMT tại 42 xã ngoại thành và 11 lớp tập huấn về công tác dự trữ nước an toàn cho các hộ dân tại 11 xã trên địa bàn TP để thực hiện trong đầu năm 2015. Tuy nhiên, theo ông Lê Văn Dương - Giám đốc Trung tâm Nước sinh hoạt và VSMT nông thôn, để hoạt động truyền thông được thuận lợi và đạt hiệu quả cao, rất cần sự phối hợp của các cấp ủy, chính quyền, cũng như sự ủng hộ của đông đảo người dân các địa phương. Bên cạnh đó, sự quan tâm, chỉ đạo thường xuyên của TP, nhất là trong bố trí nguồn kinh phí thực hiện công tác truyền thông là vô cùng cần thiết.