KTĐT - Từ đầu năm đến nay, thị trường ngoại hối đã có những chuyển biến tích cực so với diễn biến bất thường của năm 2009.
Từ đầu tháng 7 đến nay, tỷ giá VND/USD tại các ngân hàng thương mại luôn kịch trần biên độ, trong khi thị trường tự do tăng 150 điểm trong vòng 10 ngày. Đây là hiện tượng hay xu hướng?
"Theo tôi, tỷ giá USD/VND sẽ không trải qua những đợt tăng đột biến và quá mạnh như năm trước", ông Hoàng Huy Hà, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), nhận định.
Thưa ông, 6 tháng đầu năm, thị trường ngoại hối được cho là tương đối ổn định. Ý kiến của ông như thế nào?
Từ đầu năm đến nay, thị trường ngoại hối đã có những chuyển biến tích cực so với diễn biến bất thường của năm 2009. Có được kết quả này là do Ngân hàng Nhà nước đã chủ động định hướng và điều hành thị trường hơn kể từ cuối năm 2009 thông qua các biện pháp đồng bộ và khá mạnh tay, nhằm khơi thông bình ngưng ngoại tệ, ổn định thị trường.
Trong đó, chúng tôi ghi nhận sự thành công của Ngân hàng Nhà nước thông qua việc mở rộng đối tượng vay ngoại tệ theo Thông tư 25/2009/TT-NHNN, cho phép sự tham gia của các doanh nghiệp xuất khẩu, những đơn vị có nguồn thu ngoại tệ, là một bước điều chỉnh hết sức hợp lý. Nhờ đó, tín dụng ngoại tệ trong toàn nền kinh tế đã tăng tới 27,5% so với cuối năm 2009, bổ sung khoảng hơn 3,5 tỷ USD cho nguồn cung.
Ngoài ra, Thông tư 03/2010/TT-NHNN ra đời quy định mức lãi suất tiền gửi ngoại tệ tối đa 1% đối với doanh nghiệp cũng phát huy hiệu quả tốt. Huy động ngoại tệ chỉ tăng nhẹ 3,06% so với cuối năm 2009 cho thấy tâm lý găm giữ đã có phần giảm xuống mà thay vào đó là các giao dịch bán cho ngân hàng thương mại.
Mặt khác, nền kinh tế phục hồi khá chắc chắn cũng đã hỗ trợ cho sự ổn định giá trị của VND.
Một yếu tố nữa, là cuộc khủng nợ châu Âu mặc dù chưa nhìn thấy những ảnh hưởng rõ ràng đối với kinh tế Việt Nam nhưng đã có những tác động nhất định thị trường ngoại hối thông qua thị trường vàng. Cuối năm 2009, cơn sốt vàng đã góp phần làm cho tỷ giá USD/VND tăng vọt lên tới 19.700, nhưng nay hiện tượng trái ngược lại đang diễn ra, do giá vàng trong nước thấp hơn giá vàng thế giới, thúc đẩy các doanh nghiệp tái xuất vàng, làm tăng nguồn cung ngoại tệ, hỗ trợ tỷ giá ổn định ở mức thấp.
Nhưng khoảng hai tuần nay, các ngân hàng thương mại niêm yết kịch trần biên độ, còn thị trường tự do liên tiếp tăng điểm. Đang có lo ngại tỷ giá sẽ tái diễn những bất ổn của năm ngoái?
Khi phân tích về tỷ giá thì phải dựa vào phân tích cung cầu tổng thể trong nền kinh tế để đưa ra dự báo tỷ giá, thay vì nhìn vào hiện tượng hay diễn biến thị trường trong một thời gian ngắn.
Theo tôi, tỷ giá USD/VND sẽ không trải qua những đợt tăng đột biến và quá mạnh như năm trước. Các yếu tố vĩ mô vẫn hỗ trợ cho thị trường ngoại hối tiếp tục ổn định trong 6 tháng cuối năm. Cán cân vốn dồi dào sẽ bù đắp cho phần thâm hụt cán cân vãng lai, đồng thời tạo điều kiện cho Ngân hàng Nhà nước tăng dự trữ ngoại hối.
Xét trên một số yếu tố cơ bản thuộc cán cân thanh toán (cán cân thương mại, kiều hối, FDI, FII, ODA, vay nợ nước ngoài ròng), tôi ước tính vẫn có thể đạt mức dương xấp xỉ 3 tỷ USD.
Quý 3 và 4 là thời điểm nhạy cảm và thất thường của tỷ giá, để tránh thiệt hại không đáng có, theo quan điểm của ông, người dân và doanh nghiệp nên làm gì để tránh rủi ro?
Thời điểm quý 3 hàng năm vốn rất nhạy cảm đối với tỷ giá, bởi tỷ giá thường có xu hướng tăng khi nhu cầu ngoại tệ để nhập khẩu, trả nợ vay khá lớn. Nhưng năm nay có một số điểm khác biệt với nhiều yếu tố hỗ trợ sự ổn định của thị trường, đặc biệt từ nguồn cung dồi dào.
Tuy nhiên, doanh nghiệp cần phải hết sức thận trọng cân nhắc giữa các yếu tố như chênh lệch lãi suất USD và VND, khả năng biến động tỷ giá... trước khi đưa ra phương án kinh doanh, tránh bị tác động bởi các tin đồn, chạy theo tâm lý số đông.
Với mức chênh lệch lãi suất huy động USD, VND đối với doanh nghiệp ở mức 9-10%/năm như hiện nay thì theo tôi nắm giữ VND sẽ có tỷ suất sinh lợi cao hơn và các doanh nghiệp có thể cân nhắc bán ngoại tệ khi có dòng tiền về thay vì găm giữ.
Ngoài ra, khi lựa chọn vay ngoại tệ có thể kết hợp sử dụng một số công cụ phái sinh như mua ngoại tệ kỳ hạn... để tránh rủi ro biến động tỷ giá.