Tỷ phú Trần Bá Dương: Tham vọng biến Thaco thành Tập đoàn đa ngành

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Không chỉ dừng lại ở lĩnh vực ô tô, ông Trần Bá Dương còn thể hiện tham vọng của mình khi đặt chân sang các mảng miếng mới như bất động sản, nông nghiệp công nghệ cao và kinh doanh dịch vụ.

Mới đây, Tạp chí Forbes (Mỹ) vừa công bố danh sách tỷ phú thế giới năm 2019, tại đó, Việt Nam có 5 đại diện sở hữu tài sản tỷ USD. Với ông Trần Bá Dương, đây đã là năm thứ 2 được lọt vào danh sách này, hiện ông sở hữu 1,7 tỷ USD, xếp thứ 1.349 thế giới.
Từ kỹ thuật viên ô tô đến tỷ phú USD
Bén duyên với lĩnh vực ô tô từ năm 1983, khi đó ông Dương bắt đầu trở thành Kỹ thuật viên xưởng sửa chữa nhà máy đại tu ô tô Đồng Nai. Đây chính là nơi bắt đầu cho niềm đam mê với ô tô của ông. Được cung cấp những kiến thức cơ bản, lòng ham học hỏi giúp Trần Bá Dương liên tục vươn lên.
Sau đó, ông dành rất nhiều thời gian và đưa ra dự án : “Chuyển đổi tay lái nghịch”. Dự án của ông được Bộ Giao thông Vận tải chấp nhận và ông được giao quản lý tổ sửa chữa lưu động làm khoán. Đây là cơ hội để ông tích lũy và phát huy hết khả năng của mình. Sự nghiệp của ông từ đây bắt đầu phát triển mạnh. Từ năm 1987 – 1990, ông đảm nhận vị trí Quản đốc xưởng sửa chữa nhà máy đại tu ô tô Đồng Nai. Tiếp theo đó, từ 1991 – 1997, ông được thăng chức trở thành Quản đốc xưởng sửa chữa – xí nghiệp cơ khí giao thông Đồng Nai.
 
Năm 1997, Công ty ô tô Trường Hải (THACO) được thành lập. Tiếp đó đến năm 2000, ông mở xưởng lắp ráp xe tải hạng nhẹ mang thương hiệu KIA. Sản phẩm chưa làm xong đã kín đơn đặt hàng. Ông Dương cũng là người Việt Nam đầu tiên đã làm được xe du lịch. Từ dòng xe Kia, Thaco, Kinglong…Trần Bá Dương đã đưa Trường Hải trở thành doanh nghiệp tư nhân với 100% vốn trong nước đầu tiên lắp ráp và sản xuất xe du lịch.
Tới cuối năm 2003, khu liên hợp sản xuất Ô tô Chu Lai – Trường Hải đi vào hoạt động đã đánh dấu bước ngoặc lớn nhất trong sự nghiệp làm ô tô của ông Dương. Bắt đầu từ công đoạn lắp ráp những dòng xe đã có sự tín nhiệm của người tiêu dùng, Trường Hải đã tiếp tục đầu tư, mở rộng sản xuất, đồng thời kêu gọi các nhà sản xuất linh phụ tùng khác cùng tới Chu Lai để sản xuất, nâng tỷ lệ nội địa hoá, góp phần giảm bớt ngoại tệ phải bỏ ra để nhập khẩu xe phục vụ tiêu dùng của các “thượng đế”.
Sau hơn 10 năm, với tổng vốn bỏ ra gần 9.000 tỷ đồng, Trường Hải đã xây dựng được một Khu phức hợp cơ khí ô tô Chu Lai – Trường Hải trên diện tích gần 600 héc-ta, với hơn 20 nhà máy và công ty, trong đó có 4 nhà máy lắp ráp ô tô, 8 nhà máy sản xuất linh kiện, phụ tùng. Ngoài ra, còn có các đơn vị hỗ trợ, như trường cao đẳng nghề, trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D), các công ty xây dựng, đầu tư hạ tầng khu công nghiệp và hệ thống giao nhận vận chuyển, bao gồm cả vận tải biển và vận tải đường bộ.
Vững chân với xe tải, xe bus, Trường Hải rất nhanh chóng tạo ra một hiện tượng mới trong ngành công nghiệp ô tô Việt Nam khi được 3 nhãn hiệu ô tô du lịch quốc tế cộng tác đồng thời là Kia, Mazda, Peugoet cùng doanh số bán ra luôn thuộc top đầu ở thị trường trong nước. Năm 2018, với việc thâu tóm Euro Auto và trở thành đại lý phân phối độc quyền của hãng xe hạng sang BMW, đã giúp chuỗi kinh doanh ô tô của Thaco được phủ đầy các chủng loại, từ xe du lịch, xe bus, xe tải, xe chuyên dụng, xe máy phục vụ khách hàng ở hầu hết các phân khúc từ trung cấp, cao cấp đến hạng sang.
Bên cạnh đó, chính chiến lược kinh doanh linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tế của từng giai đoạn đã đưa Trường Hải nói chung và bản thân ông Dương nói riêng từ một công ty nhỏ ngày nào trở thành tập đoàn sản xuất, lắp ráp ô tô hàng đầu Việt Nam, còn ông chủ của mình trở thành tỷ phú USD.
Đưa Thaco thành tập đoàn đa ngành
Đầu năm 2018, tại Đại hội cổ đông thường niên, Thaco đã khiến nhiều người bất ngờ khi công bố chiến lược phát triển mới là hướng tới một siêu tập đoàn với nhiều mảng kinh doanh khác nhau. Theo Chủ tịch Hội đồng Quản trị Trần Bá Dương, việc trở thành tập đoàn công nghiệp đa ngành với nhiều lĩnh vực sẽ gây dựng một hệ sinh thái đa dạng, cùng hợp lực bổ trợ cho mảng chủ lực ô tô nhấn ga tăng tốc.
Cụ thể, lĩnh vực mới mà ông Dương hướng Thaco mở rộng là bất động sản thông qua thành viên Đại Quang Minh. Hiện quỹ đất của Thaco đang có khá dồi dào. Ngoài Khu đô thị Sala rộng hơn 257ha tại trung tâm tài chính Thủ Thiêm, Thaco còn đang phát triển Khu công nghiệp và đô thị 650ha Chu Lai, cũng như sở hữu 100 showroom có vị trí tốt tại các đô thị lớn. Trong các năm tới, Tập đoàn sẽ phát triển quỹ đất dồi dào này và tích lũy thêm các lô đất mới thông qua các hình thức hợp tác công - tư (PPP) với Chính phủ.
 Thaco nhảy sang nhiều mảng kinh doanh khác
Kế đến là mảng nông nghiệp công nghệ cao, tương tự với nhiều tập đoàn khác như Vingroup, Hoàng Anh Gia Lai, T&T Group, Hòa Phát, FPT. Theo ông Dương, từ lợi thế am hiểu về máy móc, Thaco sẽ tập trung cung cấp các giải pháp cơ khí cho tất cả các khâu: từ canh tác, thu hoạch, vận chuyển, bảo quản về chế biến. Để chuẩn bị cho mục tiêu này, mới đây, Thaco đã khánh thành nhà máy sản xuất máy nông nghiệp Thaco tại Quảng Nam nhằm tạo ra các sản phẩm máy kéo có chất lượng cao, phù hợp với địa hình và điều kiện canh tác của từng vùng miền tại Việt Nam.
Lĩnh vực cuối cùng mà Thaco tham gia là mảng kinh doanh thương mại và dịch vụ là giải trí, bán lẻ, ăn uống, kinh doanh du lịch để tận dụng lợi thế có sẵn từ các dự án khu đô thị, cụm công nghiệp - nông nghiệp mà Tập đoàn đang sở hữu.
“Chiến lược phát triển đa ngành của Tập đoàn dựa trên quan điểm liên doanh liên kết hợp tác cùng phát triển không cạnh tranh lẫn nhau và tạo ra hệ sinh thái doanh nhân - doanh nghiệp Việt Nam, trong đó có khởi nghiệp nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam trong bối cảnh hội nhập”, ông Trần Bá Dương chia sẻ.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần