Không chỉ làm kinh tế giỏi, anh còn giải quyết công ăn việc làm ổn định cho 15 lao động ở địa phương.
Nhớ lại ngày đầu khởi nghiệp, anh Long chia sẻ, tốt nghiệp Cao đẳng Hóa chất, “bén duyên” với nghề cơ khí, nhưng anh lại quyết định nghỉ việc, về quê khởi nghiệp bằng nghề làm gạch và cuối cùng là chăn nuôi theo mô hình VAC kết hợp nuôi giun quế. Lúc khởi nghiệp, với số vốn ban đầu 20 triệu đồng, anh phải nhờ sự giúp đỡ của bố mẹ vay ngân hàng và huy động từ bạn bè được hơn 1 tỷ đồng. Sau đó, mạnh dạn đấu thầu và thuê lại 2,7ha đất của các hộ nông dân trong thôn để làm trang trại. "Tuy nhiên lúc đầu do không có kinh nghiệm trong kỹ thuật chăm sóc nên lợn bị ốm và chết nhiều. Có lần chết 20%, thậm chí là 30%... Lo “trắng tay”, nhiều đêm tôi không sao chợp mắt được” - anh Long nhớ lại.
Thất bại, nhưng anh Long vẫn không từ bỏ con đường mình đã chọn. Lặn lội tìm đến các trang trại VAC ở Xuân Mai (Hà Nội), Phú Thọ… để tìm hiểu về chuyên môn, tham gia những lớp tập huấn về nông nghiệp, chăn nuôi nhằm học hỏi kỹ thuật, kinh nghiệm. Sau đó, anh áp dụng kiến thức, kinh nghiệm đã được học vào làm nghề và đã có những thành công bước đầu. Những lứa lợn, cá, bò dần dần phát triển tốt, cho ra sản phẩm, anh bắt đầu đi chào hàng, tiếp cận DN thông qua sự giới thiệu từ bạn bè, người thân. Sau một thời gian, các thương phẩm do anh sản xuất ra đã tiêu thụ ổn định trên địa bàn thị huyện cũng như TP.
Để đàn lợn nuôi được khỏe mạnh, cho năng suất cao, anh đã sớm áp dụng quy trình chăn nuôi khép kín đảm bảo vệ sinh và phương pháp chăm sóc theo hướng sinh học. Chú trọng môi trường, phòng dịch theo quy trình công nghệ của Bộ Y tế. Đến nay, mô hình VAC của anh đã phát triển với 2.300 con/lứa (mỗi năm 2 lứa, mỗi lứa thu hoạch 2.300 tấn); 900 con gà thịt, 2 ao cá nuôi thịt, mỗi năm thu 4 - 5 tấn cá, 150 cây bưởi, 50 cây ổi, 1 mẫu rau, 1 chuồng nuôi giun quế làm thức ăn cho gà, cá với tổng doanh thu 1,2 tỷ đồng/năm. Hiện, anh đang mở rộng mô hình nuôi bò Úc với 5 mẫu trồng cỏ, 150 con bò, và sẽ tiếp tục kết hợp với một số hộ nông dân liên doanh, liên kết mở một trang trại lợn từ 2.000-3.000 con. Nhờ hiệu quả kinh tế cao, mô hình VAC của anh Long được rất nhiều người dân quanh vùng tìm đến học hỏi kinh nghiệm, tìm hiểu kỹ thuật nuôi, trồng.
Nhìn lại hành trình của mình, anh Long chia sẻ: “Mặc dù xác định làm nông là vất vả, nhưng tôi không nghĩ mô hình VAC lại nhọc nhằn đến thế. Tuy nhiên, đã là kinh doanh thì phải “liều” và chấp nhận rủi ro”. Nói về anh Long, Bí thư Đoàn thị trấn Tây Đằng Phùng Văn Nam nhận xét: Anh Long không chỉ làm kinh tế giỏi, còn là một cán bộ đoàn, đã giúp đỡ nhiều đoàn viên, thanh niên trong huyện cùng làm kinh tế. Đặc biệt, anh còn tạo việc làm cho hàng chục lao động tại địa phương.
Giải thưởng Lương Định Của chính là một sự ghi nhận những đóng góp của anh Long vào sự phát triển kinh tế nông thôn. Anh chia sẻ: "Để khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, các bạn trẻ nên nghiên cứu khu vực nơi mình sinh sống phù hợp với những loại cây trồng gì, nuôi con gì. Bên cạnh đó, cần tìm hiểu những phù hợp với môi trường, hoàn cảnh kinh tế sẽ có những bước đi vững chắc hơn”.