Hà Nội: Tiếp tục thu hút đầu tư, cải thiện môi trường kinh doanh, phát triển doanh nghiệp

Công Thọ - Thủy Tiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Chiều 5/2, dưới sự chủ trì của Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung, tập thể UBND TP giao ban công tác tháng 1/2020.

Dự hội nghị có các Phó Chủ tịch UBND TP: Nguyễn Thế Hùng, Nguyễn Quốc Hùng, Nguyễn Doãn Toản; đại diện các sở, ngành TP.
Triển khai các chỉ tiêu phát triển kinh tế ngay từ đầu năm
Báo cáo tại hội nghị, Giám đốc Sở KH-ĐT Nguyễn Mạnh Quyền cho biết các chỉ tiêu cân đối lớn về kinh tế Thủ đô được triển khai thực hiện quyết liệt ngay từ đầu năm. Tổng thu NSNN trên địa bàn TP tháng 1/2020 là 32.036 tỷ đồng, đạt 11,5% dự toán, tăng 4,2% so với cùng kỳ, trong đó: Thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu 1.783 tỷ đồng đạt 9,7% dự toán, tăng 17,1% so cùng kỳ; Thu từ dầu thô 292 tỷ đồng, đạt 13,9% dự toán; Thu nội địa 29.961 tỷ đồng, đạt 11,6% dự toán, tăng 3,1% so cùng kỳ.
 Dưới sự chủ trì của Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung, tập thể UBND TP giao ban công tác tháng 1/2020.
Chi ngân sách địa phương tháng 1/2020 là 6.093 tỷ đồng, đạt 5,9% dự toán, trong đó: chi đầu tư phát triển 1.872 tỷ đồng, đạt 4,3% dự toán; chi thường xuyên 4.222 tỷ đồng, đạt 8,7% dự toán.
Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa trên địa bàn Tháng 1 ước đạt 1.041 triệu USD, giảm 20,2% so tháng trước và giảm 17,4% so với cùng kỳ năm trước.
Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa Tháng 1 ước đạt 2.460 triệu USD, giảm 19,5% so tháng trước và giảm 11,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 1.990 triệu USD, giảm 19,5% tháng trước và giảm 11,4% cùng kỳ năm trước; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 470 triệu USD, giảm 19,3% tháng trước và giảm 13,2% cùng kỳ năm trước.
CPI Tháng 1 tăng 1,07% so với tháng trước và tăng 6,16% so với cùng kỳ năm trước.
Chỉ số sản xuất công nghiệp Tháng 1 ước giảm 24,9% so với tháng trước và giảm 14,2% so với cùng kỳ năm 2019, chủ yếu do tháng Một năm nay trùng với Tết Nguyên đán. Cùng xu hướng của toàn ngành công nghiệp, trong tháng 1/2020 hầu hết các ngành công nghiệp chủ lực có chỉ số sản xuất giảm.
Chỉ số sử dụng lao động của các doanh nghiệp công nghiệp Tháng 1 giảm 1,9% so với cùng kỳ năm trước.
Các hoạt động thương mại phát triển tốt
Giám đốc Sở KH-ĐT cho biết: Tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán ra và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội Tháng 1 ước đạt 256 nghìn tỷ đồng, tăng 2,1% so tháng trước và tăng 11,4% so cùng kỳ năm 2019.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong tháng ước đạt 51,6 nghìn tỷ đồng, tăng 6% so với tháng trước và tăng 11,7% so với cùng kỳ năm trước.
Thành phố đã kịp thời chỉ đạo các ngành, địa phương định hướng cho các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất kinh doanh trên địa bàn xây dựng và tổ chức kế hoạch sản xuất, dự trữ hàng hóa phục vụ Tết đảm bảo đầy đủ về số lượng, ổn định về giá bán, đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm phục vụ nhân dân trong dịp Tết.
Tính từ ngày mùng 1, 2, 3 và mùng 4 Tết, theo đăng ký có 981 địa điểm mở cửa bán hàng. Duy trì thông tin về tình hình nguồn cung, nhập khẩu các mặt hàng nông sản để kịp thời đánh giá cung - cầu các mặt hàng phục vụ Tết. Yêu cầu các quận, huyện, thị xã và các đơn vị sản xuất kinh doanh trên địa bàn theo dõi sát về tình hình cung cầu, giá cả hàng hóa phục vụ Tết.
Khách du lịch giảm 3,5%
Khách du lịch đến Hà Nội trong tháng 1/2020 đạt 2,38 triệu lượt khách, giảm 3,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: khách quốc tế đạt 481,8 nghìn lượt, giảm 9% so với cùng kỳ năm trước; khách du lịch nội địa đạt 1.742,4 nghìn lượt khách, giảm 2% so với cùng kỳ. Tổng thu từ khách du lịch đạt 8.693 tỷ đồng, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm trước.
Riêng 9 ngày Tết từ 29/12/2019 đến hết 7/1/2020 âm lịch (tức từ 23/1 đến hết 31/1/2020), khách du lịch quốc tế có lưu trú đến Hà Nội đạt 86.844 lượt khách, giảm 13% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, riêng khách du lịch Trung Quốc giảm 47% với 13.975 lượt khách
Về tình hình kinh doanh khách sạn: Tổng hợp báo cáo từ các cơ sở lưu trú trên địa bàn Hà Nội, trong tháng 01 năm 2020, công suất sử dụng phòng trung bình của khối khách sạn ước đạt khoảng 54,4%, giảm 15,5% so với cùng kỳ năm 2019.
Sản xuất nông nghiệp trong tháng tập trung chủ yếu vào chăm sóc và thu hoạch cây hoa màu vụ đông, đồng thời chuẩn bị cho gieo cấy lúa và cây màu vụ xuân. Diện tích gieo trồng trên địa bàn Thành phố đạt 28,7 nghìn ha, bằng 93,3% cùng kỳ năm trước. Hiện nay công tác chuẩn bị cho sản xuất vụ xuân 2020 đang được các địa phương tập trung chỉ đạo, nhằm đảm bảo gieo trồng đúng lịch thời vụ; đồng thời hướng dẫn bà con kỹ thuật bảo vệ và chăm sóc tốt diện tích mạ đã gieo; chuẩn bị các điều kiện về làm đất, nguồn nước để kịp thời gieo cấy vụ lúa xuân.
 Toàn cảnh hội nghị
Chăn nuôi trâu, bò trong tháng nhìn chung ổn định; không có dịch bệnh lớn xảy ra. Chăn nuôi lợn còn gặp khó khăn, dịch bệnh trong tháng giảm mạnh so với những tháng trước đây; số lợn mắc bệnh phát sinh ở mức thấp, nhưng nguy cơ bùng phát dịch bệnh vẫn còn rất lớn. Ước tính đàn lợn trên địa bàn hiện có 1.055 nghìn con, giảm 38,7% so với cùng kỳ năm 2019.
Tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư, cải thiện môi trường kinh doanh, phát triển doanh nghiệp
Thu hút đầu tư nước ngoài tháng 1/2020 được 141,6 triệu USD, trong đó: Cấp mới 68 dự án, vốn đăng ký 30,2 triệu USD; 07 lượt dự án tăng vốn, tổng số 71,4 triệu USD; góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài trong doanh nghiệp Việt Nam trị giá 40 triệu USD.
Về thu hút vốn đầu tư trong nước, trong tháng đầu năm Sở KH&ĐT đã trình UBND Thành phố quyết định chủ trương đầu tư 03 dự án vốn ngoài ngân sách, tổng vốn đầu tư 5.077 tỷ đồng; điều chỉnh chủ trương 03 dự án, trong đó 02 dự án tăng vốn 525,3 tỷ đồng; Cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho 1.734 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 182.064 tỷ đồng. Tổng số doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội đến nay đạt 281.228 doanh nghiệp. Số doanh nghiệp hoạt động trở lại là 1.393 doanh nghiệp (giảm 12% so với cùng kỳ).
Triển khai các kế hoạch đẩy nhanh tiến độ lập và phê duyệt các quy hoạch trên địa bàn, phấn đấu trong năm 2020 cơ bản phủ kín quy hoạch tiến tới quản lý theo quy hoạch. Trật tự, an toàn giao thông, trật tự đô thị cơ bản được đảm bảo. Trật tự đô thị được duy trì thường xuyên. Duy tu, duy trì tốt hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị; chỉ đạo tiếp tục mở rộng diện tích cây xanh, đảm bảo chiếu sáng, cung cấp nước sạch, không xảy ra hiện tượng mất điện, mất nước trong dịp Tết Nguyên đán; thoát nước và xử lý nước thải được duy trì; vệ sinh môi trường được tổ chức tốt.
Quản lý trật tự xây dựng, quản lý đất đai trên địa bàn được chỉ đạo tăng cường, không để người dân, doanh nghiệp lợi dụng thời điểm nghỉ Tết để xây dựng, lấn chiếm đất trái phép.
Các lĩnh vực văn hóa, xã hội tiếp tục phát triển; công tác quản lý và phát triển các lễ hội được quan tâm toàn diện; an sinh xã hội được đảm bảo; ứng dụng công nghệ thông tin được đẩy mạnh.
Trong đó, đáng chú ý làxây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch phòng chống bệnh không lây nhiễm trên địa bàn Thành phố năm 2020; chỉ đạo các Sở, ngành và địa phương thực hiện nghiêm túc công tác phòng chống dịch bệnh trên địa bàn, nhất là dịch viêm phổi cấp do vi-rút corona gây ra; duy trì chế độ giao ban và báo cáo dịch theo đúng quy định.
Triển khai các kế hoạch đẩy mạnh cách hành chính; củng cố kỷ cương hành chính, chất lượng thực thi pháp luật; quan tâm thực hiện các chính sách dân tộc, tôn giáo.
Công tác quốc phòng được củng cố; an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội được đảm bảo; các hoạt động đối ngoại tiếp tục được lãnh đạo thành phố quan tâm toàn diện, sâu rộng.
Kiểm soát dịch bệnh nCoV
Về một số nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, Giám đốc Sở KH-ĐT Nguyễn Mạnh Quyền cho biết: TPtriển khai thực hiện Chương trình hành động số 07/CTr-UBND ngày 09/01/2020 của UBND Thành phố thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ và Nghị quyết của HĐND Thành phố về Kế hoạch phát triển KT-XH và dự toán ngân sách nhà nước năm 2020; kiểm tra việc thực hiện giao kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách năm 2020 của các sở, ngành và các quận, huyện, thị xã.
Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, kỷ luật công vụ sau Tết. Đôn đốc người lao động tích cực bắt tay vào làm việc để đảm bảo kế hoạch sản xuất kinh doanh. Tổ chức thực hiện hiệu quả chủ đề năm 2020: “Phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị phấn đấu hoàn thành thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ nhiệm kỳ 2015-2020 và tổ chức thành công đại hội đảng bộ các cấp”.
Tập trung chỉ đạo điều hành quyết liệt quản lý chặt chẽ thu chi ngân sách, triển khai đảm bảo tiến độ đầu tư các dự án, công trình trên địa bàn Thành phố. Tăng cường hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đặc biệt là thủ tục hành chính, dịch vụ công để thúc đẩy sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế. Xây dựng các kịch bản ứng phó với các nguy cơ làm suy giảm xuất nhập khẩu trên địa bàn, nhất là do tác động của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp.
Hoàn thành gieo cấy vụ Xuân theo kế hoạch. Tăng cường giám sát, phòng chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm, nhất là dịch tả lợn Châu Phi.
Tổ chức tốt các hoạt động chăm sóc sức khỏe nhân dân, phòng chống dịch bệnh; chỉ đạo các ngành, các cấp nghiêm túc và quyết liệt triển khai các giải pháp, kế hoạch, chỉ đạo của Trung ương, Bộ Y Tế và UBND Thành phố nhằm ngăn chặn lây lan và kiểm soát tuyệt đối dịch bệnh viêm đường hô cấp cấp do vi-rút corona gây ra. Tăng cường công tác kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc đối với các sản phẩm lưu thông, vận chuyển, kinh doanh buôn bán tại khu vực các chợ đầu mối, các nhà hàng, cơ sở kinh doanh. Thực hiện tốt các kế hoạch, chương trình đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.
Tổ chức, quản lý tốt các hoạt động văn hóa, thể thao, lễ hội; tổ chức thanh, kiểm tra các loại hình dịch vụ, sắp xếp hàng quán, dịch vụ trông giữ xe, đảm bảo an toàn giao thông...
Đảm bảo an ninh, an toàn tuyệt đối các sự kiện chính trị, các lễ hội trên địa bàn; xử lý nghiêm tình trạng ép giá, chèo kéo khách du lịch, tệ nạn xã hội, cờ bạc, trộm cắp...

Xem xét đề xuất trưng dụng Đại học Thành đô tại Hoài Đức làm bệnh viện dã chiến phòng dịch Corona

Tại hội nghị giao ban công tác tháng 1/2020, Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Khắc Hiền báo cáo về tình hình dịch bệnh và công tác chủ động phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona (nCoV) tại Hà Nội.

 Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Khắc Hiền báo cáo về tình hình dịch bệnh và công tác chủ động phòng chống dịch bệnh

Cụ thể,theo thông tin từ Hệ thống giám sát dịch bệnh của Việt Nam, tính đến 08h00’ ngày 05/02/2020, thế giới đã ghi nhận 24.550trường hợp mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV, trong đó có 492 trường hợp tử vong (tạiTrung Quốc có 490 người tử vong, Phillippines có 01 trường hợp tử vong, HongKong có 01 trường hợp tử vong). Bệnh đã xâm nhập sang 27 quốc gia và vùng lãnh thổ ngoài Trung Quốc.

Tại Việt Nam, tính đến 08h00’ ngày 05/02/2020 đã ghi nhận 10 trường hợp dương tính với nCoV, trong đó: 02 cha con người Trung Quốc (01 người đã khỏi và xuất viện); 05 công dân Việt Nam đều trở về từ Vũ Hán, Trung Quốc (01 người đã khỏi và xuất viện); 01 công dân Việt Nam là lễ tân có tiếp xúc gần với 2 cha con người Trung Quốc(đã khỏi và xuất viện); 01 công dân Mỹ đến Việt Nam, trước đó có quá cảnh tại Vũ Hán, Trung Quốc; 01 người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với nCoV trước đó.

Cũng tại thời điểm trên, ở Hà Nội chưa ghi nhận trường hợp dương tính với nCoV, số trường hợp giám sát tại bệnh viện và cộng đồng như sau:

Giám sát tại bệnh viện 35 trường hợp nghi ngờ nhiễm vi rút nCov trong đó, 30 trường hợp đã xét nghiệm âm tính với nCoV; 5 trường hợp chưa có kết quả xét nghiệm và tiếp tục cách ly, theo dõi chặt chẽ. Tổng số trường hợp tiếp xúc gần cần được giám sát: 145, trong đó 126 trường hợp đã kết thúc giám sát; 19 trường hợp đang tiếp tục giám sát.

Trước diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona gây ra, Sở Y tế đề xuất UBND TP tiếp tục chỉ đạo các sở ban ngành Thành phố và UBND các quận, huyện, thị xã tiếp tục tập trung huy động mọi nguồn lực để quyết liệt triển khai các biện pháp phòng chống dịch trên địa bàn.

Đặc biệt, các quận, huyện, thị xã tiếp tục tăng cường giám sát người đi từ vùng dịch về lưu trú trên địa bàn.

Các quận, huyện, thị xã chỉ đạo quyết liệt việc vệ sinh môi trường khử khuẩn phòng chống dịch tại tất cả các cơ quan công sở, nhà máy, xí nghiệp, trường học, các khu chung cư… trên địa bàn.

UBND Thành phố chỉ đạo các sở ngành phối hợp xây dựng phương án triển khai bệnh viện dã chiến khi dịch bệnh bùng phát.

UBND Thành phố chỉ đạo UBND các quận, huyện, thị xã tiếp tục bố trí đầy đủ nguồn lực cho công tác phòng chống dịch, đặc biệt là đảm bảo trang thiết bị phòng hộ và chế độ cho cán bộ lực lượng tham gia phòng chống dịch tại địa phương; đảm bảo hóa chất, trang thiết bị để vệ sinh môi trường khử khuẩn trên địa bàn với phương châm 4 tại chỗ.

Ban chỉ đạo Phòng chống dịch các cấp tiếp tục tăng cường kiểm tra công tác chủ động phòng chống dịch trên địa bàn.

Để chủ động phòng dịch do virus Corona,Sở Y tế Hà Nội cho biết, đã khảo sát và dự kiến đề xuất TP trưng dụng 1 cơ sở dân sự (Trường Đại học Thành đô tại Hoài Đức) có diện tích 9,7 ha, có thể thu dung 500 – 700 giường bệnh và đảm bảo khu hậu cần cho hoạt động của bệnh viện dã chiến, trong trường hợp diễn biến dịch bùng phát mạnh tiếp tục xây dựng mới bệnh viện dã chiến 1.000 giường tại huyện Mê Linh.

Chất lượng không khí dịp Tết đạt mức tốt

Báo cáo Chủ tịch UBND TP, Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, về triển khai các biện pháp khắc phục hạn chế ô nhiễm, cải thiện chỉ số chất lượng không khí AQI trên địa bàn TP, Giám đốc Sở Tài nguyên & Môi trường Nguyễn Trọng Đông cho biết: Trong tháng 01/2020, TP Hà Nội xuất hiện nhiều dạng thời tiết cực đoan, gió mùa Đông Bắc kết hợp với gió Đông Nam mang hơi nước nóng ẩm từ Biển Đông vào tạo dải hội tụ trong khí quyển gây hiện tượng sương mù, không mưa, ít nắng và lặng gió, làm giảm khuyếch tán ô nhiễm trong không khí khiến nồng độ các chất ô nhiễm tăng cao.

Ảnh minh họa

Mặt khác, thời điểm sát tết âm lịch cũng là thời điểm gia tăng lượng phương tiện tham gia giao thông, các công trình xây dựng gấp rút hoàn thiện, còn tình trạng người dân dọn nhà thu gom rác và đốt rác tại các điểm công cộng, còn đốt các phụ phẩm nông nghiệp trên đồng ruộng để dọn dẹp mặt bằng vào mùa vụ mới. Bên cạnh đó, nhu cầu đốt vàng mã trong dịp cuối năm âm lịch và đầu năm mới tăng cao cũng làm giảm chất lượng không khí trên địa bàn Thành phố trong tháng 01/2020.

Đáng chú ý, vào dịp nghỉ Lễ Tết trên các tuyến đường tại Hà Nội phương tiện lưu thông ít và các công trình xây dựng, hoạt động sản xuất tạm dừng. Từ ngày 25-27/1 xuất hiện nhiều trận mưa rào và dông kéo dài, giúp nồng độ bụi giảm, chất lượng không khí đạt mức “Tốt” tại 11/11 trạm. Đây là khoảng thời gian chất lượng không khí duy trì ở mức tốt nhất trong nhiều năm qua.

Đến ngày 29/01 (mồng 5 tết), người dân tỉnh xa và lân cận trở lại Hà Nội để làm việc nên lượng giao thông tăng cao trong ngày này khiến nồng độ bụi cũng tăng lên, CLKK ở mức “Trung Bình”, “Kém”.

Từ đêm ngày 3/2 sang ngày 4/2 do có gió mùa đông bắc mạnh tăng cường kết hợp mưa nhỏ đã giúp chất lượng không khí Hà Nội tốt rõ rệt, toàn bộ 11 trạm quan trắc không khí trên địa bàn Thành phố đều cho chỉ số AQI ở mức “Tốt”.

Trong bối cảnh diễn biến chất lượng không khí Hà Nội đang có dấu hiệu suy giảm, điều kiện thời tiết cực đoan do biến đổi khí hậu ngày càng xuất hiện nhiều, UBND Thành phố đã tập trung, quyết liệt ban hành Chỉ thị số 19/CT-UBND ngày 25/12/2019 về các biện pháp khắc phục hạn chế ô nhiễm, cải thiện chỉ số chất lượng không khí AQItrên địa bàn Thành phố Hà Nội.

Kết quả đến nay, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Thông tin truyền thông, Công an Thành phố, Sở Xây dựng, các đơn vị thanh tra chuyên ngành và các quận huyện thị xã đã tăng cường triển khai thanh tra, kiểm tra, xử lý các phương tiện vi phạm, các công trình không đảm bảo vệ sinh môi trường gây ô nhiễm không khí, tăng cường công tác truyền thông nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường của người dân.

Cụ thể, Sở Tài nguyên & Môi trường tăng cường đầu tư hệ thống quan trắc không khí tự động;điều chỉnh Dự án đầu tư hệ thống quan trắc không khí tự động (bao gồm 20 trạm quan trắc không khí cố định, 01 trạm quan trắc không khí lưu động), đảm bảo tiến độ trình UBND Thành phố phê duyệt trong tháng 2/2020, triển khai dự án hoàn thành trong năm 2020.

Về việc tiếp nhận tài trợ 50 trạm quan trắc không khí cảm biến, sở Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp đơn vị tư vấn và các quận huyện thị xã khảo sát, lựa chọn 50 vị trí địa điểm trên nguyên tắc phù hợp với Quy hoạch mạng lưới quan trắc.

Sau khi được UBND Thành phố chấp thuận 50 vị trí địa điểm lắp đặt các trạm quan trắc cảm biến, Sở Tài nguyên và Môi trường thông báo cho Công ty THT để tổ chức lắp đặt các trạm quan trắc cảm biến, sớm đưa vào vận hành phục vụ người dân, dự kiến hoàn thành trong quý I/2020.

Sở Tài nguyên và Môi trường đã chủ động nâng cấp hệ thống phần cứng, máy chủ đảm bảo kết nối hệ thống thiết bị quan trắc không khí sau đầu tư. Với hiện trạng 11 trạm quan trắc hiện có, 50 trạm cảm biến và 20 trạm cố định đang thực hiện đầu tư, mục tiêu đến hết năm 2020 Thành phố Hà Nội sẽ hoàn thiện đồng bộ hệ thống 81 trạm quan trắc không khí trên toàn địa bàn Thành phố, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường và nhu cầu theo dõi diễn biến chất lượng không khí của người dân Thủ đô.

Ngoài ra, Sở Tài nguyên và Môi trường đang tích cực phối hợp với Cơ quan phát triển Pháp AFD và đơn vị tư vấn Pháp AirParif nâng cao năng lực quản lý hệ thống, dữ liệu quan trắc không khí tự động; nghiên cứu tiếp thu bài học kinh nghiệm đơn vị tư vấn Pháp đã triển khai thành công tại Paris và Bắc kinh; dự kiến trong tháng 4/2020 sẽ tổ chức Hội thảo về đề xuất chương trình, kế hoạch hành động cải thiện chất lượng không khí trên địa bàn Thành phố Hà Nội.

Đối với các Sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã:Công an Thành phố, Thanh tra chuyên ngành tiếp tục tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các xe chở vật liệu, phê thải xây dựng gây ô nhiễm môi trường; xử phạt hành chính và tạm giữ phương tiện; giám sát các công trường xây dựng, cơ sở sản xuất, xử lý nghiêm các hành vi gây ô nhiễm môi trường theo quy định.

Sở Y tế, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Thông tin truyền thông xây dựng phương án khuyến cáo, hướng dẫn người dân bảo vệ sức khỏe trong các ngày chất lượng không khí ở mức “Xấu” “Rất Xấu” và “Nguy hại”.

Thành lập Tổ công tác liên ngành, gồm các Sở: Tài nguyên và Môi trường, Thông tin và truyền thông, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Xây dựng, Giao thông vận tải, Y tế, Công an Thành phố đôn đốc, kiểm tra, hướng dẫn các quận, huyện, thị xã trong công tác bảo vệ môi trường và cải thiện chất lượng không khí.

Cụ thể, xử lý nghiêm các địa phương để xẩy ra hiện tượng người dân đốt rơm rạ trên cánh đồng. Không sử dụng than tổ ong làm nhiên liệu trong sinh hoạt, kinh doanh, chuyển đổi sang các loại nhiên liệu khác thân thiện với môi trường.

Tăng cường công tác vệ sinh môi trường đảm bảo không tồn đọng rác thải sinh hoạt; kiểm soát chặt chẽ công tác thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải nguy hại, chất thải y tế.

Phối hợp Mặt trận Tổ quốc Thành phố Hà Nội, các tổ chức chính trị, xã hội, tôn giáo tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân không thu gom đốt rác tự phát, không vứt rác bừa bãi, đặc biệt hạn chế đốt vàng mã.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần