Ùn tắc giao thông có dấu hiệu tăng |
Theo thống kê của Cục CSGT, Bộ Công an, 6 tháng đầu năm nay, toàn quốc xảy ra 33 vụ UTGT kéo dài. So với cùng kỳ năm 2016, tăng 8 vụ (24,24%).
Những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến UTGT là do TNGT ( 22 vụ chiếm 66,7%), lưu lượng phương tiện đông (3 vụ chiếm 9,9%) và do nguyên nhân khác như sự cố trên đường, cháy nổ, sạt lở…(8 vụ chiếm 23,4%). Ngoài ra, còn do tình trạng dòng giao thông có mật độ cao, vận tốc chậm (khoảng 10 - 12 km/h) trên các trục giao thông chính trong các khung giờ cao điểm sáng, chiều. Đặc biệt là khi trời mưa, đường phố bị ngập cục bộ hoặc do có công trình thi công chiếm dụng lòng đường, tình trạng UTGT diễn ra khá phổ biến và có xu hướng ngày càng mở rộng về khu vực, thời gian ảnh hưởng tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh. Các hoạt động lấn chiếm hành lang ATGT, vỉa hè, lòng lề đường để kinh doanh, trông giữ phương tiện, đỗ xe trái phép... cũng là nguyên nhân gây ra hiện tượng ùn ứ giao thông cục bộ trong các đô thị. Phó Chủ tịch chuyên trách Uỷ ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng cho biết, để khắc phục tình trạng UTGT, Ủy ban ATGT Quốc gia đã phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện nhiều giải pháp để UTGT trên các trục giao thông chính, trong các đô thị, đặc biệt là tại 2 TP: Hà Nội và Hồ Chí Minh. Thủ tướng Chính phủ cũng đã chủ trì 2 buổi làm việc chuyên đề với lãnh đạo Hà Nội và TP Hồ Chí Minh nhằm đưa ra các giải pháp để khắc phục tình trạng UTGT. Ngay sau buổi làm việc, nhiều giải pháp đồng bộ đã được triển khai quyết liệt, cụ thể như: Đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án giao thông trọng điểm, đặc biệt là các dự án đường sắt đô thị và các dự án xây dựng cầu vượt tại các nút giao thường xuyên ùn tắc. Đổi mới đoàn phương tiện và điều chỉnh lộ trình, lịch trình dịch vụ xe buýt trong đô thị, đưa vào khai thác tuyến buýt nhanh (BRT01 Kim Mã – Bến xe Yên Nghĩa). 2 TP lớn nêu trên cũng đã quyết liệt ra quân “Lập lại trật tự lòng đường, vỉa hè”; triển khai các biện pháp điều tiết chống UTGT cục bộ tại các điểm có nguy cơ ùn tắc cao trên địa bàn. Hiện Hà Nội và TP Hồ Chí Minh cũng đang nghiên cứu chuẩn bị thực hiện các đề án Quản lý phương tiện cơ giới cá nhân và cung cấp dịch vụ xe đạp công cộng trong khu trung tâm TP. Bộ GTVT tiếp tục triển khai đưa hệ thống thu phí không dừng tại các trạm BOT vào hoạt động đồng bộ trên tuyến QL1A và các tuyến QL trọng điểm khác; thực hiện quy hoạch tuyến vận tải hành khách liên tỉnh cố định bằng xe ô tô; áp dụng mô hình hoạt động xe buýt cho các tuyến vận tải cố định liên tỉnh kết nối Hà Nội, TP Hồ Chí Minh với các địa phương lân cận (trong bán kính khoảng 100 -120 km). Tuy nhiên, đến nay trên địa bàn Hà Nội và TP Hồ Chí Minh còn tồn tại nhiều điểm dễ xảy ra UTGT phức tạp, kéo dài như tại các tuyến đường kết nối với đầu mối giao thông lớn; các nút giao chưa có cầu vượt giữa đường trục hướng tâm và các đoạn tuyến vành đai; các đoạn tuyến có các công trình giao thông thi công kéo dài, tổ chức giao thông bất hợp lý.