Chưa thể giảm tận gốc Theo thống kê của Bộ GTVT, tính đến hết tháng 10, cả nước đã xảy ra 24.369 vụ TNGT, làm chết 7.812 người, bị thương 24.387 người. So với cùng kỳ năm 2012 giảm 1.092 vụ, tăng 123 người chết; giảm 2.513 người bị thương. Tuy nhiên, các vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng còn nhiều, số người chết và số người bị thương vẫn còn ở mức độ cao. Có thể thấy, số người bị thương trong 10 tháng đầu năm nay đã giảm so với năm 2012, nhưng lại tăng về số người thiệt mạng. Nguyên nhân chủ yếu làm số người chết tăng mạnh là các vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến xe khách, xe tải nặng, xe container tăng. Điều dễ nhận thấy, trong khi xe máy là phương tiện thường xuyên "góp mặt" trong các vụ tai nạn thì ô tô lại là "thủ phạm" gây ra phần lớn các vụ TNGT nghiêm trọng.
Ứng dụng điều khiển bằng giọng nói đang được các nhà sản xuất ô tô quan tâm sử dụng. |
Nguyên nhân của phần lớn các vụ tai nạn nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng được nhận định là xuất phát từ lỗi chủ quan của người điều khiển phương tiện giao thông. Chưa kể đến các yếu tố ý thức, đạo đức của người lái xe thì lý do sức khỏe ngày càng nổi lên là vấn đề nóng, gây sự chú ý của cơ quan chức năng và dư luận xã hội. Bằng lái xe ô tô hiện nay có thời hạn 10 năm; trong khi bằng lái xe máy không quy định thời hạn. Đó là khoảng thời gian rất dài, người lái xe có thể gặp rất nhiều vấn đề về sức khỏe. Việc sức khỏe (liên quan tới trí tuệ tinh thần, thị lực, thính giác, khả năng vận động,...) giảm sút ảnh hưởng lớn tới khả năng điều khiển phương tiện của người lái xe. Chưa tính đến nguyên nhân sử dụng rượu, bia có thể tác động tiêu cực khiến việc điều khiển phương tiện trở nên khó khăn hơn. Thực trạng đó đặt ra bài toán cấp thiết, đó là làm sao để có thể trợ giúp tốt nhất cho người lái xe trong các trường hợp gặp sự cố bất thường, cũng như sự thay đổi của sức khỏe thần kinh kéo theo khả năng điều khiển phương tiện giảm sút.
Đã đến lúc công nghệ vào cuộc Để giảm thiểu TNGT, trong nhiều năm qua đã có nhiều biện pháp được thực hiện. Tuy nhiên, các biện pháp giảm thiểu tai nạn bất ngờ với sự trợ giúp của khoa học công nghệ lại chưa được quan tâm đúng mức.
Hệ thống chống va chạm của Ford. |
Trên thế giới hiện nay, đã có một số hãng sản xuất ô tô áp dụng các công nghệ mới vào sản phẩm của mình để tránh va chạm. Hãng sản xuất ô tô Ford của Mỹ mới đây đã giới thiệu một công nghệ mới có tên là "Hệ thống tránh va chạm". Hệ thống này giúp lái xe tránh và giảm thiểu tối đa va chạm với người đi bộ hay các phương tiện giao thông khác nhờ vào sự nhạy bén của 6 chiếc radar, cảm biến siêu âm và một máy ảnh có nhiệm vụ quét khu vực đường phía trước trong vòng 200m. Khi phát hiện một vật thể đứng im hoặc di chuyển chậm phía trước xe, hệ thống này sẽ cảnh báo cho lái xe và phát tín hiệu báo động. Trong trường hợp lái xe không phản ứng khi sắp va chạm với chướng ngại vật thì sau 1,5 giây, hệ thống sẽ tự điều khiển chiếc xe bằng cách áp dụng phanh tự động hoặc tự động xử lý để tránh gây ra va chạm. Hãng Nissan của Nhật cũng đã ra mắt công nghệ chống đạp nhầm chân ga thay vì chân phanh. Công nghệ mới nhất này nhằm giúp làm giảm các vụ tai nạn vốn thường xuyên xảy ra với người lớn tuổi và những người mới bắt đầu lái xe khi muốn đỗ xe nhờ sử dụng bốn camera và radar siêu âm. Đây chính là lỗi nhiều người Việt Nam mắc phải khi gây ra các vụ tai nạn. Với sự cạnh tranh trên thị trường ô tô đầy tiềm năng của Việt Nam và nhất là với tình trạng TNGT vẫn ở mức cao, chắc chắn các hãng sản xuất xe hơi sẽ đưa dòng ô tô an toàn này đến nước ta trong tương lai gần. Khó khăn duy nhất khi áp dụng công nghệ chống TNGT trên xe hơi vào Việt Nam là giá của các thiết bị này rất cao, thông thường chỉ những xe cao cấp mới được trang bị những hệ thống đảm bảo an toàn này. Thêm vào đó, công nghệ sản xuất là điều nhiều doanh nghiệp trong nước chưa thể ngay lập tức áp dụng được. Tuy nhiên, hơn ai hết, các nhà quản lý, các doanh nghiệp ô tô Việt Nam cần ngồi lại với nhau để xây dựng chiến lược cho việc áp dụng công nghệ an toàn vào ô tô, nhất là những dòng xe có tỷ lệ nội địa hóa cao. Một xã hội ít TNGT chính là xã hội phát triển bền vững. Việc phòng chống và giảm thiểu TNGT là trách nhiệm của toàn xã hội. Hơn ai hết, các nhà khoa học, quản lý cũng như doanh nghiệp cần đi đầu trong nỗ lực đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong giao thông an toàn. Một xã hội an toàn là một xã hội phát triển bền vững.