Kiểm tra lộ trình các tuyến xe tại Trung tâm điều hành xe buýt, Tổng Công ty Vận tải Hà Nội. Ảnh: Thanh Hải |
Năm 2018, Hà Nội đã đạt được những kết quả tích cực nào trong lĩnh vực giao thông, thưa ông?- Năm 2018, Bộ GTVT kết hợp với TP Hà Nội đã hoàn thành và đưa vào khai thác, sử dụng một số công trình kết cấu hạ tầng, góp phần nâng cao năng lực phục vụ giao thông của TP. Bên cạnh đó, Hà Nội cũng đã cố gắng tổ chức giao thông hợp lý, giải quyết kịp thời những bất cập liên quan đến công tác hạ tầng, xử lý các điểm đen giao thông.Tính chung năm 2018, Hà Nội đã giảm được 6 điểm “đen” UTGT; tai nạn giao thông giảm 5% cả 3 tiêu chí (số vụ, số người chết, số người bị thương). Đảm bảo trật tự, ATGT phục vụ Nhân dân đi lại trên địa bàn TP, nhất là vào các dịp cao điểm lễ, Tết. Đối với lĩnh vực xe buýt, đã triển khai được 14 tuyến mới, tỷ lệ vận chuyển hành khách của vận tải công cộng đạt 14%.Theo ông, giao thông Hà Nội vẫn phải đối diện với những khó khăn nào?- Theo Quy hoạch GTVT TP Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050, TP phải đảm bảo tỷ lệ 20 - 26% diện tích đất dành cho giao thông và 3 - 4% dành cho giao thông tĩnh. Tỷ lệ vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) phải đạt từ 50 - 55%. Tuy nhiên, tính đến hết năm 2018, tỷ lệ đất dành cho giao thông tại Hà Nội mới đạt được khoảng 9,38%. Đất dành cho giao thông tĩnh mới đạt dưới 1%; tỷ lệ VTHKCC mới đạt 14%. Như vậy, tất cả các chỉ số phục vụ GTVT của Hà Nội đều thấp hơn rất nhiều so với yêu cầu.Bên cạnh đó, công tác thu hút vốn đầu tư vào kết cấu hạ tầng giao thông còn gặp nhiều khó khăn, hiệu quả chưa được như mong muốn. Ý thức tham gia giao thông của một bộ phận không nhỏ người dân còn kém, là nguyên nhân trực tiếp gây ùn tắc, mất trật tự, ATGT.
Theo ông, Hà Nội cần tập trung vào những giải pháp gì để giảm thiểu UTGT trong năm 2019?- Với điều kiện hạ tầng như hiện nay, để đảm bảo tổ chức giao thông, chúng ta sẽ phải phân phối theo từng giờ, từng khu vực, tuyến đường để tận dụng tối đa kết cấu hạ tầng giao thông hiện có. Chúng ta đang hết sức tích cực triển khai các dự án giao thông trọng yếu như Vành đai 1, Vành đai 2, Vành đai 3... TP cũng đang tập trung tháo gỡ khó khăn về cơ chế, chính sách để huy động nguồn lực xã hội hóa đầu tư cho kết cấu hạ tầng giao thông. Chúng tôi tin rằng, với sự chỉ đạo tập trung, quyết liệt của chính quyền TP, việc đầu tư cho kết cấu hạ tầng giao thông của Hà Nội thời gian tới sẽ có kết quả tốt hơn.Mặt khác, Hà Nội đang trên tiến trình xây dựng Thành phố thông minh với hệ thống giao thông thông minh. Bằng việc ứng dụng công nghệ thông tin vào giao thông, chúng ta có thể kết nối, nâng cao năng lực vận tải nhằm phục Nhân dân.Ông có thể cho biết vài nét về việc phát triển giao thông thông minh tại Hà Nội?- Xây dựng, phát triển giao thông thông minh là một trong những yêu cầu trọng tâm của TP trong năm 2019. Để triển khai từng bước, chúng tôi đang tập trung xây dựng trung tâm điều hành giao thông chung của TP. Trên cơ sở đó, ngành GTVT Thủ đô được phân công một số nhiệm vụ: Tham mưu cho TP số hóa cơ sở hạ tầng giao thông; phối hợp với FPT cung cấp bản đồ giao thông thực, trực tuyến cho người dân trong quý I/2019; tăng cường kết nối hệ thống camera giám sát trên đường phố. TP đã có chủ trương giao cho 12 quận nội thành đầu tư lắp đặt hệ thống camera giám sát đường phố, vừa để quản lý an ninh trật tự, vừa để phục vụ công tác điều hành, tổ chức, xử lý vi phạm giao thông.Chúng tôi cũng đã kiến nghị Bộ GTVT sớm xây dựng ứng dụng quản lý trực tuyến thiết bị giám sát hành trình của các loại hình xe kinh doanh vận tải. Nếu có ứng dụng quản lý trực tuyến sẽ kịp thời cảnh báo, ngăn chặn các vi phạm như chạy quá tốc độ, chạy sai hành trình, xe “dù” bến “cóc”…Xin cảm ơn ông!
Dự kiến, kế hoạch năm 2019, Hà Nội sẽ mở mới từ 15 - 20 tuyến xe buýt mới; trong đó có một số tuyến buýt gom sử dụng xe nhỏ để có thể đi vào các tuyến đường có mặt cắt nhỏ, thu hút nhiều hành khách hơn cho các tuyến buýt hiện có. |