Ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất vật liệu xây dựng: Tối ưu hoá chất lượng sản phẩm

Kỹ sư Nguyễn Trung Hiếu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong bối cảnh đa phần các dây chuyền sản xuất vật liệu xây dựng (VLXD) tại Việt Nam còn nhỏ lẻ, việc ứng dụng công nghệ thông tin vào sản xuất không chỉ kiểm soát chất lượng đầu vào, đầu ra, quá trình quản lý toàn hệ thống mà còn mang lại hiệu quả vượt trội.

Ứng dụng công nghệ thông tin có vai trò đặc biệt quan trọng trong sản xuất VLXD.
Nhiều dây chuyền sản xuất nhỏ
Những năm trở lại đây, ngành VLXD đang có những bước đi ngày càng vững chắc, nguyên vật liệu xuất xứ Việt Nam được biết đến rộng rãi hơn ở thị trường trong và ngoài nước. Tuy nhiên, trong quá trình sản xuất, phát triển vẫn xảy ra nhiều bất cập, ảnh hưởng đến việc đẩy mạnh quy chuẩn sản xuất để ổn định được chỗ đứng trên thị trường quốc tế.

Trong sản xuất VLXD ở một số nước châu Âu, đa phần máy móc, công nghệ cao đang dần thay thế con người, số lượng nhân công ít hơn. Trong khi đó, ở Việt Nam, quá trình sản xuất VLXD hiện nay còn phụ thuộc quá nhiều vào người vận hành, kỹ sư máy... Các đơn vị cố gắng duy trì quá trình sản xuất VLXD bằng với thợ, công nhân đứng theo dõi từng quy trình, từng thiết bị nhỏ lẻ trong cả dây chuyền lớn. Điều này dẫn đến năng suất, chất lượng sản phẩm bị hạn chế và gặp nhiều khó khăn trong việc cạnh tranh, tìm chỗ đứng ngay tại thị trường trong nước.

Ưu điểm nổi trội

Với sự phát triển không ngừng của khoa học công nghệ, việc ứng dụng kỹ thuật mới vào sản xuất VLXD đem lại cho DN khả năng nắm bắt dễ dàng, đầy đủ, chi tiết và chính xác thông tin cần thiết trong mọi thời điểm. Điều đáng kể đến chính là nguồn nhân lực, thời gian sản xuất được triệt để, đưa trọng tâm nguồn vốn vào máy móc công nghệ. Từ đó năng suất được nâng cao, chất lượng sản phẩm đảm bảo, mang lại sự ổn định cho DN.

Theo lời chia sẻ từ một đơn vị sản xuất bê tông lớn tại miền Nam, khi ứng dụng được công nghệ vào sản xuất, việc theo dõi, kiểm tra chất lượng sản phẩm, nhân lực là hiệu quả dễ nhận thấy nhất. Theo đó, không mất nhiều thời gian trong quá trình di chuyển, kiểm tra từng máy móc, thiết bị tại mỏ đá hay trong nhà máy, vừa đảm bảo được an toàn người lao động.

Hệ thống được làm ra để con người theo dõi, phân tích những chỉ số của máy móc cũng như thành phẩm được đảm bảo đủ tiêu chuẩn, tỷ lệ nguyên liệu trong sản xuất bê tông. Đặc biệt hơn, với những số liệu được phân tích, thu thập, nhà quản lý dễ nắm bắt những yêu cầu của máy móc như thời gian tiếp nhiên liệu, dầu mỡ, thời gian sử dụng những nguyên liệu đang có, giảm lãng phí nhân công. Lợi ích từ công nghệ thông tin còn đem lại hiệu quả qua những kênh bán hàng trực tuyến, khi các DN đều cố gắng chạy đua trên thị trường số.

Tại những mỏ đá đang ứng dụng công nghệ thông tin vào sản xuất, kỹ sư chỉ tập trung quan sát tại phòng điều hành - nơi tập trung hệ thống camera, thiết bị báo động cho từng thiết bị. Thợ vận hành dễ dàng quan sát được những thay đổi, yêu cầu về bảo trì, bảo hành được hiển thị, thể hiện rõ nét. Những thông số kỹ thuật, sản xuất được giám sát chặt chẽ qua các thiết bị đo lường được nhập khẩu. Hệ thống camera quan sát được liên kết đến văn phòng làm việc của cấp cao, đảm bảo quá trình làm việc một cách nghiêm ngặt.

Rút ngắn tiến độ, nâng cao chất lượng

Thời gian gần đây, ứng dụng, chuyển giao công nghệ trong xây dựng diễn ra sôi động, ngày càng trở thành tiền đề tất yếu, sống còn để các DN có thể tồn tại, duy trì được năng lực cạnh tranh trong dài hạn, bứt phá phát triển thành DN hàng đầu trong lĩnh vực xây dựng. Những DN trong nước đã làm chủ nhiều công nghệ trong thiết kế, thi công nhà cao tầng, công trình giao thông, thủy lợi, công trình công nghiệp có quy mô lớn. Nhiều nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ đã được thực hiện trong lĩnh vực nền móng, trắc địa công trình; công trình ngầm, độ nghiêng nhà siêu cao tầng; công nghệ thi công kết cấu nhịp lớn… Đặc biệt, nghiên cứu bê tông cốt sợi thép siêu mảnh sử dụng cho các kết cấu thành vỏ mỏng…

Cùng hòa chung nhịp với sự phát triển của công nghệ thế giới, Việt Nam cần cố gắng nắm bắt những xu hướng mới, chấp nhận thử thách, thử nghiệm. Đem công nghệ ứng dụng trong sản xuất VLXD là bước đầu giúp các DN đồng bộ hóa quá trình quản lý, sản xuất. Đưa chất lượng lên làm tiêu chuẩn, giảm thiểu tối đa chi phí vận chuyển, thời gian cho nhân công truyền thống, giảm chi phí sản xuất và quản lý nâng cao năng suất, từ đó giá thành giảm, tạo mức độ cạnh tranh trên thị trường.
Trong thời gian tới, ngành VLXD cần tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số nhằm giảm chi phí đồng bộ các khâu, từ giao dịch, vận chuyển để hạ giá thành, tăng năng lực cạnh tranh, triển khai nghiên cứu khoa học công nghệ mũi nhọn, vật liệu mới, xây dựng đô thị thông minh gắn với sử dụng vật liệu thông minh.

Chủ tịch Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam Tống Văn Nga

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần