Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ứng xử với động đất còn lúng túng

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Sáng 14/10, Cổng thông tin điện tử Chính phủ phối hợp với VTV Đà Nẵng tổ chức đối thoại trực tuyến "Chủ động ứng phó với thiên tai".

Ông Nguyễn Ngọc Quang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, những vấn đề liên quan đến ứng xử khi động đất xảy ra còn rất lúng túng. Vì vậy, hiện nay, nhiều người dân vẫn lo lắng về động đất, nhất là trong bối cảnh hồ Thủy điện Sông Tranh 2 bị thấm nước thân đập. Theo thống kê, khoảng hơn 31.000 dân thuộc 4 huyện Bắc Trà My, Nông Sơn, Tiên Phước, Hiệp Đức của tỉnh Quảng Nam sẽ bị ảnh hưởng nếu vỡ đập Sông Tranh.

Ông Nguyễn Ngọc Quang nêu rõ: "Cần phải nêu cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm của chính quyền địa phương, đặc biệt là chủ công trình Thủy điện Sông Tranh 2, không thể nói an toàn chung chung mà phải bằng những số liệu, chứng cứ, hệ thống quan trắc để khẳng định sự an toàn tuyệt đối. Đây là liều thuốc tốt nhất để toàn bộ người dân sống ở vùng hạ du yên tâm, không nơm nớp mỗi khi mùa bão lũ về, hay mỗi khi nghe tiếng động đất, dù rất thấp".

Ông Trần Văn Được, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho biết, Viện Vật lý địa cầu sẽ tiếp tục nghiên cứu về động đất tại khu vực Sông Tranh 2. Ông Được nói: "Về kỹ thuật, tôi xin thông tin như sau, vừa rồi Hội đồng Nghiệm thu Nhà nước đã thuê tư vấn độc lập từ Thụy Sĩ, họ đã đến công trường, tìm những nơi xung yếu nhất, khoan kiểm tra, thí nghiệm độc lập tại cơ quan, phân tích của Bộ Xây dựng. Qua 9 mẫu khoan và tính toán cho thấy, với những thông số đầu vào cực xấu, đập Sông Tranh vẫn chịu được gia tốc nền 220cm/s2, trong khi thiết kế chịu được 150cm/s2 (tương đương 5,5 độ richter) ở mực nước dâng bình thường 175m".