Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ước vọng chính đáng, khát vọng cháy bỏng

Bắc Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Lại một năm sắp đi qua và một năm mới sắp đến. Nhân loại để lại năm cũ sau lưng và hướng tới năm mới ở phía trước trong tâm trạng pha trộn giữa lo âu và hy vọng.

Lo âu vì trên thế giới vẫn chưa im tiếng súng, chưa hết chiến tranh và xung đột, vẫn còn bạo lực và hiềm khích. Hy vọng thế giới không có tiếng súng, thế giới trong hòa bình và hữu nghị, hợp tác và phát triển vẫn còn có cơ sở thực tế, vẫn là ước vọng chính đáng và khát vọng cháy bỏng của cả nhân loại.
Ước vọng và khát vọng ấy đã có từ rất lâu. Nhân loại trong quá trình phát triển đến nay cũng đã từng thấy có những thời kỳ dài không có tiếng súng ở một số khu vực và châu lục nhất định, cho dù chưa từng có được tình trạng như thế cho cả thế giới. Dù vậy, điều đó cho thấy việc vươn tới mục tiêu có được thế giới không có tiếng súng hoàn toàn không phải bất khả thi. Chỉ có điều, nhân loại cho tới nay chưa đạt được mục tiêu ấy và cũng chưa biết đến khi nào mới có thể đạt được mục tiêu ấy.
 

Sử dụng súng đạn là biểu hiện của chiến tranh và xung đột bạo lực, của đối đầu và thù địch, của mâu thuẫn và đối kháng, của áp bức và đấu tranh. Có kẻ sử dụng súng đạn để xâm lược và cướp bóc, cường quyền và sát hại, để thực hiện những dã tâm đen tối và ý đồ thấp hèn. Có người sử dụng vũ khí để đấu tranh vì tự do và độc lập, vì dân chủ và dân quyền, vì hòa bình và hạnh phúc, vì công lý và chính nghĩa. Thế giới chúng ta đang sống chỉ có thể thực sự câm lặng tiếng súng khi công lý và công bằng hoàn toàn chiến thắng, chính nghĩa đẩy lùi hoàn toàn phi nghĩa.

Để cho thế giới chúng ta đang sống không còn tiếng súng thì phải chấm dứt tất cả những cuộc chiến tranh và xung đột vũ trang đang còn tồn tại trên Trái đất, chấm dứt mọi cuộc chiến tranh giữa các quốc gia và tổ chức với nhau, chấm dứt mọi cuộc nội chiến và xung khắc trong khuôn khổ quốc gia riêng rẽ. Muốn được như vậy thì trong khuôn khổ quốc gia không được để xảy ra tranh giành quyền lực và xung khắc lợi ích, còn bên ngoài không được sử dụng chiến tranh trực tiếp và không được tiến hành chiến tranh qua tay kẻ khác để trục lợi. Những việc này nói ra thì dễ dàng và đơn giản thế, nhưng thực hiện thì lại vô cùng khó khăn và cho tới nay vẫn chưa thể thành công được ở mọi nơi trên thế giới.

Giải trừ quân bị góp phần thiết thực vào việc giảm thiểu nguy cơ bùng phát chiến tranh và xung đột vũ trang. Không có súng đạn thì sẽ không có tiếng súng. Cho nên để có được thế giới không có tiếng súng thì trước hết phải chấm dứt chạy đua vũ trang và tăng cường vũ trang đồng thời với việc thật sự giải trừ quân bị. Việc này cũng khó khăn không kém. Chừng nào còn bị bên ngoài đe dọa an ninh và phải đối phó với sự chống đối bằng cả vũ khí quân sự ở bên trong, chừng đó quốc gia ấy vẫn còn quan tâm đến việc tăng cường tiềm lực quân sự và quốc phòng, sẽ còn tăng cường vũ trang chứ không sẵn sàng giải trừ quân bị. Chừng nào chế tạo và xuất khẩu vũ khí vẫn còn là cỗ máy in tiền và đem lại ảnh hưởng cho các quốc gia thì chừng đó những quốc gia này cũng sẽ chưa sẵn sàng thực hiện giải trừ quân bị. Họ thậm chí còn tìm cách kích cầu và tạo nhu cầu về vũ khí. Chiến tranh và xung đột, mối đe dọa về an ninh và nguy cơ bị lệ thuộc về an ninh ở quốc gia này hay khu vực kia tạo cơ hội và điều kiện, môi trường và phương cách cho quốc gia khác theo đuổi ý đồ trục lợi. Bởi vậy, muốn có được thế giới không có tiếng súng thì quốc gia này không được đe dọa quốc gia khác, trong nội bộ quốc gia phải có được hòa hợp và đồng thuận, tức là phải có được hòa bình trên thế giới và yên bình trong quốc gia. Thế giới chúng ta đang sống cho tới nay chưa có được cả hai điều này, và vì vậy cho tới nay vẫn chưa lặng im tiếng súng.

Thế giới sẽ chỉ lặng im tiếng súng khi luật pháp quốc tế được thực sự tôn trọng và nghiêm chỉnh tuân thủ. Hiệu lực của luật pháp quốc tế phải được thượng tôn. Các mối quan hệ quốc tế nói chung và giữa các quốc gia nói riêng phải dựa trên nền tảng là luật pháp quốc tế và phải được thiết chế bằng luật pháp quốc tế. Nếu các quốc gia và các tổ chức quốc tế không tự giác tuân thủ luật pháp quốc tế và nếu không có những chế tài cần thiết và hữu dụng thực sự để buộc tất cả tôn trọng và tuân­­ thủ luật pháp quốc tế thì ổn định và trật tự, hòa bình và công bằng, yên ổn và phát triển, hợp tác và hữu nghị trên thế giới cũng như trong khuôn khổ từng quốc gia không thể được đảm bảo lâu bền.

Để có được thế giới không có tiếng súng, nhân loại phải hành động quyết liệt và cảnh giác để kiến tạo và duy trì hòa bình, để ngăn ngừa và làm phá sản mọi mưu đồ gây chiến tranh và xung đột, kích động bạo lực và đối đầu, reo rắc thù hằn và chia rẽ giữa các dân tộc trên thế giới và giữa các cộng đồng sắc tộc, tôn giáo và văn hóa trong quốc gia. Hòa bình không tự đến và chiến tranh không tự kết thúc, xung đột không tự biến mất và đối địch không tự tiêu tan. Kiến tạo hòa bình và loại trừ chiến tranh, chấm dứt xung đột và hóa giải đối địch đều chỉ có được bằng kiên định quyết tâm và không ngừng nỗ lực đấu tranh vì hòa bình cho cả thế giới, bằng đoàn kết và hợp tác, bằng thống nhất ý chí và phối hợp hành động vì hòa bình cho cả thế giới. Thế giới sẽ không còn tiếng súng khi ước vọng chính đáng và khát vọng cháy bỏng muôn đời của nhân loại về hòa bình và hạnh phúc cho cả thế giới và nhân loại mãi luôn là mục đích và động cơ quyết định nhận thức và chi phối hành động của con người trên Trái đất.