Chủ tịch UBND TP khẳng định: “Kỳ họp HĐND lần này đã nhận được nhiều ý kiến, kiến nghị của cử tri. Nhiều báo cáo, tờ trình đã được thảo luận. Qua đó, chúng tôi sẽ nỗ lực phấn đấu cao nhất để hoàn tất các chỉ tiêu kinh tế - xã hội trong năm nay và các năm tiếp theo”.
Đồng thời cho biết, TP đã phân định rõ cơ chế điều hành, phân công rõ trách nhiệm của Chủ tịch, Phó Chủ tịch, xây dựng quy chế làm việc của UBND TP, chỉ đạo kịp thời các nội dung mới phát sinh, tập trung rà soát tất cả các vấn đề còn tồn đọng để tháo gỡ, đẩy mạnh cải cách hành chính theo phương châm lấy DN và người dân làm trung tâm, nêu rõ lộ trình, giải pháp để đảm bảo hiệu quả tiến độ giải quyết công việc, thảo luận nhiều vấn đề theo hướng tập trung, dân chủ. Nhiều chương trình được triển khai đồng bộ Đề cập đến vấn đề cải cách hành chính, Chủ tịch UBND TP cho biết, đến nay TP đã sắp xếp được 10 sở, giảm 21 phòng, 24 đơn vị sự nghiệp công lập và giảm 21 trưởng phòng, 63 phó phòng. Tiếp theo sẽ sắp xếp 12 sở còn lại và 70 ban quản lý dự án của UBND TP. Đến tháng 10/2016, khi toàn bộ việc sắp xếp hoàn thành sẽ giảm 37 phòng, 18 trưởng phòng, 83 phó trưởng phòng ở 34 đơn vị sự nghiệp và 35 ban quản lý dự án. Quá trình sắp xếp phải làm thận trọng, tỉ mỉ, hài hòa giữa lợi ích Nhà nước, lợi ích người lao động và tính chất công việc để không gây xáo trộn. Cùng với đó, TP cũng tích cực sắp xếp sở, ban, ngành, việc triển khai chương trình CNTT và đã có 19 nội dung công việc được tiến hành hoàn toàn trên môi trường mạng. Mới đây nhất, TP đã thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 tại hai quận Nam Từ Liêm, Long Biên và ngày 1/10 triển khai ở tất cả các phường.
Quanh các chương trình nâng cao chất lượng, môi trường sống của người dân Thủ đô, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cho biết: Thứ nhất, đó là chương trình trồng mới và cải tạo cây xanh TP: Trong 5 năm TP đã trồng mới hơn 6.000 cây trên các tuyến đường và khu đô thị, nhưng không đạt về mặt chất lượng nên đã bộc lộ nhiều bất cập sau cơn bão số 1 vừa qua. Theo chương trình mục tiêu trồng 1 triệu cây xanh của Thành ủy, TP đã tái cơ cấu Công ty Công viên Cây xanh từ 21 xí nghiệp xuống 6 xí nghiệp. Công ty đã cử nhân viên đi học nước ngoài, mời chuyên gia và áp dụng công nghệ nước ngoài như tạo giống, tạo hoa, cắt tỉa. Vừa qua, những khu vực cắt tỉa tốt đều ít bị ảnh hưởng bởi bão số 1. Thứ hai, việc cơ giới hóa thu gom và vận chuyển rác thải, đến nay, kết quả thí điểm đưa 10 xe hút rác tự động nhập từ Đức (một ngày đi được 54km/xe) đã có hiệu quả khá khả quan và tiến tới sẽ cơ giới hóa toàn bộ hệ thống. Ngoài ra, các thùng rác đặt tại nơi công cộng sẽ được tăng cường. Khâu xử lý rác cũng được chú trọng hơn. Thứ ba, TP đang triển khai xã hội hóa 1.000 nhà vệ sinh trên địa bàn trong 8 tháng nữa. Về xử lý nước thải, TP sẽ xây dựng nhà máy xử lý nước thải tại các khu làng nghề Cát Quế, Minh Khai, Dương Liễu. Trong đó, tháng 10, TP sẽ khởi công 2 nhà máy xử lý nước thải lớn theo công nghệ và vốn ODA. Khi hoàn thành vào cuối năm 2017, toàn bộ nước thải sinh hoạt tại các quận Hoàn Kiếm, Đống Đa, Tây Hồ, Cầu Giấy, Thanh Xuân sẽ được xử lý. Với các dự án ao hồ, từ đầu năm, TP đã đặt hàng các công ty nước ngoài. Trong quý IV, TP đặt chỉ tiêu cơ bản sẽ xử lý xong nước thải tại các khu ao hồ ở 2 khu rác thải lớn nhất của TP”. Công nghệ mới cho nước sạch nông thôn Bổ sung thêm vào phần trả lời các ĐB chất vấn liên quan đến vấn đề nước sạch, Chủ tịch UBND TP nhận định: Toàn bộ dự án liên quan tới vốn ODA, dự án 40.000 bể nước lọc cho người dân nông thôn trong những năm qua chưa hiệu quả. Trước tiên đây là trách nhiệm thuộc về UBND TP. Hiện nay TP đang hợp tác với đối tác nước ngoài và tiến hành thí điểm lắp đặt công nghệ Nano tại các hộ gia đình ở Phú Xuyên để cuối tháng 8 sẽ triển khai đại trà mô hình này tại Hoài Đức, Quốc Oai, với công nghệ mới của Đức. TP đang quy hoạch lại toàn bộ mạng lưới cấp nước cho người dân, lắp đặt mạch vòng và mạch song song để tránh tình trạng vỡ đường ống và đảm bảo cấp nước trong mọi tình huống. Về nguồn nước, phấn đấu đến năm 2020 sẽ không sử dụng nước giếng khoan mà dùng nước mặt sông Đà. Trao đổi thêm về vấn đề nước sạch ở Sóc Sơn mà ĐB đặt ra, Chủ tịch UBND TP cho biết: TP đã gặp 15 DN tư nhân muốn đầu tư và sẽ hỗ trợ các DN về mặt công nghệ (công nghệ đã đặt hàng Đức), vốn qua ngân hàng. TP cũng sẽ hỗ trợ thủ tục để đẩy nhanh tiến độ các dự án, sẵn sàng tạo điều kiện cho các DN theo cơ chế vừa thiết kế vừa thi công. Nhiều DN cam kết đến quý IV sẽ cung cấp 100.000m3 nước/ngày đêm cho các địa phương như Thạch Thất, Ba Vì, Chương Mỹ, Quốc Oai, Phú Xuyên... Phải tính tuổi các chung cư cũ để cải tạo Một vấn đề được nhiều cử tri quan tấm và ĐB đã đặt ra trong phần chất vấn là cải tạo chung cư cũ, Chủ tịch UBND TP cho biết: Hiện Hà Nội có tổng cộng 1.697 chung cư cũ, trong đó, hơn 200 chung cư của các bộ, ban, ngành đã được bán cho người dân. Trong 15 năm qua, mới cải tạo được 14 tòa chung cư, chiếm chưa tới 1%. Hiện UBND TP đang triển khai công tác cải tạo chung cư theo tinh thần hài hòa lợi ích Nhà nước, DN và người dân. “Việc cải tạo, quy hoạch phải theo cả khu nhà chứ không chỉ từng tòa nhà riêng lẻ. Vì thế, TP cũng kêu gọi các nhà đầu tư lớn, đầu tư cả khu để giải quyết bài toán kinh tế và xây dựng cơ chế đặc thù để tính tuổi các khu chung cư. Trước vấn đề vừa làm “nóng” phiên chất vấn là phòng cháy chữa cháy (PCCC), Chủ tịch UBND TP cho biết, trước tiên trách nhiệm thuộc về UBND TP. Để xảy ra cháy tại các tòa nhà, trách nhiệm liên đới là của quản lý tòa nhà, của chủ đầu tư và cảnh sát PCCC. Hà Nội luôn mong muốn các DN đầu tư trên địa bàn TP, nhưng chỉ khuyến khích các đơn vị làm ăn chân chính, còn những DN vi phạm thì sẽ bị xử lý. Đối với dự án 8B Lê Trực, Chủ tịch UBND khẳng định, TP sẽ thực hiện nghiêm túc việc cưỡng chế. Công tác cưỡng chế có chậm lại do TP cần đảm bảo an ninh cho nhiều sự kiện quan trọng. Chia sẻ về vấn đề khởi nghiệp, Chủ tịch UBND nhận định: Hiện TP có 120.000 DN đang hoạt động, 76.000 DN không hoạt động. Về câu hỏi của ĐB 5 năm tới với mục tiêu xây dựng 200.000 DN thì sẽ phát triển ở đâu?, Chủ tịch UBND TP cho biết: Thường trực Thành ủy đang đặt hàng Viện Kinh tế, xây dựng mô hình "vườn ươm DN". UBND TP cũng đang nghiên cứu xây dựng nhiều mô hình trên tinh thần kế thừa những gì tốt đẹp trên thế giới nhưng phải phù hợp với điều kiện của Việt Nam. TP làm với tinh thần làm quyết liệt, tạo điều kiện cho thanh niên sau tốt nghiệp ĐH có điều kiện thành lập và hoạt động DN. Hiện TP có 130.000 hộ kinh doanh cá thể và 3.000 hợp tác xã. Nếu họ được hỗ trợ về dịch vụ, đào tạo, về vốn, kỹ thuật và điều kiện kinh doanh thì sẽ trở thành các DN. Chỉ cần 50% trong số này thành công thì Hà Nội sẽ có 70.000 DN. TP đã kết nối tất cả các ngân hàng, thực hiện cam kết hỗ trợ cho DN; thành lập quỹ đầu tư mạo hiểm, đầu tư cho các ý tưởng mới. Các chương trình thực hiện phải bảo đảm chắc chắn, nên TP đang nghiên cứu kỹ lưỡng để đưa ra mô hình thực sự hiệu quả.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Phạm Hùng |
Để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế, tháng 11 tới TP sẽ khánh thành Trung tâm công nghệ cao tại BV Đa khoa SaintPaul là nơi kết hợp "4 trong 1", đào tạo cho các bác sĩ tại Hà Nội; khám chữa bệnh; tiếp nhận chuyển giao công nghệ và hợp tác quốc tế. TP cũng tổ chức hợp tác quốc tế với nhiều trung tâm nghiên cứu khoa học tại châu Âu, tại một số BV lớn tại Pháp và trong khu vực. |
Khẳng định TP đặc biệt quan tâm đến vấn đề VSATTP, Chủ tịch UBND TP cho biết: Tất cả các hoạt động đảm bảo VSATTP của TP đều được thực hiện trên tinh thần kiểm soát toàn bộ xuất xứ của thực phẩm lưu thông trên thị trường, kiểm soát được chất lượng và nâng cao ý thức, đạo đức, trình độ kỹ thuật của người chăn nuôi và chế biến thực phẩm. TP cũng sẽ trang bị hệ thống kiểm tra nhanh chất lượng thực phẩm và triển khai đồng bộ. |