Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ưu tiên đẩy nhanh xử lý nợ xấu

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng (NHNN) yêu cầu đối với trong toàn ngành Ngân hàng tại Hội nghị trực tuyến triển khai Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu và Quyết định của Thủ tướng phê duyệt Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020.

Đến ngày 30/6/2017, tín dụng tăng 9,06% so với cuối năm trước và là mức cao so với cùng kỳ các năm gần đây nhưng vẫn đảm bảo chất lượng tín dụng, tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro tăng chậm lại. Nhờ đó, nợ xấu được kiểm soát ở mức dưới 3%, hoạt động của các tổ chức tín dụng (TCTD) an toàn, lành mạnh. Hiện vẫn đang trong giới hạn an toàn nhưng nếu tính cả các khoản nợ tiềm ẩn, nợ bán cho VAMC hiện đang ở mức 10% tổng dư nợ.

Theo Thống đốc Lê Minh Hưng, mặc dù quá trình cơ cấu lại hệ thống các TCTD và xử lý nợ xấu giai đoạn 2011-2015 đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, song hệ thống các TCTD vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế. Quy mô và năng lực tài chính của hệ thống TCTD Việt Nam nhỏ so với khu vực và so với nhu cầu của nền kinh tế; hiệu quả hoạt động kinh doanh chưa cao; năng lực quản trị và kiểm soát rủi ro của các TCTD vẫn còn bất cập so với quy mô, tốc độ tăng trưởng, mức độ và yêu cầu về quản trị rủi ro trong hoạt động; tình trạng sở hữu chéo, nhóm cổ đông chi phối đã từng bước được kiểm soát nhưng trong thực tế vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Nợ xấu và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu vẫn còn cao.

Thống đốc cho biết, sau khi Thủ tướng Chính phủ có chỉ đạo, cũng như trước thềm nghị quyết về xử lý nợ xấu của Quốc hội bắt đầu có hiệu lực (15/8/2017), Ngân hàng Nhà nước cũng đã có chỉ thị chi tiết tới toàn ngành. Tại chỉ thị trên, NHNN yêu cầu toàn hệ thống triển khai đồng bộ các giải pháp cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu tại đề án đã được duyệt, lành mạnh hóa tình hình tài chính, nâng cao năng lực quản trị của các tổ chức tín dụng theo quy định của pháp luật, phù hợp với thông lệ quốc tế.

Chỉ thị đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, các ngân hàng thương mại cơ bản có mức vốn tự có theo chuẩn mực của Basel 2; có ít nhất từ 1 đến 2 ngân hàng thương mại nằm trong tốp 100 ngân hàng lớn nhất trong khu vực Châu Á.

Ngay khi có hiệu lực, Thống đốc yêu cầu triển khai thực hiện có hiệu quả nghị quyết của Quốc hội để xử lý nhanh, dứt điểm nợ xấu và tài sản bảo đảm của các khoản nợ xấu thuộc phạm vi điều chỉnh của nghị quyết, đồng thời triển khai các biện pháp phòng ngừa, hạn chế tối đa nợ xấu phát sinh và nâng cao chất lượng tín dụng của các tổ chức tín dụng; phát huy vai trò Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) trong việc xử lý nợ xấu.

“Phấn đấu đến năm 2020 đưa tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống các tổ chức tín dụng, nợ xấu đã bán cho VAMC và nợ xấu đã thực hiện các biện pháp phân loại nợ xuống dưới 3%”.

Thống đốc nhấn mạnh, các nhiệm vụ trong thời gian tới đối với từng khối, nhóm đơn vị trong Ngành đã được nêu rõ trong Chỉ thị của NHNN và Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng triển khai thực hiện Đề án, Thống đốc yêu cầu ngay sau Hội nghị này, các đơn vị phải khẩn trương quán triệt ngay trong hệ thống và chỉ đạo xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể.

Tại hội nghị một số ý kiến đề nghị với chính quyền địa phương cho phép thành lập sớm các công ty mua bán nợ tư nhân trên cơ sở hướng dẫn của cơ quan trung ương. Thống đốc cho rằng bên cạnh những hành lang pháp lý, cơ chế cần thiết thì trách nhiệm và năng lực thực tế của mỗi ngân hàng trong công tác xử lý nợ xấu rất quan trọng. Bản thân các TCTD cần chủ động chuẩn bị nguồn lực, ban hành các văn bản pháp lý phù hợp để triển khai thực hiện hiệu quả.