KTĐT - Theo Quy chế xử lý sạt lở bờ sông, bờ biển, khi xảy ra sạt lở phải ưu tiên việc tổ chức di dời người, tài sản để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân và Nhà nước.
Thủ tướng ký Quyết định ban hành Quy chế trên, trong đó nêu rõ việc xử lý sạt lở đe dọa đến an toàn công trình, hạn tầng, cơ sở kinh tế và dân sinh thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ, ngành, địa phương nào thì Bộ, ngành, địa phương đó phải chủ động chỉ đạo, huy động các nguồn lực để xử lý.
3 mức độ sạt lở
Quy chế đã phân loại 3 mức độ sạt lở và mỗi mức độ cần áp dụng một trình tự xử lý riêng.
Thứ nhất, sạt lở đặc biệt nguy hiểm, gây nguy hiểm trực tiếp đến đối tượng cần bảo vệ trong thời gian ngắn, gồm: Sát chân đê hoặc trong phạm vi bảo vệ đê từ cấp đặc biệt đến cấp III, đe dọa trực tiếp đến an toàn đê; Gây nguy hiểm trực tiếp đến các khu đô thị, khu dân cư sinh sống tập trung, trụ sở các cơ quan từ cấp huyện trở lên...
Thứ hai, sạt lở nguy hiểm, gồm: có nguy cơ ảnh hưởng đến đê nhưng còn ngoài phạm vi bảo vệ đê từ cấp đặc biệt đến cấp III hoặc ảnh hưởng trực tiếp đến đê dưới cấp III; ảnh hưởng đến các khu đô thị, khu dân cư sinh sống tập trung, trụ sở cơ quan.
Thứ ba, sạt lở bình thường là những sạt lở khác, không thuộc 2 mức độ trên.
Theo đối tượng cần bảo vệ thì thứ tự ưu tiên xử lý sạt lở trước tiên phải xử lý sạt lở ảnh hưởng đến an toàn thân đê, nhất là hệ thống đê từ cấp đặc biệt đến cấp III, sau đó đến sạt lở trực tiếp đe dọa an toàn khu đô thị, khu dân cư sinh sống tập trung, trụ sở các cơ quan, tiếp đến là sạt lở ảnh hưởng đến các công trình hạ tầng quan trọng đang sử dụng...
Sơ tán khẩn cấp ra khỏi khu vực sạt lở nguy hiểm
Khi xảy ra sạt lở đặc biệt nguy hiểm, trình tự xử lý là phải sơ tán khẩn cấp người và tài sản ra khỏi khu vực sạt lở nguy hiểm và khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở nguy hiểm, đồng thời phải thông báo, cắm biển cảnh báo, khoanh vùng không cho người, phương tiện vào khu vực sạt lở, bố trí cán bộ trực canh theo dõi chặt chẽ diễn biến sạt lở...
Đối với sạt lở nguy hiểm, trước tiên phải tổ chức ngay việc di dời để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân và nhà nước và thực hiện một số biện pháp xử lý tiếp theo như thông báo, cắm biển cảnh báo, khoanh vùng ngăn không cho người, phương tiện đi vào khu vuwjc này,...
Đối với sạt lở bình thường, cần tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến sạt lở, chủ động di dời dân cư bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản khi cần thiết.
Có 2 biện pháp xử lý sạt lở là biện pháp phi công trình và biện pháp công trình. Xử lý sạt lở bằng biện pháp phi công trình thông qua tuyên truyền, giáo dục cho cộng đồng dân cư nâng cao ý thức và trách nhiệm trong việc phòng ngừa và xử lý sạt lở bờ sông, bờ biển.
Biện pháp xây dựng kè phòng, chống sạt lở (biện pháp công trình) được thực hiện trong các trường hợp không thực hiện được biện pháp phi công trình, hoặc có thể thực hiện được nhưng không đảm bảo hiệu quả, hoặc đã thực hiện các giải pháp phi công trình nhưng sạt lở vẫn xảy ra và có khả năng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến các đối tượng.
Thủ tướng lưu ý các địa phương cần tăng cường công tác quản lý, theo dõi, phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi khai thác cát, sỏi, khoáng sản, xây dựng nhà cửa, công trình trái phép, sai phép và các hoạt động gây sạt lở bờ sông, bờ biển.
Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/3/2011.