KTĐT - Cuộc vận động “ưu tiên dùng hàng Việt” đã được khởi xướng do đích thân Bộ Chính trị có văn bản chỉ đạo.
Nhưng ở nơi này, nơi kia vẫn chỉ dừng ở mức hô hào chung chung, nêu khẩu hiệu mà thôi. Việc “ưu tiên dùng hàng Việt” cần phải có những biện pháp cụ thể, những hướng dẫn (thậm chí quy định) cụ thể.
Để ưu tiên dùng hàng Việt không chỉ là lời nói suông, các tổ chức Nhà nước, đoàn thể cần đi đầu gương mẫu. Hàng năm, Nhà nước chi ra hàng ngàn tỷ đồng mua sắm trang thiết bị, các nhu yếu phẩm phục vụ hoạt động hành chính. Nay, phải quy định toàn bộ số tiền mua sắm đó phải “ưu tiên dùng hàng Việt”. Sơ sơ cũng có thể kể ra hàng chục ngành hàng có cơ may phát triển nếu thực hiện nghiêm túc điều này. Đây nhé, cái bộ ấm chén uống nước, phích nước nóng có thể mua hàng Việt được không? Được quá chứ, bình đã có gốm sứ Bát Tràng, phích Rạng Đông, nếu cao hơn có gốm sứ Hải Dương, cao cấp nữa có gốm sứ Minh Long. Xin chắc chắn một điều, một cơ quan dù cấp Bộ trở lên nếu tiếp khách bằng gốm sứ Minh Long chắc chắn sẽ rất kiêu hãnh tự hào vì sự sang trọng đẹp đẽ của sản phẩm thuần Việt này.
Rồi nữa, tập giấy nháp, giấy in, bút bi, bút mực phục vụ cho việc soạn thảo ra văn bản. Các sản phẩm trong nước thừa sức đáp ứng nhu cầu này, đâu cần phải mua giấy bút Trung Quốc. Giờ đây, nhiều công sở sử dụng máy tính, quạt điện, ổn áp điện, thậm chí điều hòa không khí... Những vật dụng này trong nước hoàn toàn có thể đáp ứng. Xe hơi phục vụ công tác, xưa nay Bộ Tài chính mới quy định mức giá trị cho đối tượng mua, nay có thể mạnh dạn quy định luôn là mua xe lắp ráp trong nước. Điều này là rất bình thường. Trong thời khủng hoảng, nhiều nước đã quy định điều này. Tại Indonexia, Chính phủ nước này yêu cầu tất cả các cơ quan Nhà nước mua sắm phải ưu tiên dùng hàng nội và hơn thế, các công trình đầu tư từ ngân sách đều phải mua nguyên vật liệu sản xuất trong nước. Ngay nước Mỹ, Tổng thống Obama cũng đưa ra điều kiện mua hàng Mỹ đối với các khoản kích cầu.
Việc các cơ quan Nhà nước, các tổ chức đoàn thể đi đầu trong việc ưu tiên mua hàng Việt không chỉ do khối lượng hàng cần mua lớn, giá trị cao mà quan trọng hơn, đó là tạo nên tấm gương cho mọi người noi theo.
Mua hàng, dù sao cũng chỉ là ở vị trí tiêu dùng. Cái quan trọng hơn, cần có những chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp, hỗ trợ cho sản phẩm Việt tới được với người tiêu dùng trong nước. Hình ảnh người tiêu dùng các nơi, nhất là nông thôn, vùng sâu vùng xa hồ hởi phấn khởi mua sắm trong những đợt doanh nghiệp đưa hàng về nông thôn bán, chứng tỏ hệ thống phân phối của ta quá yếu, rất cần tổ chức bài bản. Điều này cần sự hỗ trợ của chính quyền các cấp. Nếu ở đâu cũng chỉ rộng cửa chào đón các nhà bán lẻ ngoại, ưu tiên cho họ những vị trí đắc địa thì đó là cách tốt nhất để đẩy hàng Việt rời xa người Việt. Vì thế, xin các cấp chính quyền ưu tiên hỗ trợ khi các doanh nghiệp trong nước có nhu cầu mở rộng mạng lưới bán lẻ. Cơ quan thuế có thể xét giảm thuế cho những doanh nghiệp chịu tổ chức mạng lưới bán lẻ ở vùng xa. Cơ quan xúc tiến thương mại cũng nên hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến thương mại trong nước chứ không chỉ chú trọng xuất khẩu. Ngay như các cơ quan thông tin có thể cũng ưu tiên cho những quảng cáo hàng Việt bằng cách giảm phí.
Những việc làm cụ thể như vậy mới thiết thực cổ vũ cho việc “ưu tiên dùng hàng Việt”, mới khiến những cuộc vận động này không chỉ là khẩu hiệu suông.