Nhiều ý kiến cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, cần thực hiện nhanh chóng và quyết liệt việc tái cấu trúc kinh tế. Ông đánh giá thế nào về nhận định này?
- Có thể thấy, tiến trình tái cấu trúc nền kinh tế đến nay đã đạt được những kết quả nhất định trong lĩnh vực ngân hàng bước đầu lựa chọn những lĩnh vực vừa đi vào tái cấu trúc, vừa giúp hoạt động của các ngân hàng lành mạnh hơn, gắn với thị trường. Về tái cấu trúc đầu tư công, các quy định pháp lý liên quan tiếp tục được hoàn thiện, bao gồm dự thảo Luật Đầu tư công và các luật khác liên quan như Luật Đấu thầu (sửa đổi), văn bản pháp lý về PPP (đối tác công - tư)... Cùng với đó, phương thức đầu tư công cũng đã được chuyển đổi từ phân bổ vốn ngắn hạn hàng năm sang phân bổ trung hạn. Tuy nhiên, tái cấu trúc đầu tư công đòi hỏi nhiều nội dung cần phải cải cách gắn với việc đánh giá hiệu quả đầu tư; vấn đề đầu tư công với nợ công, ổn định kinh tế vĩ mô; đầu tư công gắn với các nguồn khác nhau như vốn trái phiếu, ODA…
Đẩy nhanh tái cấu trúc ngân hàng sẽ giúp hệ thống tài chính hoạt động hiệu quả. Trong ảnh: Giao dịch tại chi nhánh AgriBank Đông Hà Nội. Ảnh: Trần Việt
|
Trong khi đó, tái cấu trúc doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) được đánh giá là làm được ít và chậm nhất trong 3 trọng tâm tái cơ cấu kinh tế. Tới đây, tái cấu trúc DNNN còn rất nhiều việc phải làm như vấn đề minh bạch hóa, giám sát, đại diện quyền sở hữu, nâng cao chất lượng của các DN này theo các thông lệ, tiêu chí tốt nhất…
Theo ông, trở ngại nào là lớn nhất trong quá trình tái cơ cấu DNNN?
- Trước hết là trở ngại về nhận thức, tư duy. Chẳng hạn, về tái cấu trúc DNNN thì vai trò của DNNN nói riêng và khu vực kinh tế Nhà nước nói chung trong nền kinh tế như thế nào. Thứ hai là chi phí, nguồn lực cho công cuộc tái cấu trúc nền kinh tế. Cải tổ thì cần phải có phí tổn. Nguồn lực của Việt Nam còn rất hạn chế. Lấy một ví dụ là xử lý nợ xấu thông qua Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam(VAMC), đây là cách làm dựa trên thực tế chưa có một nguồn lực dồi dào, sẵn có để xử lý nợ xấu. Tổ chức của VAMC còn rất mỏng, nhân lực và tài lực còn hạn chế. Thứ ba là, công cuộc tái cấu trúc nền kinh tế lần này động chạm đến khu vực nắm giữ nhiều nguồn lực, dòng tiền lớn của nền kinh tế. Ở đây, việc tái cấu trúc gắn với việc thay đổi các lợi ích, kể cả lợi ích nhóm, như vậy không hề đơn giản.
Vậy, phải tăng động lực và áp lực như thế nào để thúc đẩy tái cơ cấu, thưa ông?
- Trước hết cần phải chuyển đổi mô hình tăng trưởng ở mọi cấp độ. Đó là cấp độ cả nền kinh tế, cấp độ vùng, cấp độ DN và sản phẩm. Phải có một thể chế đồng bộ và quyết tâm chính trị, năng lực thực hiện. Đơn cử như tái cơ cấu đầu tư công: Phải rà soát lại toàn bộ danh mục đầu tư đã được phê duyệt, cương quyết loại bỏ các danh mục đầu tư không còn phù hợp với điều kiện và tiêu chí mới; Phải sửa ngay Nghị định về phân cấp quản lý đầu tư theo nguyên tắc làm gì, bao giờ làm, làm ở đâu phải do T.Ư quyết định, còn việc ai làm, làm thế nào có thể phân cấp, T.Ư chỉ hướng dẫn. Có thể thấy, việc phân cấp quản lý đầu tư thời gian qua là "quá mức", vượt tầm kiểm soát của chính các cơ quan quản lý, gây lãng phí lớn nguồn lực, làm méo mó cơ cấu kinh tế.
Hay như tái cơ cấu ngân hàng, phải thực hiện minh bạch và đáp ứng tốt các chuẩn mực. Thực tế có không ít chuẩn mực trong lĩnh vực này được xây dựng nhưng do các tổ chức tín dụng không thực hiện đúng, dẫn tới thiếu tin cậy thông tin, ảnh hưởng tới uy tín của ngành. Đối với tái cơ cấu DNNN phải gắn với việc thực hiện cắt giảm đầu tư công theo các nguyên tắc: Giảm cho được tỷ trọng đầu tư công trong tổng đầu tư toàn xã hội; Nhà nước rút dần ra khỏi lĩnh vực kinh doanh nhằm mục tiêu lợi nhuận để dồn sức làm chính sách; DNNN tập trung sức làm cho được việc tạo nền tảng cho phát triển kinh tế - xã hội… Nguyên tắc chung là trừ những khu vực đặc biệt, còn lại cái gì Nhà nước làm tốt nhất cho nền kinh tế thì để Nhà nước làm; cái gì tập thể làm tốt nhất thì để tập thể làm; cái gì tư nhân (cả trong và ngoài nước) làm tốt nhất thì để tư nhân làm.
Xin cảm ơn ông!