Bộ Công Thương cho biết, hạn ngạch này được thống nhất sau nhiều cuộc họp bàn với Bộ NN&PTNT, các nhà sản xuất đường, hộ tiêu thụ đường trong nước... và báo cáo Thủ tướng khi đã kết thúc vụ đường ngày 17/7/2012.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Thành Biên khẳng định: Các doanh nghiệp (DN) có trách nhiệm thực hiện đúng quy định của giấy phép, đúng mục đích phục vụ sản xuất chứ không trao đổi, có báo cáo định kỳ cho Bộ Công Thương. Bộ sẽ tiếp tục tổ chức đoàn kiểm tra thực hiện NK đường muối theo hạn ngạch, kiểm tra giám sát những DN được phân giao nhưng không có khả năng thực hiện thì sẽ điều chuyển cho DN khác.
Trước câu hỏi, tại sao chưa sử dụng cơ chế đấu thầu thay cho cơ chế phân giao hạn ngạch, ông Biên cho biết: Sản xuất y tế và sản xuất hóa chất là những lĩnh vực phải ưu tiên, trong khi thực tế có những DN có nhu cầu lớn và có cả những DN có tiềm lực tài chính cao để mua bán lại hạn ngạch...
Theo Thông tư 22/BCT, lượng hàng hóa theo hạn ngạch thuế quan năm nay là 40.000 tá trứng gia cầm, 102.000 tấn muối, 70.000 tấn đường tinh luyện và đường thô, thực hiện từ ngày 16/8 đến 31/12. Liên Bộ thống nhất phân giao toàn bộ 70.000 tấn đường cho DN làm nguyên liệu sản xuất chế biến thực phẩm trong nước như sữa, bánh kẹo, nước giải khát... một cách hợp lý. Với hạn ngạch muối, thống nhất phân giao hạn ngạch đợt 1 gồm 51.000 tấn cho DN làm nguyên liệu sản xuất hóa chất và 2.000 tấn cho DN làm nguyên liệu sản xuất thuốc y tế, trong đó đến thời điểm này đã phân giao ngay cho các DN sản xuất nguyên liệu y tế 1.544 tấn muối. |
Do đó, những DN trong nước thực sự có nhu cầu nguyên liệu cho sản xuất rất khó cạnh tranh với DN nước ngoài, do họ có ưu đãi tín dụng, tiềm lực tài chính..., nên sẽ không đảm bảo được lợi ích của DN sản xuất trong nước. Nếu không cho DN nước ngoài tham gia đấu thầu, sẽ mất sự công khai dân chủ. Trong quản lý kinh tế, việc đấu thầu như vậy không phù hợp, rất khó cho cơ quan quản lý kinh tế, nên vẫn phải áp dụng cơ chế phân giao hạn ngạch. Tới đây, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các Bộ khác tiếp tục hoàn thiện cơ chế hạn ngạch này, tìm ra một đáp án thỏa mãn lợi ích cho mọi đối tượng.
Cũng theo ông Biên, năm nay, lượng "cung" đường đủ đáp ứng nhu cầu trong nước, nhưng giá đường rất thất thường, và dù lượng đường tồn kho thấp hơn, nhưng đường lậu vẫn nan giải. Bên cạnh đó, hệ thống bán lẻ đường chưa phát triển mạnh nên giá đường bán lẻ vẫn đang cao hơn nhiều giá xuất xưởng. Nguy cơ thiếu đường lớn từ nay đến cuối năm là khó xảy ra, nhưng nếu điều hành thị trường không tốt vẫn có thể xảy ra thiếu đường cục bộ. Do đó, tới đây, Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan sẽ đẩy mạnh hệ thống phân phối đường cũng như giám sát tốt hơn công tác quản lý thị trường, giá bán...