Buýt nhanh BRT đầu tiên của Hà Nội vận hành thế nào?

Minh Tường
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hà Nội sắp vận hành tuyến buýt BRT Kim Mã - Bến xe Yên Nghĩa, đây cũng chính là tuyến vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) khối lượng lớn đầu tiên được đưa vào khai thác.

Nhưng với đặc thù riêng của một TP quá nhiều xe cá nhân, nhất là xe máy, nếu không được ưu tiên tối đa, xe buýt BRT sẽ khó lòng phát huy tác dụng.
Xe lớn, đường chật
Nhiều chuyên gia cho rằng, kế hoạch thực hiện tuyến buýt BRT Kim Mã - Bến xe Yên Nghĩa được xây dựng từ năm 2008, đưa vào thực hiện đầu năm 2013. Thời điểm đó, trục đường Lê Văn Lương - Tố Hữu còn rất thưa vắng, mật độ giao thông thấp, phù hợp với VTHKCC khối lượng lớn như buýt BRT. Ban đầu, loại phương tiện dự kiến đưa vào vận hành trên tuyến là xe buýt toa nối toa, có sức chở từ 150 - 200 người/chuyến. Tuy nhiên, đến nay, loại phương tiện được chọn chỉ còn là xe buýt độc lập, sức chở 90 người/chuyến. Dẫu vậy, đó vẫn sẽ là một thách thức với công tác tổ chức giao thông trên tuyến. Bởi hiện nay, trục đường Lê Văn Lương - Tố Hữu có mật độ giao thông cao nhất, dễ xảy ra UTGT nhất của Hà Nội. Trong điều kiện thông thường, vào giờ cao điểm sáng - chiều, tuyến đường chật ních ô tô, xe máy phải leo lên vỉa hè mới có lối lưu thông. Nay lại thêm xe buýt BRT với kích thước lớn chưa từng có tham gia giao thông hỗn hợp, nguy cơ UTGT sẽ rất lớn.
 Xe buýt BRT tại điểm trung chuyển Kim Mã chờ ngày khởi hành. Ảnh: Ngọc Hải
Theo phương án được trình lên UBND TP xem xét, xe buýt BRT sẽ chạy từ 17 - 22 giờ hàng ngày, giờ cao điểm 5 phút/chuyến, thấp điểm 10 - 15 phút/chuyến; ngày bình thường chạy 358 lượt/ngày, Chủ nhật là 264/lượt/ngày. Ngày 15/12, xe buýt BRT sẽ được đưa vào chạy thử nghiệm (không chở khách) để khớp nối kỹ thuật xe với nhà chờ và hệ thống hạ tầng, tín hiệu; dự kiến, ngày 1/1/2017 mới bắt đầu đón khách. Nhưng ngay từ bây giờ đã có nhiều ý kiến băn khoăn liệu xe buýt BRT có khả thi và mang lại hiệu quả như mong đợi. Giám đốc Ban Quản lý đầu tư phát triển giao thông đô thị, Sở GTVT Hà Nội Vũ Hà nhận định: “Thời gian đầu có thể làn đường riêng sẽ bị nhiều loại phương tiện khác chiếm dụng, hạn chế khả năng di chuyển nhanh của xe buýt BRT”.
Theo phương án được liên ngành Sở GTVT - Công an TP trình lên UBND TP Hà Nội, để phục vụ xe buýt BRT lưu thông, 2 cầu vượt: Láng Hạ và Lê Văn Lương sẽ cấm xe máy đi lên vào giờ cao điểm. Điều này khiến nhiều người dân e ngại, bởi hiện 2 cây cầu vượt này đóng vai trò rất quan trọng trong lưu thông toàn tuyến. Tuy nhiên, dù đối diện với nhiều khó khăn, thách thức, đã đến lúc phải quyết tâm đưa vận tải khối lượng lớn vào vận hành, xây dựng mạng lưới VTHKCC hiện đại, hữu hiệu cho TP.
Quyết tâm thực hiện
Theo thống kê, các phương tiện VTHKCC của Hà Nội mới chỉ đáp ứng khoảng 12% nhu cầu đi lại của người dân. Bên cạnh đó, thói quen sử dụng phương tiện cá nhân vẫn bám chắc vào ý thức của người dân. Thực tế này bắt nguồn từ 2 nguyên nhân chính: Thứ nhất, nhiều khu dân cư, tuyến đường, ngõ phố vẫn chưa tiếp cận được với xe buýt, bất tiện cho việc di chuyển. Thứ hai, tốc độ, thời gian vận chuyển của VTHKCC chưa đáp ứng được yêu cầu của hành khách.
Ra đời trong bối cảnh đó, nếu không có những ưu tiên tối đa, không có sự hưởng ứng, ủng hộ của người dân, chắc chắn xe buýt BRT sẽ không đạt hiệu quả mong muốn. Giám đốc Ban Quản lý đầu tư phát triển giao thông đô thị, Sở GTVT Hà Nội Vũ Hà cho biết, trên làn đường riêng sẽ gắn camera theo dõi, ghi hình và xử phạt nguội các phương tiện lấn chiếm không gian lưu thông dành cho xe buýt BRT. Làn đường riêng được phân tách với bên ngoài bằng hệ thống sơn kẻ vạch, công - son, biển báo. “Tuy nhiên, quan trọng nhất vẫn là ý thức của người tham gia giao thông” - ông Hà nói.
Ngoài ra, không chỉ xe máy mà toàn bộ xe tải, xe ô tô chở hàng với khối lượng chuyên chở cho phép từ 500kg trở lên sẽ không được phép lưu thông trên 2 cầu vượt Láng Hạ, Lê Văn Lương vào giờ cao điểm. Cấm dừng đỗ tất cả các phương tiện trên dọc tuyến đường hoạt động của xe buýt BRT. Các phương tiện chỉ được phép dừng đỗ đón trả khách trên các tuyến đường ngang giao cắt với hành lang vận hành BRT, hoặc tại các vị trí có bố trí sảnh, vịnh đón trả khách. Bố trí các điểm trông giữ xe đạp, xe máy cho hành khách của xe buýt BRT trên hè gần khu vực nhà chờ hoặc các khu vực lân cận. Sở GTVT Hà Nội cũng đã điều chỉnh tuyến buýt số 22 có lộ trình trùng lặp; mở rộng 4 tuyến số: 09, 18, 19, 50 để tăng tính kết nối với xe buýt BRT. Giám đốc Trung tâm Quản lý & điều hành giao thông đô thị Nguyễn Hoàng Hải khẳng định, xe buýt BRT sẽ được ưu tiên hết mức từ không gian lưu thông, hạ tầng dịch vụ cho đến tuyên truyền, quảng bá. Làm sao để BRT đi vào cuộc sống, gần gũi, thu hút người dân một cách nhanh nhất. “Bên cạnh tất cả những cố gắng của UBND TP và cơ quan chức năng chuyên môn, xe buýt BRT vẫn cần hơn hết là sự hưởng ứng, đón nhận của Nhân dân, hành khách” - ông Nguyễn Hoàng Hải nói. 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần