Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ủy ban Olympic Ấn Độ bị Ủy ban Olympic quốc tế cấm cửa

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Sau một cuộc họp tại Thụy Sĩ, Ban điều hành Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) thông báo quyết định cấm Ủy ban Olympic Ấn Độ (IOA) tham gia vào mọi hoạt động của thế giới sau khi chính phủ nước này can thiệp vào quá trình bầu cử của tổ chức.

Trước đó, Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) đã đưa ra lời cảnh báo cho Ấn Độ và ngay khi biết được thông tin Ủy ban Olympic Ấn Độ (IOA) không đáp ứng đúng những yêu cầu của họ về việc tổ chức một cuộc bầu cử độc lập, dân chủ, ủy ban điều hành IOC đồng ý thi hành lệnh cấm đối với IOA.
 
Quyết định đình chỉ trên của IOC liên quan tới một tranh cãi đang diễn ra giữa IOC và IOA liên quan tới tiến trình bầu chọn những vị trí hàng đầu của IOA, theo kế hoạch được tổ chức vào ngày 5/12. Một tòa án Ấn Độ yêu cầu IOA bầu lãnh đạo theo luật thể thao nước này, trong khi IOC muốn tiến trình tuân thủ Hiến chương Olympic theo đó ủng hộ tính độc lập của tổ chức, không có sự can thiệp từ chính phủ vào việc bầu chọn lãnh đạo.
 
Ủy ban Olympic Ấn Độ bị Ủy ban Olympic quốc tế cấm cửa - Ảnh 1
 VĐV cầu lông  Saina Nehwal ( Ấn Độ) chỉ có thể thi đấu dưới cờ IOC
 
Tranh cãi trên nảy sinh sau khi có thông tin rằng Lalit Bhanot, người đang được tại ngoại sau 11 tháng ngồi tù hồi năm ngoái vì những cáo buộc tham nhũng liên quan tới đại hội thể thao Khối Thịnh vượng chung (Commonwealth Games) 2010, sẽ được bầu vào vị trí Tổng Thư ký IOA. Tân Chủ tịch IOA sẽ là Abhey Singh Chautala, có quan hệ mật thiết với cựu Chủ tịch IOA Suresh Kalmadi - cũng đang được tại ngoại sau những cáo buộc tham nhũng tương tự. Không cần đến các lá phiếu, những kết quả trên đã sớm được xác định khi các ứng cử viên cạnh tranh rút lui hồi tháng trước.
 
Sở dĩ IOC phải đưa ra lệnh cấm trên là vì họ liên tục yêu cầu IOA phải có những quy định riêng và phải tuân theo hiến chương Olympic, thay vì hoạt động theo giám sát của chính phủ. Cũng chính vì thế mà IOC tuyên bố họ không công nhận kết quả bầu cử chủ tịch IOA nếu như cuộc bầu cử diễn ra theo chỉ thị của chính phủ.
 
Từ tháng 10, Hội đồng đạo đức của IOC đã cảnh báo Ấn Độ không được để những nhân vật như Lalit Bhanot hay Suresh Kalmadi tiếp tục nắm quyền tại IOA, đồng thời bày tỏ lo ngại về những can thiệp chính trị. Ông Pere Miro, quan chức IOC phụ trách quan hệ với các ủy ban Olympic quốc gia, cho biết quyết định đình chỉ được đưa ra còn một phần vì IOA thể hiện khả năng điều hành kém cỏi.
 
Trong phản ứng của mình, ông Chautala nói rằng quyết định đình chỉ của IOC là "sai lầm và một phía". Trong khi đó, nhiều vận động viên Ấn Độ từng đoạt huy chương Olympic lại đánh giá động thái quyết liệt này của IOC có thể giúp làm trong sạch giới điều hành thể thao Ấn Độ.
 
Động thái này đồng nghĩa Ấn Độ sẽ không nhận được tài trợ từ IOC và các quan chức thể thao của quốc gia Nam Á này sẽ bị cấm tham dự các sự kiện, hội nghị Olympic. Các vận động viên Ấn Độ cũng bị cấm thi đấu tại các kỳ đại hội thể thao Olympic dưới màu cờ sắc áo quốc gia. Tuy nhiên, IOC có thể cho phép một số vận động viên nước này tranh tài theo cờ Olympic.
 
Sự kiện thể thao lớn sắp tới mà Ấn Độ tham gia là Đại hội thể thao châu Á (ASIAD) tổ chức ở Hàn Quốc năm 2014