Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

V.League nóng chuyện tiêu tiền

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đang có những tranh luận xung quanh chuyện tiền ở V.League. Đơn cử là chuyện một đội bóng cần bao nhiêu tiền trong một mùa giải. Nếu không công khai được điều này, nhiều đội bóng sẽ khó lòng thu xếp được nguồn tài chính để hoạt động.

Phát biểu của bầu Đức từ hồi đầu mùa giải bỗng chốc trở thành chủ đề nóng ở Hội nghị tổng kết mùa giải 2015. Thời điểm đó, ông Đức tuyên bố, HAGL đã có lãi. Ông chỉ cần 12 - 15 tỷ là có thể hoạt động ngon lành ở V.League.

Phát ngôn của bầu Đức khiến làng bóng đá nổi sóng. Các đội bóng lên cơn sốt vì lâu nay họ vẫn thông báo ngân sách hoạt động của mình lên đến 50 - 70 tỷ đồng. Nghèo như SLNA cũng có ngân sách khoảng 50 tỷ đồng. Nhiều lãnh đạo các đội bóng cho rằng, bầu Đức không trung thực. Các đội bóng thậm chí còn quay sang chỉ trích bầu Đức đã làm khó họ trong việc giải thích với lãnh đạo địa phương về khoản chi trong mùa giải.

Thực ra thì bầu Đức và cả lãnh đạo các đội bóng phản ứng ông đều không sai. Bầu Đức chi ít tiền vì ông đã đôn cả đội trẻ lên đá V.League và không phải chi bất cứ đồng nào để mua cầu thủ. Thế nhưng, bầu Đức đã quên rằng, ông đã phải chi hàng triệu USD trong quá khứ để đào tạo ra lứa cầu thủ trẻ trong suốt 7 năm. Các đội bóng mất nhiều tiền hơn vì họ phải tiêu tốn hàng tỷ đồng cho mỗi bản hợp đồng chuyển nhượng. Đó là chưa kể đến chi phí cho lương, thưởng, ăn ở, đi lại lên đến hàng chục tỷ đồng một năm.

Xung quanh tranh cãi giữa các đội bóng về chuyện tiền bạc cho một mùa giải, dư luận mới vỡ lẽ ra rằng, ngân sách đang có vai trò vô cùng quan trọng tại V.League. Trong 15 năm làm bóng đá chuyên nghiệp, mục đích tối thượng của V.League là giảm dần và tiến tới không sử dụng bầu sữa ngân sách. Đã có lúc, nhiều đội bóng gần như đạt được cái đích đó. Thế nhưng, trong cơn biến động của nền bóng đá, hiện V.League đang có xu hướng lệ thuộc vào ngân sách.

Có thể kể đến hàng loạt đội bóng đang phải sống dựa vào ngân sách. Từ Hải Phòng, Quảng Ninh, Thanh Hóa, SLNA đến Đồng Tháp, Cần Thơ…, các đội bóng đều coi ngân sách là nguồn thu quan trọng nhất. Rất ít đội bóng có thể tự đứng bằng đôi chân của mình như Bình Dương, Hà Nội T&T, SHB Đà Nẵng. Thế nhưng, ngay cả các đội bóng này cũng phải dựa vào các cơ chế của địa phương để tìm nguồn thu về tài chính.

Bóng đá chuyên nghiệp là hướng đến việc xã hội hóa các nguồn lực. Các đội bóng phải xây dựng chiến lược kinh doanh các sản phẩm của mình. Họ phải lấy bóng đá nuôi bóng đá hoặc chí ít là vận dụng cơ chế chính sách để tìm nguồn thu duy trì hoạt động của mình. Thế nhưng, khi nền kinh tế gặp khó khăn, các ông bầu cảm thấy mệt mỏi trong việc chi tiền thì các đội bóng lại có xu hướng lệ thuộc từ một phần đến hoàn toàn vào bầu sữa ngân sách. Sự chủ động trong chiến lược kinh doanh mà bóng đá chuyên nghiệp đang đề cao dần mất đi. Thay vào đó, người ta lại thấy xuất hiện những quan chức bóng đá thay vì chủ động sáng tạo tìm hướng đi, họ chú trọng hơn đến việc xin tiền từ địa phương.

Bóng đá chuyên nghiệp là tiền. Nếu không biết cách kiếm tiền từ hoạt động bóng đá mà mãi dựa vào ngân sách, sẽ chẳng có sân chơi chuyên nghiệp thực sự, dù V.League sắp sang tuổi thứ 16.