Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

"Vá" lỗ hổng xuất bản bằng cách nào?

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Hàng loạt sai sót nghiêm trọng liên tiếp xuất hiện trên các ấn phẩm sách thời gian gần đây như: Vi phạm vấn đề chủ quyền, bản quyền, nhập lậu xuất bản (XB) phẩm có nội dung vi phạm pháp luật, chủ quyền lãnh thổ và xuyên tạc lịch sử… cho thấy lỗ hổng trong quản lý ngành XB ngày càng lớn.

 Lửng lơ trách nhiệm

Tại Hội nghị tổng kết công tác xuất bản và phát hành mới đây tại TP Hồ Chí Minh, người làm nghề đã "mổ xẻ" thực trạng này để tìm cách "vá" lỗ hổng XB. Theo Cục trưởng Cục XB Chu Văn Hòa, nguyên nhân xuất hiện sách tham khảo và các sách nhập sử dụng hình ảnh minh họa sai thời gian gần đây là do: "Một số nhà xuất bản (NXB) buông lỏng quản lý trong quy trình biên tập và liên kết, thiếu nhạy bén chính trị". Mặc dù, NXB được xem như "chốt chặn" để kiểm soát nội dung sách, song đơn vị liên kết thường phải chịu phạt. Vậy, phải chăng nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là do cơ chế XB quá ủng hộ NXB hay vì luật chưa nghiêm?

"Vá" lỗ hổng xuất bản bằng cách nào? - Ảnh 1

Nhiều ấn phẩm sách vi phạm cho thấy lỗ hổng trong quản lý ngành xuất bản ngày càng lớn.  Ảnh  Anh Tuấn

Trên thực tế, 80% sách XB hiện nay là liên kết, nghĩa là NXB chỉ đảm nhận mỗi việc cấp giấy phép, còn các công ty tư nhân lo từ "A đến Z". Và khi việc "bán" giấy phép được xem như "bầu sữa mẹ" đối với một số NXB thì giá chỉ còn 500.000 đến 5 triệu đồng để đủ thủ tục cho ra mắt một đầu sách. Một người làm sách cho biết: "Ngoại trừ một vài NXB làm việc nghiêm túc, kiểm soát nội dung chặt chẽ, nhiều đơn vị gần như chỉ quan tâm đóng đủ tiền giấy phép chứ không phải nội dung sách viết gì". Điều này giải thích tại sao khi phát hiện nội dung sách có sai phạm, những người có trách nhiệm đều thừa nhận "chỉ xem qua".

Song, những sai sót trong XB hiện nay không chỉ bắt nguồn từ sự thiếu trách nhiệm của NXB, mà khâu quản lý của các cơ quan chức năng cũng còn nhiều "lỗ hổng". Theo quy định hiện hành, ít nhất 10 ngày sau khi sách được nộp lưu chiểu lên Cục XB, nếu không vi phạm quy định của Luật XB mới được phép phát hành. Thế nhưng, nhiều NXB thực hiện nộp lưu chiểu chậm cả tháng vẫn "bình an vô sự". Theo thống kê, mỗi năm, 12 cán bộ thuộc Phòng Quản lý XB, Cục XB tiếp nhận trên 20.000 đầu sách để kiểm tra lưu chiểu… Tức là một người phải xử lý trên 1.600 đầu sách/năm. Như Phó Chủ tịch Hội XB Việt Nam Nguyễn Kiểm nói: "Chẳng ai có trăm tay ngàn mắt để mỗi năm đọc được khoảng 1.500 cuốn sách".

Chế tài xử phạt phải nghiêm

Sai sót trong liên kết hoạt động XB vừa qua là do một số NXB thực hiện không nghiêm các quy định đã ban hành. Trách nhiệm cuối cùng là giám đốc, tổng biên tập NXB không được đổ lỗi cho các đối tác liên kết. Trong thời gian tới, Bộ sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra để chấn chỉnh hoạt động của ngành.

Ông Đỗ Quý Doãn

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông

Ông Nguyễn Ngọc Bảo, Phó Cục trưởng Cục XB đặt hy vọng vào những điều chỉnh của Luật XB mới (có hiệu lực từ 1/7/2013) có thể khắc phục được những hạn chế trên. "Luật XB mới đã quy định rõ những điều kiện cần thiết đối với các chủ thể tham gia phát hành XB phẩm, đồng thời xác định cụ thể những hành vi vi phạm. Từ đó có những chế tài xử phạt nghiêm minh" - ông Bảo cho biết. Song về lâu dài, ông Nguyễn Kiểm cho rằng, cách nhìn nhận về XB của Nhà nước và chính sách vĩ mô cho XB phải đồng bộ từ chức năng, nhiệm vụ đến cơ chế, chính sách thì ngành mới có thể phát triển tốt. Theo ông Kiểm, nên phân định rõ một số NXB chuyên thực hiện các nhiệm vụ XB sách chính trị, giáo dục, còn lại có thể tự kinh doanh "được ăn lỗ chịu".

Ngoài ra, có nhiều ý kiến cho rằng nên quy định rõ trách nhiệm để tư nhân tham gia XB để chấm dứt tình trạng lửng lơ như hiện nay. Vì ai sai phạm sẽ phải chịu phạt đúng mức, muốn tồn tại buộc phải làm ăn nghiêm túc. Vậy nên, những người làm XB vẫn đang trông chờ và hy vọng vào Thông tư hướng dẫn thi hành Luật XB sẽ để chặn lại những vi phạm đang có trong thị trường XB.