Vài chuyện khôi hài về danh hão

Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ ngàn xưa đến nay, cái vòng “danh - lợi” vẫn nằm trong toan tính thường trực của không ít người. Thời phong kiến, việc “mua quan, bán tước” là chuyện phổ biến, còn trong thời đại hiện nay việc “mua danh, bán danh” cũng xuất hiện với các “biến tướng” khác nhau.

Vậy thói háo danh có thể coi là một thói tật của người Việt chăng khi thói háo danh, sĩ diện hão là một nhược điểm tâm lý cố hữu của người Việt? Trong xã hội xưa, thói háo danh khiến người ta bỏ tiền ra mua chức sắc, có khi đến tán gia bại sản chỉ để tranh giành nhau chỗ ngồi ở chiếu trên giữa đình. Còn ngày nay, ở nhiều địa phương, các vụ mua bằng cấp, sử dụng bằng giả để chạy quyền, chạy chức diễn ra khá nhiều, thậm chí có những vụ người đứng đầu các cơ quan cấp huyện, cấp xã, cũng sử dụng bằng giả.
Thời gian qua, báo chí đã đưa tin về một số vụ như việc ông Nguyễn Quyết Thắng - Hiệu trưởng trường Cao đẳng nghề Quảng Nam đã dùng 19,8 triệu đồng ngân sách để ký hợp đồng "truyền thông" với một DN, nhằm đề cao bản thân trên một số đài, tạp chí để vinh danh "Nhà lãnh đạo xuất sắc năm 2014".
 Ảnh minh họa.
Rồi việc ca sĩ Ngọc Sơn được Hội Nghệ nhân và Thương hiệu Việt Nam tặng bằng khen "Giáo sư âm nhạc". Hay vụ ông Phạm Bá Luyến - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Quan Sơn (Thanh Hóa) khai man thành tích để được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú. Và đặc biệt là vụ ông Hồ Xuân Mãn - nguyên Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế đã bị kỷ luật về việc kê khống thành tích để được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang.
Qua ngàn đời nay, những phẩm chất tốt đẹp của người Việt đã luôn luôn góp phần làm rạng rỡ non sông, đất nước này và làm nên những giá trị tinh thần cốt lõi của văn hóa Việt. Bên cạnh đó cũng còn không ít “thói hư, tật xấu” đã làm cho tổn hại cho đời sống văn hóa xã hội mà thói háo danh nhiều lúc đã trở thành một căn bệnh thực sự.
Trong làng văn chúng tôi còn lưu truyền câu chuyện về thói háo danh của một người làm thơ nghiệp dư ở một tỉnh nọ bị một “Câu lạc bộ thơ bán chuyên nghiệp” ở Hà Nội cho “vào tròng” thật khôi hài. Bỗng một ngày không hiểu vì sao, ông làm thơ nghiệp dư này nhận được cái giấy mời màu hồng in chữ đậm rõ to: “Câu lạc bộ thơ bán chuyên nghiệp T.Ư trân trọng mời nhà thơ… đến Hội trường Ba Đình dự Đại hội đại biểu Hội nghị T.Ư Thơ bán chuyên nghiệp toàn quốc của các nhà thơ Việt Nam”.
Mừng như bắt được vàng, ông liền mang ngay giấy mời này lên UBND xã nhà, gặp bằng được lãnh đạo đề nghị rằng: “Từ xưa đến nay, cả vùng phủ huyện này, chứ không riêng gì xã chúng ta, chưa bao giờ có một nhà thơ nào như tôi được cấp “Trung ương” mời lên dự “Hội nghị thơ toàn quốc” ở Hội trường Ba Đình.
Đây là niềm vinh dự chung cho cả huyện, cả tỉnh chứ không phải riêng xã mình. Từ nay trở đi tôi đã được công nhận là nhà thơ cấp “Trung ương” rồi nghe chưa! Do vậy tôi đề nghị các sếp trong xã triệu tập một cuộc họp mời đại diện Nhân dân trong xã, mỗi gia đình cử một người đến dự họp liên hoan để tiễn nhà thơ tôi lên đường dự Hội nghị Thơ T.Ư”.
Thấy lãnh đạo xã ngơ ngác, ông này liền đưa ra cái giấy mời in rất trang trọng, dấu son đỏ lòe của… T.Ư ra để chứng minh và nói khẽ như rót mật vào tai các sếp xã: “Anh sẽ chi tiền toàn bộ cho cuộc liên hoan cả mặn lẫn ngọt tại trụ sở của xã, tiền loa đài, hát xướng, băng rôn khẩu hiệu anh cũng chi hết và anh còn có phong bì riêng cho mấy chú. Cứ tổ chức cho thật long trọng, thịnh soạn vào nhé!”.
Thế là trước ngày tiễn ông này đi dự “Hội nghị Thơ” ở Ba Đình, Hà Nội, các sếp xã tổ chức một cuộc liên hoan rất long trọng giới thiệu với Nhân dân toàn xã gương mặt nhà thơ cấp T.Ư, đại diện cho nền thơ của tỉnh nhà đi dự hội nghị cấp cao. Bà con trong xã kéo đến dự liên hoan khá đông, hát chèo, múa hội, đọc thơ, bình thơ… đến tận nửa đêm chưa dứt.
Lên tới Hà Nội, nhà thơ ta mới ngã ngửa người ra khi được báo tin, vì Hội trường Ba Đình đang phải dỡ bỏ để xây nhà Quốc hội mới, nên “Hội nghị Thơ bán chuyên nghiệp T.Ư” phải chuyển sang tổ chức ở Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình. Vì thế nên Ban tổ chức đề nghị các nhà thơ dự Hội nghị phải đóng tiền để thuê hội trường, thuê in sách, in bằng khen…và tiền ăn, tiền ở mấy ngày ở Thủ đô cùng nhiều chi phí khác....
Sau này, có người nói với tôi, “nhà thơ” này đã tốn gần trăm triệu đồng trong cái vụ vinh danh thơ ông nói trên.