Trước đó, Mỹ và các nước đồng minh phương Tây cùng một số quốc gia vùng Vịnh cho rằng Tổng thống Syria Bashar al-Assad không có chỗ trong tương lai đất nước và muốn ông từ chức. Trong khi đó, Moscow và Tehran cho rằng việc ông Assad xuống chức không phải một giải pháp chính trị đúng đắn.
Ngoại trưởng Nga, Sergei Lavrov thừa nhận, cuộc họp lần này kết thúc nhưng chưa đạt được bất kỳ một thỏa thuận nào để định đoạt số phận của Tổng thống Bashar al-Assad.
Theo đó, Mỹ, Nga và Iran vẫn bất đồng về vai trò của Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Phát biểu tại buổi họp báo sau hội nghị, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry khẳng định, Mỹ tiếp tục tin rằng việc Tổng thống Bashar al-Assad từ bỏ quyền lực sẽ góp phần mở đường cho một thỏa thuận nhằm chấm dứt xung đột Syria và giúp đánh bại tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif phản đối quan điểm này. Tuy nhiên, ông Kerry cho biết cả ba sẽ tiếp tục trao đổi để theo đuổi một giải pháp chính trị tại Syria.
Đại diện Moscow cũng cho rằng người dân Syria nên tự quyết định tương lai của họ, và Nga cũng muốn ngừng cuộc khủng hoảng và do đó sẽ tiếp tục can thiệp vào cuộc chiến chống lực lượng khủng bố ở Syria.
Trước khi diễn ra, giới phân tích đã nhìn trước khả năng hội nghị này sẽ không đưa đến kết quả mang tính quyết định do sự khác biệt quan điểm quá lớn giữa các bên. Tuy nhiên, cuộc họp vẫn được ghi nhận là bước tiến khi tập hợp quanh bàn đàm phán các bên có quan điểm đối lập nhau. Iran - đồng minh thân cận của chính quyền Bashar al-Assad cũng lần đầu tiên được mời tham dự hội nghị.