Phiên họp thứ 11 Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: TTXVN
Theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường, hiện vẫn còn một số vấn đề chưa thống nhất ý kiến giữa cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra. Một trong những vấn đề đó là quy định không cho phép giảng viên pháp luật hành nghề luật sư. Hiện đã có sự tách biệt giữa cán bộ, công chức - viên chức. Giảng viên pháp luật là viên chức, hoàn toàn có thể hành nghề luật sư tư vấn (không tham gia tố tụng). Điều này không những không ảnh hưởng đến chất lượng giảng dạy mà còn bổ sung thêm kiến thức thực tiễn cho đội ngũ này. Do đó, Luật nên quy định luật sư hành nghề ở địa phương nào thì gia nhập đoàn luật sư ở địa phương đó, thuận tiện cho yêu cầu quản lý.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý lại cho rằng, không quy định giảng viên pháp luật được hành nghề luật sư. Các nước có sự phân biệt rõ luật sư tố tụng và luật sư tư vấn, nhưng pháp luật nước ta không phân biệt như vậy. Do đó, nếu cho họ hành nghề luật sư thì không xác định rạch ròi được việc này.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, việc giảng viên pháp luật không hành nghề luật sư tố tụng thì đã rõ. Tuy nhiên, để tận dụng chất xám của đội ngũ giảng viên pháp luật, thì không nhất thiết phải quy định họ được hành nghề luật sư, được cấp thẻ luật sư; nhưng cần có quy định về đăng ký hành nghề tư vấn pháp luật, hỗ trợ pháp lý tại Văn phòng luật sư. Chủ tịch Quốc hội nhận định: “Thực ra đây là việc họ vẫn đang làm, nhưng nếu có đăng ký thì công tác quản lý sẽ chặt chẽ hơn”.
* Sáng cùng ngày, Tổng Kiểm toán Nhà nước Đinh Tiến Dũng đã báo cáo với UBTVQH dự kiến kế hoạch kiểm toán năm 2013. Trong đó, lĩnh vực Ngân sách Nhà nước, Kiểm toán tại 34 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trong đó có 3 đơn vị đã được kiểm toán trong năm 2012 (thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Đà Nẵng). Kiểm toán 20 chuyên đề (chưa tính 1 chuyên đề thuộc lĩnh vực An ninh), tăng 4 chuyên đề so với năm 2012, trong đó 9 chuyên đề tại các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được lồng ghép trong 08 cuộc kiểm toán ngân sách, tiền và tài sản nhà nước địa phương (TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Tuyên Quang).
Nội dung chủ yếu của các cuộc kiểm toán chuyên đề dự kiến trong KHKT năm 2013 là: Đầu tư công (trong đó có chuyên đề về Trái phiếu Chính phủ); quản lý, sử dụng đất đai, phát triển nhà và đô thị; quản lý công tác khai thác tài nguyên khoáng sản...
Cùng với đó là kiểm toán trong lĩnh vực đầu tư XDCB và chương trình, dự án quốc gia; lĩnh vực doanh nghiệp và tổ chức tài chính - ngân hàng. Số lượng đầu mối kiểm toán năm 2013 chỉ tăng 2 đầu mối so với năm 2012 nhưng quy mô tài chính các doanh nghiệp được kiểm toán tăng cao…