Tuy nhiên, khách quan nhận xét, những chuyển biến trên chưa thực sự như mong muốn, nhất là điều kiện kinh doanh vẫn có những văn bản ngược với chủ trương, tạo khó khăn, gánh nặng chi phí, thậm chí là rủi ro cho người kinh doanh, DN.
Theo thống kê hiện có 243 ngành nghề kinh doanh có điều kiện và tương ứng mỗi ngành nghề kinh doanh này lại có một hệ thống hàng trăm các điều kiện “con cháu” khác, trong khi các tiêu chí để xác định điều kiện kinh doanh lại không rõ ràng, cấu trúc phức tạp. Về hình thức của điều kiện kinh doanh khá đa dạng, nó có thể bao gồm giấy phép, nhưng có những hình thức rất khó để nhận diện, như: Nộp đơn xin phép, hay thông báo cho cơ quan quản lý, văn bản chấp thuận… Bên cạnh đó, ngay cả khi đã nhận được giấy đăng ký kinh doanh, đối với một số chuyên ngành DN còn phải chứng minh đủ năng lực, cơ sở vật chất để đáp ứng một số điều kiện đặt ra. Và để xin được giấy phép, các DN lại phải thực hiện hàng loạt các thủ tục hành chính. Đã có không ít DN dở khóc dở cười vì đôi khi điều kiện quy định một đằng, hồ sơ giấy tờ yêu cầu lại khác, thậm chí theo hướng yêu cầu nhiều hơn so với điều kiện. Chưa hết, khi xin được giấy rồi, DN lại bị giới hạn bởi thời gian kinh doanh quy định như 5 - 10 năm, sau thời gian đó lại phải tiếp tục xin lại. Điều này gây ra gánh nặng chi phí, thời gian và cơ hội kinh doanh cho DN.
Thực tế, quá trình cải cách về điều kiện kinh doanh đã được tiến hành từ lâu. Tuy nhiên, có thể nhận thấy đây vẫn là vấn đề còn nhiều việc phải làm nếu như không muốn nói nó đang ngày càng rối rắm hơn với đủ các quy định phức tạp và tinh vi hơn trước. Thậm chí có những điều kiện có xu hướng áp đặt cứng nhắc các tiêu chí không phù hợp như phải sở hữu hệ thống hạ tầng quá lớn, lãnh đạo phải có bằng cấp… Chúng nằm rải rác với nhiều hình thức và tên gọi khác nhau khi mà tư duy chung vẫn là phục vụ cho quản lý Nhà nước, thay vì các mục tiêu hướng tới DN, bảo vệ người tiêu dùng…Để tạo thuận lợi cho DN, tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế, đã đến lức cần phải “cắt xén” mạnh mẽ các quy định tạo rủi ro, gia tăng chi phí, hạn chế cạnh tranh, tác động không cân xứng đến DN nhỏ và vừa, không chỉ giới hạn quy định về điều kiện kinh doanh, mà tất cả các quy định pháp luật khác… Tuy nhiên, điều cơ bản nhất đó là thay đổi tư duy quản lý bằng mọi giá bằng tư duy quản lý không gây ảnh hưởng đến kinh doanh và xóa bỏ sự can thiệp của Nhà nước vào thị trường. Có như thế mới loại bỏ được những văn bản làm khó DN, tác động xấu đến môi trường kinh doanh.