Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Vẫn còn tình trạng bao che cho buôn lậu

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Muốn ngăn chặn được hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, các ngành chức năng cần tăng cường hoạt động phối hợp, kiên quyết loại bỏ những cán bộ tiếp tay cho buôn lậu…

Đó là ý kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu tại cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389) ngày 8/4.

Thiếu sự phối hợp

Số liệu của Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cho thấy, trong quý I/2014, lực lượng quản lý thị trường đã kiểm tra gần 40.000 vụ, xử lý trên 25.000 vụ buôn lậu, tịch thu số hàng nhập lậu trị giá 70 tỷ đồng.

Mặc dù lực lượng chức năng đã tích cực vào cuộc nhưng hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại trong thời gian qua chưa có dấu hiệu giảm. Nhằm "qua mắt" lực lượng chức năng, giới buôn lậu đã có thêm nhiều thủ đoạn buôn lậu, gian lận thương mại tinh vi như: Lợi dụng hàng tạm nhập tái xuất để vận chuyển hàng lậu, nhất là mặt hàng xăng dầu; Quay vòng hóa đơn để hợp thức hóa hàng lậu, nhất là mặt hàng gia cầm. Thậm chí đã xuất hiện thủ đoạn lợi dụng việc thông quan điện tử tự động để xuất khống hàng hóa nhằm chiếm đoạt tiền thuế giá trị gia tăng... Tại các tuyến biên giới, điều đáng lo ngại là lợi dụng chính sách ưu đãi cho cư dân vùng biên, một lượng lớn hàng lậu đã được vận chuyển vào sâu trong nội địa, trong đó chủ yếu là hàng thuỷ sản, nông sản, thực phẩm...

 
Cần có quy chế chung cho hoạt động chống buôn lậu. Trong ảnh: Quản lý thị trường Hà Nội thu giữ hàng lậu tại bến xe chợ đầu mối phía Nam. 	Ảnh: Hoài Nam
Cần có quy chế chung cho hoạt động chống buôn lậu. Trong ảnh: Quản lý thị trường Hà Nội thu giữ hàng lậu tại bến xe chợ đầu mối phía Nam. Ảnh: Hoài Nam

Trong khi hoạt động buôn bán hàng lậu, hàng giả diễn ra sôi động thì hoạt động phòng, chống của các lực lượng chức năng chủ yếu là chạy theo vụ việc, chưa chủ động đề xuất được các giải pháp, kế hoạch mang tính chiến lược, lâu dài để xử lý hiệu quả tình trạng này. Sự phối hợp giữa các ngành chức năng, giữa các địa phương chưa chặt chẽ, còn mang tính cục bộ. Cơ chế, chính sách cho các khu thương mại cửa khẩu còn bộc lộ một số bất cập trong việc quản lý hàng hóa ra vào khu thương mại, bố trí lực lượng kiểm tra, kiểm soát. Ông Trịnh Văn Ngọc - Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường phàn nàn: Hiện, các quy định về trình tự, thủ tục kiểm tra đối với việc trao đổi mua bán hàng hóa của cư dân biên giới chưa cụ thể; Quy định xuất hóa đơn quá dài, nên bị các đối tượng buôn lậu lợi dụng để hợp thức hàng lậu khi bị kiểm tra...

Quyết liệt ngăn chặn

Nhằm ngăn chặn hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại trong thời gian tới, lực lượng chức năng cần đẩy mạnh công tác phối hợp, xây dựng kế hoạch dài hạn, từ đó có giải pháp đối phó kịp thời.

Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Thành Cung đề nghị: Nhà nước phải quy định rõ, mỗi địa bàn có một lực lượng chịu trách nhiệm chính như: Trên biển thì cảnh sát biển chịu trách nhiệm chính, biên giới do biên phòng và hải quan; Thị trường nội địa giao cho công an và quản lý thị trường..., từ đó quy trách nhiệm cụ thể khi xảy ra vụ việc hoặc không hoàn thành nhiệm vụ. Bên cạnh đó, nếu địa phương nào để xảy ra hoạt động buôn lậu nghiêm trọng thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc - Trưởng Ban Chỉ đạo 389 khẳng định: Thời gian qua, tình trạng buôn bán hàng lậu, hàng giả diễn biến phức tạp còn có nguyên nhân không nhỏ do có sự tiếp tay, bao che của một bộ phận cán bộ địa phương và ngành chức năng. Do đó, phát hiện và xử lý kịp thời những cán bộ có hành vi này là một trong những yêu cầu đòi hỏi các bộ, ngành, địa phương phải tập trung hiện nay nhằm ngăn chặn tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại phá hoại sản xuất trong nước. Việc chống buôn lậu, gian lận thương mại cũng cần là nhiệm vụ thường xuyên, đòi hỏi lực lượng chức năng, từng địa phương có phương án ngăn chặn quyết liệt, cụ thể.

Cùng với đó, các địa phương có đường biên giới cũng cần đẩy mạnh việc giải quyết khó khăn về đời sống cho người dân, từ đó hạn chế đến mức cao nhất việc người dân tham gia vận chuyển hàng lậu. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn cả, là các cơ quan chức năng cần tăng cường hoạt động phối hợp trong việc trao đổi thông tin chống buôn lậu, quản lý hàng hóa tạm nhập tái xuất; Xây dựng quy chế cũng như tăng cường hơn nữa công tác phối hợp, hợp tác quốc tế trong việc đấu tranh chống buôn lậu xuyên biên giới; Lập chuyên đề kiểm tra với những mặt hàng "nóng" thường được buôn lậu với số lượng lớn, qua đó phát hiện, triệt phá những đường dây, ổ nhóm buôn lậu lớn... Việc làm này còn có tác dụng ngăn chặn các hành vi lợi dụng chủ trương "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" để tiêu thụ hàng lậu, hàng kém chất lượng.