Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Vấn đề Biển Đông được các nước đặc biệt quan tâm

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tại cuộc họp các quan chức cấp cao (SOM) của Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF), vấn đề Biển Đông được các nước đặc biệt quan tâm.

Cuộc họp các quan chức cấp cao (SOM) của Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) đã diễn ra ngày 9/6 tại Yangon (Myanmar) với sự tham gia của đại diện 27 nước tham gia ARF cùng EU và Ban Thư ký ASEAN. Đoàn Việt Nam do Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Vinh, Trưởng SOM ASEAN - Việt Nam làm Trưởng đoàn.

Hội nghị đã tập trung trao đổi về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm, kiểm điểm các hoạt động hợp tác ARF trong năm qua và bàn việc chuẩn bị cho Hội nghị Bộ trưởng ARF vào đầu tháng 8/2014.

Trong trao đổi về các vấn đề quốc tế và khu vực, vấn đề Biển Đông được các nước đặc biệt quan tâm. Theo đó, các nước đều bày tỏ quan ngại sâu sắc trước những diễn biến phức tạp và căng thẳng ngày càng gia tăng ở Biển Đông, nhấn mạnh việc phải thực hiện kiềm chế, phê phán mạnh mẽ việc sử dụng những hành động đơn phương vi phạm luật pháp quốc tế, Công ước của Liên Hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS 1982), tinh thần và lời văn của Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), nhấn mạnh việc tuân thủ luật pháp quốc tế, UNCLOS 1982 và DOC, sớm đạt được Bộ quy tắc về ứng xử ở Biển Đông (COC).

 
Quang cảnh hội nghị.
Quang cảnh hội nghị.
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Phạm Quang Vinh đã nhấn mạnh tầm quan trọng của hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải ở Biển Đông, mối quan tâm chung của các quốc gia trong và ngoài khu vực. Tuy nhiên, tại Biển Đông đã và đang diễn ra những vụ vi phạm nghiêm trọng do việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương - 981 và đưa nhiều tàu hộ tống bảo vệ xâm phạm sâu vào trong vùng thềm lục địa và đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Các tàu của Trung Quốc liên tục có những hành động gây hấn, đâm húc và dùng vòi rồng phun nước, làm hư hại nhiều tàu kiểm ngư, cảnh sát biển và tàu cá của Việt Nam; các hành động trên là sự vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế và UNCLOS 1982, làm gia tăng căng thẳng và ảnh hưởng trực tiếp đến hòa bình, ổn định và an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông. Việt Nam yêu cầu Trung Quốc phải rút ngay giàn khoan và các tàu hộ tống bảo vệ ra khỏi vùng biển của Việt Nam.

Theo Thứ trưởng Phạm Quang Vinh, ngày 10/5, các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN đã ra Tuyên bố chung bày tỏ quan ngại sâu sắc về những vụ việc phức tạp nêu trên và nhấn mạnh việc phải tuân thủ luật pháp quốc tế, UNCLOS 1982 và DOC, yêu cầu thực hiện kiềm chế, không được có các hành động làm phương hại hòa bình và ổn định ở khu vực, giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, không đe dọa hay sử dụng vũ lực. Tuyên bố trên của ASEAN đã được các nước trong và ngoài khu vực ủng hộ mạnh mẽ. Việt Nam kêu gọi các nước và cộng đồng quốc tế tiếp tục lên tiếng mạnh mẽ để phản đối các hành động xâm phạm của Trung Quốc.

Thứ trưởng Phạm Quang Vinh khẳng định, Việt Nam kiên quyết bảo vệ chủ quyền và vùng biển của mình, song hết sức kiềm chế, kiên trì đối thoại và sử dụng các biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế để yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan và các tàu hộ tống bảo vệ ra khỏi vùng thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Việt Nam nhấn mạnh việc nghiêm túc tuân thủ luật pháp quốc tế và UNCLOS 1982, ủng hộ việc thực hiện đầy đủ và hiệu quả các quy định của DOC, đồng thời khẳng định nhu cầu cấp thiết phải sớm đạt được bộ quy tắc ứng xử có tính chất ràng buộc ở Biển Đông - COC nhằm bảo đảm hòa bình, ổn định và an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông.

Về định hướng tương lai của ARF, Thứ trưởng Phạm Quang Vinh đánh giá cao đóng góp của ARF trong 20 năm qua (1994 - 2014); đề nghị ARF tiếp tục phát huy những thành quả đã đạt được và đặc biệt chú ý việc tăng cường xây dựng lòng tin trong bối cảnh khu vực đang có sự gia tăng cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn và đang phải đối phó với những thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống phức tạp.

Để đạt được điều đó, ARF cần tiếp tục nỗ lực thúc đẩy các nguyên tắc về lòng tin, bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau và tuân thủ luật pháp quốc tế; tiếp tục góp phần thúc đẩy việc xây dựng và chia sẻ các chuẩn mực và nguyên tắc ứng xử chung của khu vực vì các mục tiêu chung là hòa bình, an ninh, ổn định, hợp tác và phát triển của khu vực.