Vấn đề phát triển đô thị, phòng chống tham nhũng và công tác cán bộ

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mặc dù Dự thảo Báo cáo Chính trị trình Đại hội Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ XVI đã trình bày toàn diện, đầy đủ những thành tựu của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thủ đô trong 5 năm qua trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội.

Tuy nhiên, tôi cũng xin đóng góp một vài ý trong vấn đề phát triển đô thị, phòng chống tham nhũng và công tác cán bộ.
Hạ tầng đô thị Hà Nội đã có bước phát triển vượt bậc.  	Ảnh: Tuấn Anh
Hạ tầng đô thị Hà Nội đã có bước phát triển vượt bậc. Ảnh: Tuấn Anh
1. Nhiệm kỳ Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội khóa XVI nên có một Nghị quyết chuyên đề về công tác quy hoạch đô thị, với lý do: Sau nhiều năm Hà Nội đã có nhiều thay đổi, tốc độ phát triển đô thị rất nhanh, nhất là sau khi mở rộng địa giới hành chính Thủ đô. Mặc dù Thủ tướng đã phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, nhưng việc triển khai vẫn chậm và thiếu đồng bộ. Cán bộ làm công tác quy hoạch vẫn thiếu và yếu. Do đó, nhiệm kỳ tới, Ban Chấp hành Đảng bộ TP phải có Nghị quyết chuyên đề, vào cuộc quyết liệt hơn, để việc triển khai quy hoạch Thủ đô sau 50 - 60 năm vẫn không lạc hậu.

2.Trong công tác xây dựng nếp sống văn minh, trật tự đô thị, quản lý đất đai chỉ đạo chưa thật kiên quyết, nhất là các quận vừa chuyển từ xã lên phường. Tình trạng xây dựng thiếu đồng bộ, nhất là hai bên những con đường mới mở, xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp sau thu hồi còn phổ biến, hình thành những khu dân cư vi phạm pháp luật, gây mất trật tự an ninh, mỹ quan đô thị, mà không được xử lý triệt để. Đã thế, nhiều nơi chính quyền không thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của trên, chế tài xử lý chưa mạnh, làm mất đi tính nghiêm minh của pháp luật (ví dụ đường Trần Thủ Độ, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai…, hàng trăm hộ dân vi phạm nhiều năm nhưng chưa được xử lý).

3.Công tác phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, trong Dự thảo Báo cáo đánh giá chưa thật rõ nét, sơ sài, chưa rõ TP đã xử lý bao nhiêu vụ, thu hồi về cho Nhà nước được bao nhiêu tài sản, đưa ra truy tố bao nhiêu vụ. Tổng số đảng viên phải xử lý là bao nhiêu, bao nhiêu tập thể phải kỷ luật. Phải làm rõ những thông tin đó thì quần chúng và đảng viên mới thấy rõ được nhiệm vụ này Đảng có quan tâm không? Vào cuộc có quyết liệt không?

Theo tôi, cần đánh giá nội dung này thật sâu sắc, vì đây là nội dung rất nhạy cảm. Ban Chấp hành Đảng bộ nhiệm kỳ tới cần làm rõ việc thực hiện thu hồi, xử lý tài sản sau khi kết luận của thanh tra và tòa án đã xử có hiệu lực. Tôi ví dụ ở Hoàng Mai có vụ thanh tra đã có kết luận từ năm 2010, thất thoát hàng chục tỷ đồng nhưng đến nay vẫn không thu hồi về cho Nhà nước một đồng nào (vụ 450m2 đất của bà Trần Thị Nhã, phường Hoàng Liệt, Hoàng Mai).

4.Về công tác cán bộ, Dự thảo Báo cáo chưa làm rõ được nguyên nhân hạn chế trong bố trí cán bộ Đảng, chính quyền, đoàn thể. Liệu có hay không hiện tượng chạy chức, chạy vị trí, để rồi đến khi thực hiện nhiệm vụ mới thấy rõ yếu kém, nhiều vi phạm pháp luật, trong đó có cả đại biểu Quốc hội. Căn cứ vào những yếu kém, nhiệm kỳ tới, Ban Chấp hành Đảng bộ cần phải dân chủ, công khai và minh bạch trong công tác cán bộ, gắn với công tác giám sát của MTTQ và HĐND các cấp. Ở đâu để xảy ra cán bộ vi phạm kỷ luật trước hết phải xử lý nghiêm túc người đứng đầu cấp ủy và ban thường vụ ở đó. Như thế mới gắn trách nhiệm của tập thể, cá nhân ở nội dung này.