Du lịch bao giờ xứng với tiềm năng?
Trả lời ĐB Nguyễn Hoài Phương (đoàn Tây Ninh) về xử lý tình trạng chèo kéo, đeo bám, "chặt chém" du khách trong và ngoài nước, chất lượng sản phẩm chưa hấp dẫn, kém thu hút nên du khách không quay lại lần hai, Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Hoàng Tuấn Anh sau khi dẫn ra rất nhiều số liệu về mức đầu tư, kết quả, quan điểm, chiến lược của ngành du lịch đã thừa nhận: Chất lượng dịch vụ chưa đạt, tình trạng "chặt chém", ăn xin... vẫn làm phiền lòng du khách… Sắp tới, Bộ sẽ phát triển du lịch theo chiều sâu, chỉ đạo các địa phương tăng cường kiểm tra xử lý, lắp camera ở các điểm nóng, nghiên cứu thành lập cảnh sát du lịch… Tuy nhiên, phần trả lời này của Bộ trưởng không làm các ĐBQH hài lòng. ĐB Nguyễn Sỹ Cương (đoàn Ninh Thuận) nhấn mạnh, Bộ trưởng vẫn chỉ cho rằng những hiện tượng "chặt chém", chèo kéo không phổ biến là chưa thể hiện rõ trách nhiệm quản lý Nhà nước của mình.
Dù nhận trách nhiệm về mình, nhưng vị đứng đầu ngành văn hóa vẫn "kèo" thêm trách nhiệm của địa phương. "Chặt chém là không văn minh, sắp tới, Bộ sẽ trình Thủ tướng ban hành văn bản lập lại văn minh du lịch để Việt Nam là điểm đến an toàn thân thiện" - Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh nói.
Cho rằng ngành du lịch Việt Nam chưa phát triển tương xứng với tiềm năng và thế mạnh, ĐB Nguyễn Thanh Hải (đoàn Hòa Bình) đặt câu hỏi: Liệu thời gian tới (năm 2020), du lịch Việt Nam có phát triển ngang bằng được với Thái Lan hay không? Câu hỏi này được Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhắc lại không dưới 3 lần và đề nghị Bộ trưởng đưa ra một câu trả lời "có làm được hay không". Sau nhiều diễn giải lòng vòng, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh chỉ đưa ra câu trả lời: Tiềm năng rất lớn, nhưng biến thành hiện thực thì phải nỗ lực nhiều, cần sự chung tay của toàn xã hội.
Như một câu kết "hộ" Bộ trưởng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nói luôn: Như vậy là đến năm 2020 vẫn chưa thể ngang tầm, vì thời điểm đó người ta cũng tăng hơn rồi. Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh thừa nhận: "Phải liệu cơm gắp mắm, nếu đưa ra chỉ tiêu mà không đạt thì không nên".
ĐB Nguyễn Thanh Hải (đoàn Hòa Bình) chất vấn Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Hoàng Tuấn Anh. Ảnh: TTXVN
Lửng lơ câu hỏi tu bổ di tích
Đưa ra vấn đề quản lý và quy hoạch di tích hiện nay, ĐB Huỳnh Tuấn Dương (đoàn Hải Dương) cho rằng, hiện cả nước có 4.000 di tích cần quy hoạch, trong đó có 34 di tích đặc biệt cấp quốc gia. Tuy nhiên, bộ máy quản lý, quy hoạch di tích thiếu nhân lực, còn chồng chéo về mặt chức năng, phân cấp quản lý chưa rõ ràng, mạch lạc… Vậy, Bộ có giải pháp gì để khắc phục?
Người đứng đầu ngành VHTT&DL khẳng định, Bộ sẽ không để di tích mất đi mà sẽ tập trung vào hoạt động bảo tồn, huy động chất xám, sự đóng góp thích đáng của các nguồn nhân lực tương xứng. Quan điểm của Bộ là "xã hội hóa nhưng không hiện đại hóa di tích" và tới đây (ngày 1/7), sẽ cấp giấy chứng chỉ hành nghề cho các cá nhân liên quan đến trùng tu di tích.
Trước câu hỏi khó của ĐB Trần Quốc Khánh (đoàn Hà Nội) về thủ tục bảo tồn, trùng tu di tích quá "rắc rối", khiến cho nhiều di tích tôn giáo xuống cấp, Nhà nước chưa kịp trùng tu. Chức sắc đã đứng ra tu bổ, nhưng vì xin phép quá lâu, dẫn đến tự ý làm và sai luật. Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh đã chọn giải pháp "im lặng".
Lo lắng văn hóa xuống cấp
Trả lời về vấn đề suy thoái đạo đức, lối sống văn hóa của xã hội, đặc biệt là giới trẻ hiện nay, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh cho rằng, việc suy giảm đạo đức đến từ nhiều nguyên nhân, trong đó đúng là ảnh hưởng từ phim ảnh. Bộ sẽ phối hợp các Bộ GD&ĐT giáo dục cho trẻ. Phối hợp với các cơ quan truyền thông, thông tin các trường hợp cần lên án; đẩy mạnh phong trào toàn dân xây dựng đời sống văn hóa… Trả lời bổ sung cho vấn đề này, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận cho biết, Bộ đang đẩy mạnh giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh bằng nhiều biện pháp. Trong đó có việc đưa vào chương trình học các tấm gương tốt, xây dựng trường học thân thiện; giao cho học sinh chăm sóc, tìm hiểu các di tích…
Trả lời ĐB Phạm Thị Hải (đoàn Đồng Nai) về việc phim ảnh đang ảnh hưởng nhiều đến giới trẻ, nhưng văn hóa phẩm không lành mạnh lại lưu hành rất nhiều, Bộ trưởng cho biết, Bộ và các địa phương liên tục vào cuộc để ngăn chặn văn hóa phẩm độc hại và "chặn" ngay các sản phẩm, chương trình không đúng với quy định. Thời gian tới sẽ tăng cường quản lý như cấp phép biểu diễn, có quy định nghệ sĩ vi phạm sẽ đình chỉ biểu diễn hoặc cấm biểu diễn từ 3 - 6 tháng.
Quanh những tiêu cực trong thể thao, đặc biệt là bóng đá được ĐB Chu Sơn Hà (đoàn Hà Nội) đưa ra, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh nhận định: Đây là nỗi day dứt của cử tri cả nước. Nhưng mặc dù đã có nhiều biện pháp, vẫn chuyển biến chậm. Bộ sẽ có trách nhiệm xem xét hoàn chỉnh các văn bản để điều chỉnh hoạt động của các câu lạc bộ, tăng cường giáo dục đạo đức cho vận động viên, cổ động viên.
Nhận xét về phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, Bộ trưởng đã thể hiện rất nhiều quyết tâm và những giải pháp trong thời gian tới như ngăn chặn tiêu cực, hoàn thiện cơ chế, cương quyết xử lý sai phạm.