Vận hành hồ chứa, kiểm soát lũ nhờ công nghệ mới

Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 27/10, tại Hà Nội, Hiệp hội Năng lượng Việt Nam đã phối hợp với Tập đoàn Điện lực Kyushu Nhật Bản và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tổ chức hội thảo “Công nghệ Nhật Bản trong vận hành hồ chứa và kiểm soát lũ”.

Việc quản lý hồ đập, vận hành hồ chứa và kiểm soát lũ cho các nhà máy thủy điện là việc hết sức quan trọng. Do đó, Chương trình điều khiển dòng chảy HNT được Tập đoàn điện lực Kyushu giới thiệu, với chức năng hiển thị và tính toán dòng chảy theo thời gian thực, mô phỏng vận hành nhà máy, mô phỏng lũ, tính toán lưu lượng tích nước, lưu lượng xả… Chương trình này được nhiều chuyên gia đánh giá là có thể giúp Việt Nam vận hành các hồ chứa với chi phí thấp hơn, tăng thu nhập bán điện do quá trình vận hành hiệu quả; và đặc biệt, có thể kiểm soát xả lũ an toàn…
  Toàn cảnh hội thào. Ảnh: Khắc Kiên
Theo ông Trần Viết Ngãi - Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, công nghệ này là ứng dụng để đảm bảo vận hành hồ chứa một cách tối ưu nhất; về mùa mưa thì điều tiết lũ, xả lũ hợp lý, về mùa khô thì điều tiết nước phục vụ nông nghiệp. Đặc biệt, công cụ này đảm bảo dự báo chính xác lượng mưa về, nước về, lượng nước dự trữ trong hồ từng mức, từng cấp, để điều chỉnh cửa van, dòng chảy ra vào để không để lãng phí nước. Mà công nghệ này hiện Việt Nam chưa làm được. Vừa qua, công nghệ này đã được thí điểm tại một nhà máy thủy điện Hà Giang, nhờ công nghệ này, tiết kiệm nước tối đa khoảng 150.000m3, cho hiệu quả kinh tế khoảng 100 tỷ đồng.
“Nếu tính tất cả tổng công suất thủy điện tại Việt Nam là có 21.000MW, phát ra khoảng 70 tỷ kWh điện. Trong trường hợp vận hành không đúng quy trình, để thất thoát nước, mà giảm mất 1/3 của 70 tỷ kWh, thì lượng mất đi này tương đương hàng nghìn tỷ đồng”, ông Ngãi cho biết thêm. Đồng thời khẳng định, công nghệ này giúp Việt Nam chúng ta trong nhiều nhà máy thủy điện biết tính toán giữ nước, kiểm soát lũ. Và có dự báo ngắn hạn, dài hạn, lưu lượng nước về, lượng trong hồ để có thể điều tiết hợp lý. Nhờ đó, có thể tạo thêm hiệu quả kinh tế; như vừa qua thí điểm thì với các dự án thủy điện nhỏ, 1 năm thu lợi thêm 50 - 70 tỷ, có nhà máy 1 năm cả trăm tỷ.
Trong khi đó, Kỹ sư trưởng Tập đoàn Điện lực Kyushu Hà Ngọc Tuấn cho biết, kĩ thuật cơ bản này là nhìn được khía cạnh của dòng chảy, mực nước trong hồ và lưu lượng vào hồ. Về mực nước thì Việt Nam có thể đo được, nhưng dòng chảy, hầu như tại các nhà máy thủy điện Việt Nam chưa nhìn được. Chương trình này được phát triển dựa trên công nghệ và kinh nghiệm vận hành của Nhật Bản, với sự đơn giản, gọn nhẹ và thân thiện với người dùng. Với công nghệ này, khi có dự báo, sẽ lấy số liệu dự báo đó, tính toán mô phỏng hình dáng của cơn lũ. Khi biết hình dáng của cái gì đó, thì có thể xử lý rất đơn giản.
Được biết, công nghệ này được áp dụng nhiều năm ở Nhật Bản với tính thực tiễn và Việt Nam cũng có nhiều hồ chứa nên tính khả thi là có thể đáp ứng được. Còn về góc độ nghiên cứu, công nghệ này cũng sẽ hỗ trợ cung cấp thông tin vận hành nhà máy thủy điện để nhà quản lý tham khảo và đưa ra các quy trình, quy định vận hành hồ chứa sát với thực tiễn hơn…

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần