Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Vận hành hồ thủy điện: Đúng quy trình sao không “cắt” được lũ?

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc đầu tư xây dựng các dự án thủy điện (TĐ) nhỏ còn nhiều bất cập; Năng lực quản lý đầu tư xây dựng, quản lý chất lượng công trình TĐ nhỏ ở địa phương còn hạn chế; Nhiều chủ đầu tư chưa thực hiện đầy đủ quy định của pháp luật về quản lý an toàn đập…

Đó là những đánh giá mà Bộ Công Thương đưa ra tại Hội nghị bàn về phát triển thủy điện và công tác quản lý Nhà nước về thủy điện tổ chức đầu tuần này.

 
 Cửa xả lũ và đập ngăn nước của Nhà máy thủy điện Buôn Kuốp, thượng nguồn thác Gia Long, Đắk Lắk.      Ảnh: Nguyễn Anh
Cửa xả lũ và đập ngăn nước của Nhà máy thủy điện Buôn Kuốp, thượng nguồn thác Gia Long, Đắk Lắk. Ảnh: Nguyễn Anh
 
Không còn là nguồn năng lượng sạch và rẻ

Không chỉ nóng trên nghị trường tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội Khóa XIII mà vấn đề "lũ chồng lũ" do các công trình thủy điện gây ra còn lan sang cả những ngành, địa phương và người dân, nhất là những hộ dân đang sinh sống tại hạ du các sông. 

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, trên địa bàn cả nước hiện đã vận hành phát điện 268 dự án thuỷ điện (14.240,5 MW); đang thi công xây dựng 205 dự án (6.198,8 MW), dự kiến đưa vào vận hành khai thác từ nay đến năm 2017. Trong đó, khu vực miền Trung Tây Nguyên, đã vận hành khai thác 118 dự án (5.978,2 MW); đang thi công xây dựng 75 dự án (1.945,2 MW), dự kiến đưa vào vận hành khai thác từ nay đến năm 2015. 

Điều đáng quan tâm là, kết quả khảo sát mới đây của tổ chức Mạng lưới Sông ngòi Việt Nam (VRN) cho thấy, việc phát triển thủy điện quá nhanh và nóng đã bộc lộ nhiều bất cập. Từ năm 1995 đến nay, Việt Nam đã chuyển đổi 50.000ha đất rừng, trong đó có phần diện tích không nhỏ rừng nguyên sinh, đất nông nghiệp và các loại đất khác để làm thủy điện. Bên cạnh đó, các công trình thủy điện có tác động lớn đến xã hội, một số lượng dân phải tái định cư, thay đổi tập quán canh tác …

 Theo quy hoạch thủy điện trước khi rà soát, trong tổng số dung tích phòng lũ của thủy điện trên cả nước đạt khoảng 10,5 tỷ mét khối thì có 10 tỷ mét khối thuộc về 130 dự án có quy mô vừa và lớn (trên 30 MW), còn lại hầu hết là dự án quy mô nhỏ (dưới 30 MW). Tuy nhiên, việc gán chức năng cắt, giảm lũ vùng hạ lưu cho hơn 1.000 dự án thủy điện có dung tích nhỏ này là không khả thi khi mà trong nhiều trường hợp công tình thủy điện nhỏ còn làm tình trạng ngập lụt cục bộ trầm trọng hơn. Điều này có thể thấy rõ khi nhìn vào hậu quả do các đợt xả lũ của thủy điện ở Quảng Nam, Thừa Thiên Huế, Hà Tĩnh, Gia Lai và Kon Tum gây ra trong thời gian qua.  

Vận hành hồ chứa chặt hơn

Mặc dù đại diện Bộ Công Thương khẳng định, việc xả lũ của các nhà máy thủy điện thời gian qua là đúng quy trình nhưng theo ông Nguyễn Ngọc Quang - Phó Chủ tịch UBND Quảng Nam, vấn đề là quy trình đó đã phù hợp hay chưa. Các hồ chứa có thể không cắt được lũ hoàn toàn nhưng nếu có quy trình vận hành liên hồ khoa học và nghiêm túc thì việc giảm lũ sẽ hiệu quả hơn. Chính vì thế theo ông Nguyễn Ngọc Quang, các bộ, ngành cần rà soát lại việc điều tiết và xây dựng bản đồ ngập lụt đơn hồ, liên hồ để có sự điều chỉnh lại quy trình vận hành liên hồ cho phù hợp với thực tế.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng khẳng định: Thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục rà soát quy hoạch, rà soát các công trình đang triển khai xây dựng; quy trình vận hành hồ chứa; kiên quyết xử lý những nhà máy TĐ không thực hiện đúng quy trình vận hành đã được phê duyệt.

 
Theo kết quả Chương trình giám sát Quốc hội, có tới 30% thủy điện nhỏ chưa được kiểm định về mặt an toàn, 66% chưa có phương án bảo vệ được phê duyệt và 55% số đập chưa có phương án phòng chống lụt bão. Mới đây, Chính phủ cũng đã loại 424 dự án, chiếm tới 34,2% trong tổng số 1.239 dự án thủy điện ra khỏi quy hoạch.