KTĐT - Về làm việc ở Việt Nam chưa được bao lâu điều khiến chị Giang lo lắng nhất là vấn đề giao thông. Sáng ra, chưa kịp thỏa mãn sau một đêm nghỉ ngơi thì chị đã lại canh cánh một nỗi lo toan rất… đàn bà, làm sao để tránh đoạn đường tắc trường kỳ từ nhà đến cơ quan?
Giao thông Việt Nam được đánh giá khá “phức tạp”, đặc biệt ở các thành phố lớn tập trung đông dân trí cao như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh...
Sau một thời gian sống ở nước ngoài về, phải đi ra đường là một cực hình đối với Hương Giang.
Chị nói: “Sống ở phố rõ là con người có điều kiện tiếp xúc với “văn minh” hơn ở làng chứ, nhưng càng thụ hưởng bao nhiêu thì người ta càng phát hoảng với những hệ lụy mà phố và con người đáp trả nhau bấy nhiêu, trong đó phải kể đến văn hóa ứng xử trong giao thông”.
Người xe như nước, khói bụi như...ôxy!
Về làm việc ở Việt Nam chưa được bao lâu điều khiến chị Giang lo lắng nhất là vấn đề giao thông. Sáng ra, chưa kịp thỏa mãn sau một đêm nghỉ ngơi thì chị đã lại canh cánh một nỗi lo toan rất… đàn bà, làm sao để tránh đoạn đường tắc trường kỳ từ nhà đến cơ quan?
Chặng đường nào có bao xa, chỉ từ Cầu Giấy lên tới Tràng Tiền nhưng đã trở thành nỗi ám ảnh thường trực với chị, khi phải điều khiển con Lexus mới coóng “vật lộn” với đủ kiểu chen lấn và ồn ĩ, phải đối đầu với những nút ùn tắc thường xuyên ở ngã năm Kim Mã, rồi kéo dài tới gần hết Nguyễn Thái Học…
Bạn bè bên nước ngoài hỏi tình hình ở nhà ra sao, chị thường hóm hỉnh nói: Thời hội nhập có khác, nhân dân sung sướng hơn rồi. Kinh tế không ngừng phát triển kéo theo bộ mặt đường phố không ngừng “phát tướng” theo, khiến cho bác quy hoạch đô thị chạy theo mướt mồ hôi.
Đi đường thấy nhiều ôtô chị mừng chứ, vì điều đó chứng tỏ dân mình giàu lên, cũng đỡ tủi hổ với các nước bạn. Thế nhưng, lại phải một lần nữa nhắc đến “bác” kiến trúc đô thị, dường như bác ấy chưa sẵn sàng thích nghi với tốc độ phát triển mau chóng ấy thì phải.
Vỉa hè là gara, hàng quán
Đất chật, người đông nên xe cộ chen nhau từng xăng-ti-mét lòng đường để tham gia giao thông đã đành, mà chỗ đỗ xe cũng phải “tận dụng” tối đa.
Cứ hở ra chỗ nào có vẻ rộng là có một “bác” trông xe chiếm giữ, vậy mà lúc nào cũng trong tình trạng hết chỗ. Thậm chí vỉa hè cũng “nghiễm nhiên” là bãi đỗ. Người đi bộ cứ việc tránh xe mà đi xuống lòng đường nhé, vỉa hè là dành cho xế hộp đứng xếp hàng ngay ngắn!
Hồng Anh nhà ở Hoàng Diệu có cái thú thế này, cứ bữa nào thư thả cô lại tản bộ ra chỗ hẹn cà phê với bạn bè. Cô đi thong dong lắm, muốn nhìn ngắm con người, đường phố, cây cối thật dịu dàng, nhẹ nhõm thôi, ấy nhưng không phải lúc nào cuộc sống cũng chiều lòng người.
Cô nói: “Tôi thấy bấy lâu nay vỉa hè quả thật “bao dung” khi để cho hàng quán cà phê, trà đá, rượu ốc, bia mực… “ký sinh” nhan nhản. Nếu được phép tôi sẽ thay tên đổi họ cho vài tuyến phố “chuyên dụng” ở Hà Nội như này, phố Cát Linh gọi là phố Bát bảo, Lý Thái Tổ tôi trìu mến gọi tên Trà đá, Lương Văn Can và Hàng Bồ không thể tránh được Nhậu mực…”.
Ý kiến đó cũng có cái lý riêng, bởi vỉa hè của những tuyến phố này về đêm sẽ “lột xác” cho một bộ phận giới trẻ tụ tập nhau “chém gió” với “đặc trưng vùng miền” rõ rệt như Hồng Anh đã gọi tên. “Chém” xong thì hàng quán cũng tơi tả giấy rác, vãi nước lem nhem đường phố…
Thế nhưng người bán thì thỏa mãn được mục đích lợi nhuận, người mua được thỏa mãn nhu cầu cá nhân thì ai còn bận tâm đến vấn đề mỹ quan và trật tự an toàn đô thị?
Chưa hết, Hồng Anh nói tiếp: “Tôi đi dạo trên con phố Lý Thường Kiệt đẹp là thế, muốn hít thở thật sâu cho tinh thần sảng khoái thì mấy chiếc xe rác chềnh ềnh ngay vỉa hè làm tôi muốn nhịn thở luôn. Tôi không hiểu Công ty Môi trường đô thị Hà Nội có chủ ý gì hay không, mà cái thứ cáu bẩn và bốc mùi khó chịu kia lại được phép để ngay trước mặt một cơ quan công quyền trang nghiêm thế?”.
Thản nhiên đỗ, thản nhiên đi...
Hay như Trần Bích Ngọc ở khu tập thể Đền Lừ lại đề cập đến một khía cạnh khác: “Ngày nào tôi cũng chứng kiến phụ huynh đưa đón con đi học, phải đứng tràn cả cổng trường xuống lòng đường, ùn ứ cả đoạn phố, thậm chí nhiều bà mẹ hồn nhiên đến mức, cổng trường còn mấy mươi mét nhưng thấy đường tắc là không ngần ngại thả con xuống cho chúng líu díu dắt nhau len lỏi trước mặt cả xe buýt. Thực nguy hiểm vô cùng”.
Ngọc kể: “Có hôm trên đường đi làm về, qua phố Lý Thường Kiệt, tôi thấy có một chị bước xuống từ chiếc BMW sang trọng nhưng lại đỗ xịch ngay bên đường chỉ để mua mớ rau và chờ nạo mấy quả mướp, mặc cho phía sau một hàng ôtô thi nhau bíp còi inh ỏi chị cũng lờ đi”.
Nếu đề cập đến việc “dừng bất chợt, tạt bất kỳ”, thì quán quân thuộc về anh xe buýt. Một phương tiện giao thông công cộng mà lại chạy ẩu và gây nhiều tai nạn thương tâm đến mức trở thành “biết rồi, khổ lắm nói mãi” mà vẫn chẳng thể nào giải quyết được, cứ là nỗi ám ảnh thường trực của những người dân khi tham gia giao thông./.