Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Văn hóa là mục tiêu, động lực thúc đẩy Thủ đô phát triển

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 18/3, đoàn khảo sát của Hội đồng Lý luận T.Ư đã làm việc với Thành ủy Hà Nội...

Kinhtedothi - Chiều 18/3, đoàn khảo sát của Hội đồng Lý luận T.Ư đã làm việc với Thành ủy Hà Nội xung quanh vấn đề "Phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam" và "Giải quyết các vấn đề xã hội trong tình hình mới trên địa bàn TP Hà Nội". Đến dự hội nghị có Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân, cùng lãnh đạo HĐND, UBND, MTTQ và các sở, ngành của TP.

Cụ thể hóa từng công việc

Tại hội nghị, đại diện Thành ủy Hà Nội thẳng thắn nhìn nhận, trong gần 30 năm qua, Đảng bộ TP đã liên tục có sự đổi mới tư duy, nhận thức về phát triển văn hóa, xây dựng con người.

 
Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo trao tặng bằng công nhận danh hiệu cho 10 Công dân Thủ đô Ưu tú năm 2013. Ảnh: Anh Quý
Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo trao tặng bằng công nhận danh hiệu cho 10 Công dân Thủ đô Ưu tú năm 2013. Ảnh: Anh Quý
Đánh giá quá trình thực hiện nhiệm vụ phát triển văn hóa - xã hội xây dựng con người Việt Nam trên địa bàn Hà Nội qua 30 năm đổi mới, lãnh đạo Thành ủy Hà Nội cho rằng: Thời gian qua, với phương châm "lấy xây để chống", Hà Nội lấy văn hóa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy xã hội phát triển. Công tác xây dựng con người luôn thường xuyên được TP hết sức coi trọng, là một trọng tâm công tác của các cấp, ngành, địa phương, đơn vị. Xuất phát từ đặc thù Thủ đô, nhiều năm qua, TP đã cụ thể công tác xây dựng con người với từng nội dung và lồng ghép với các cuộc vận động cách mạng, các phong trào thi đua yêu nước, như: Tổ chức tốt công tác tuyên dương "Người tốt, việc tốt", "Tập thể tốt", "Công dân Thủ đô Ưu tú", phong trào "Người Hà Nội thanh lịch, văn minh"… Bên cạnh kết quả đạt được, TP đã cụ thể hóa 4 giải pháp lớn, đưa ra những đề xuất, kiến nghị cụ thể. Tuy nhiên, Hà Nội cũng thẳng thắn nhìn nhận có những hạn chế, yếu kém nên kết quả chưa tương xứng với yêu cầu phát triển trong gìn giữ tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử, văn hóa…

Đối với các vấn đề xã hội, Hà Nội đã nghiên cứu ban hành cơ chế riêng cho vay hộ nghèo, cận nghèo với mức phí thấp hơn mức phí của T.Ư quy định từ nguồn ngân sách TP; cấp thẻ đi xe buýt miễn phí, hỗ trợ tu sửa nhà ở cho người có công… TP Hà Nội luôn quan tâm, ưu tiên dành nguồn lực cho công tác giảm nghèo và đảm bảo an sinh xã hội. Ngoài nguồn ngân sách, TP đã tăng cường huy động các nguồn lực xã hội hóa để hỗ trợ hộ nghèo.

Từ những kết quả đạt được và nguyên nhân hạn chế còn tồn tại, Thành ủy Hà Nội đã rút ra những vấn đề lý luận và thực tiễn đặt ra trong quá trình 30 năm đổi mới. Trong những năm qua có thể thấy đời sống vật chất của con người được nâng lên đáng kể, nhưng đời sống tinh thần có chiều hướng đi xuống, cơ chế chính sách phát triển văn hóa còn chậm, chưa theo kịp với phát triển kinh tế… Nhìn từ vấn đề lý luận, Hà Nội luôn coi văn hóa là nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết hài hòa quan hệ giữa kinh tế và văn hóa làm nền tảng cho sự phát triển bền vững nhưng còn lúng túng, quan điểm hài hòa giữa bảo tồn và phát triển gặp nhiều khó khăn…

Đặt phát triển văn hóa lên hàng đầu

 Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, Hà Nội là trung tâm chính trị, văn hóa lớn của cả nước nên vấn đề phát triển văn hóa phải đặt lên hàng đầu. Đánh giá đúng vai trò phát triển, xây dựng con người Việt Nam nên trong những năm qua, Thành ủy Hà Nội đã chỉ đạo các ban, ngành đưa ra những lựa chọn, định hướng phát triển và giải pháp rất riêng cho từng lĩnh vực. Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam đánh giá cao những thành tựu trong việc phát triển văn hóa, xây dựng con người Thủ đô, góp phần chung vào phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam cũng như việc giải quyết các vấn đề xã hội trong tình hình mới trên địa bàn TP. Đặc biệt, chương trình đã đưa ra được 14 thuộc tính, đúc kết trong 8 đức tính của người Hà Nội.

Nhìn nhận từ những đúc kết trong vấn đề lý luận và thực tiễn mà Hà Nội đặt ra trong quá trình 30 năm đổi mới, Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, để làm tốt hơn nữa, đưa được các chuyên đề lý luận vào đời sống, thì cơ quan quản lý, xây dựng chuyên đề cần phải thường xuyên nghiên cứu xã hội học và đối thoại với Nhân dân. Những người quản lý văn hóa phải biết khơi dậy những nét đẹp truyền thống trong Nhân dân thông qua giao lưu, trao đổi, chứ không thể quản lý theo kiểu áp đặt.