Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Văn học nghệ thuật cần góp phần lý giải, khám phá chiều sâu lịch sử

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Không chỉ các nhà văn, mà giới làm mỹ thuật, điện ảnh trong nước… cũng đang rôm rả tranh luận và hướng các sáng tác vào đề tài lịch sử.

 Những người làm nghệ thuật cho rằng, đây chính là một cách khai thác kho đề tài phong phú đang có trong tay, và cũng là một phương tiện để loại những "tật chứng" đang tồn tại ra khỏi diễn đàn văn học nghệ thuật (VHNT) đương đại. Chủ tịch Hội đồng lý luận, phê bình VHNT T.Ư Nguyễn Hồng Vinh hết sức tâm huyết khi bàn đến vấn đề này.

 Nhìn vào bức tranh toàn cảnh về sáng tạo VHNT về đề tài lịch sử ở nước ta những năm gần đây, ông cảm nhận thế nào, thưa ông?

- Trong những năm gần đây, cùng với sự phát triển chung của đất nước, sáng tạo VHNT về đề tài lịch sử có sự khởi sắc, đã xuất hiện một số kết quả cao cả về nội dung tư tưởng và giá trị nghệ thuật. Các tác phẩm có thể kể đến như "Hồ Quý Ly", "Đội gạo lên chùa", "Mẫu thượng ngàn" của Nguyễn Xuân Khánh, "Tám triều vua Lý", "Bão táp triều Trần" của Hoàng Quốc Hải, "Sông Côn mùa lũ" của Nguyễn Mộng Giác… Đó là tiểu thuyết lịch sử, còn bên điện ảnh có "Tây Sơn hào kiệt" của Lý Hùng, "Long thành cầm giả ca" của Đào Bá Sơn, "Khát vọng Thăng Long" của Lưu Trọng Ninh, "Huyền sử thiên đô" của Phạm Thanh Phong… Điều đó góp phần bồi dưỡng tri thức lịch sử, khơi dậy lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc, ngăn chặn cái ác, nhân rộng cái thiện, đáp ứng nhu cầu văn hóa ngày càng phong phú, đa dạng của người dân, trở thành động lực tinh thần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Song, cùng với những cố gắng đáng ghi nhận đó, công chúng nghệ thuật cũng tỏ rõ sự băn khoăn, bức xúc, thậm chí bất bình khi hình tượng các vị anh hùng lịch sử đã được dân tộc tôn vinh bị xuyên tạc, bôi nhọ. Điển hình như truyện ngắn "Phẩm tiết" của Nguyễn Huy Thiệp, "Giàn thiêu" của Võ Thị Hảo, "Hội thề" của Nguyễn Quang Thân hay vở kịch "Lý Nhân Tông" kế nghiệp…

Văn học nghệ thuật cần góp phần lý giải, khám phá chiều sâu lịch sử - Ảnh 1

Nhưng việc đưa lịch sử vào sáng tác như thế nào vẫn là một câu chuyện dài đang nhiều tranh cãi?

- Hiện có hai khuynh hướng sáng tạo VHNT về đề tài lịch sử. Một là đảm bảo tính chân thật của lịch sử, tức là bám sát tuyệt đối, trung thành với các sự kiện có thật của lịch sử. Hai là, coi lịch sử là chất liệu, là "cái cớ" để sáng tạo tác phẩm, qua đó mượn xưa nói nay, gửi gắm những quan niệm về thời đại, khám phá con người lịch sử với tư cách là những nhân vật của tác phẩm VHNT. Theo tôi, VHNT khi sáng tạo về đề tài lịch sử phải bằng ngôn ngữ, hình tượng, trí tưởng tưởng, bằng sự hư cấu của nhà văn làm cho lịch sử sống động hơn và góp phần lý giải, khám phá chiều sâu của lịch sử, của các nhân vật lịch sử. Nó khác với việc đọc lịch sử - như là những sự kiện khô khan, có tính chất năm tháng, miêu tả những trận đánh, những kỳ công xây dựng, phát triển đất nước. VHNT có thể khám phá chiều sâu nhân vật lịch sử và miêu tả được dân tộc thời kỳ ấy đã tạo được sức mạnh nội tâm, nội sinh như thế nào để nó lý giải có chiến thắng ấy…

Thực tế sáng tác VHNT cho thấy, làm được điều đó không dễ, dù biết chắc rằng học sử qua VHNT sẽ đầy hứng thú, và lớp trẻ sẽ không còn ngô nghê với lịch sử nước nhà?

- Chúng tôi đã kiến nghị với ngành giáo dục phải có chuyên đề nâng cao sức hấp dẫn của VHNT trong nhà trường. Quan trọng nhất, việc sáng tạo VHNT về đề tài lịch sử là làm sao nêu được ý chí xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của dân tộc, đặc biệt là ý thức bảo vệ độc lập toàn vẹn lãnh thổ. Từ đó, tạo lập một luồng sinh khí mới, tạo động lực tinh thần mới để các tác phẩm đi vào lòng người, khiến người đọc rung động. Làm được điều đó, công chúng sẽ tự tìm đến các tác phẩm VHNT về đề tài lịch sử và học lịch sử đất nước qua đó.

Xin cảm ơn ông!