Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Văn học trẻ: Đọc a dua, viết phong trào

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày càng nhiều người trẻ tham gia vào “cuộc chơi” ra sách, nhiều cuốn được đón nhận nhiệt tình, một số cuốn đứng đầu trên các kênh bán hàng online, được xếp vào dạng “best seller” tại các hiệu sách.

Thậm chí, trong các hội chợ sách mở ra tại TP Hồ Chí Minh và Hà Nội gần đây, sách của người viết trẻ được bạn đọc trẻ mến mộ hơn cả các tên tuổi đã thành danh. Thế nhưng, để định hình một xu hướng của văn học trẻ, để có thể lạc quan khi nhìn về văn chương hiện tại quả là… khó.

Hội chứng đám đông

Nếu nhìn vào những con số thu hoạch ở cuối hội chợ sách tổ chức gần đây nhất tại TP Hồ Chí Minh sẽ không ít người mừng thầm cho văn hóa đọc trong nước: 1 triệu lượt người tham gia, doanh thu 38 tỷ đồng, tăng 30% về doanh thu và 20% về số người tham dự so với kỳ hội chợ lần trước. Nếu nhìn vào số lượng 10 cuốn sách “ăn khách” nhất tại hội chợ, có đến 7 cuốn là của các tác giả trẻ, sẽ không ít người khấp khởi cho văn chương Việt.

Và nếu thấy những tác phẩm trẻ “lên cơn sốt” trên mạng hay “cháy” tại các hiệu sách, chắc chắn người ta sẽ bớt đi mặc cảm sách nội bị bỏ quên bấy lâu… Song nếu điểm danh những cuốn sách văn học trẻ được xếp vào hàng “best seller” gần đây, rất nhiều người sẽ hiểu sự mừng ấy là vội vã.
Độc giả tìm hiểu các ấn phẩm tại Ngày hội Sách 2015 ở Hà Nội. 	Ảnh: Phạm Hùng
Độc giả tìm hiểu các ấn phẩm tại Ngày hội Sách 2015 ở Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng
Bởi những cuốn sách được hâm mộ chỉ giản đơn là những câu chuyện yêu đương tản mạn, những câu chuyện mang tính giải trí đơn thuần, hoặc những cuốn do ca sĩ này, người mẫu kia chắp bút. Đôi khi là những cuốn “gói” trong đó một vài yếu tố từng gây tranh cãi, hoặc câu khách bằng sex, đồng tính… Những yếu tố đó hoàn toàn không do tự thân văn chương hay tư duy của người viết, mà nhiều khi nhờ vào PR từ đơn vị phát hành, những lan truyền trên mạng xã hội, hoặc “truyền tai nhau” trong giới trẻ.

Thế nên không phải ngẫu nhiên mà trong một cuộc tọa đàm về đề tài này, TS Nguyễn Thị Hậu khẳng định: Đặc trưng của dòng văn học trẻ hiện nay gắn liền với sự phát triển của mạng xã hội. Có thể dễ dàng nhìn thấy điều này qua những cuốn sách văn học trẻ được xuất bản gần đây. Chúng chỉ là những ấn phẩm tập hợp các tác phẩm đã được ra đời, chia sẻ và lan truyền trên mạng xã hội trước đó, nhưng lại rất được độc giả trẻ yêu thích. Điều này lý giải tại sao “Sợi xích” của Lê Kiều Như được độc giả săn lùng bản in và chia sẻ bản mềm trên mạng với tốc độ chóng mặt sau khi bị cấm; “Buồn làm sao buông” của Anh Khang vượt qua “Hỏa ngục” của Dan Brown trong danh sách được yêu thích tại hội chợ sách…

Có nghĩa là người đọc đang hâm mộ tác giả và mua sách theo phong trào, chứ không chọn sách từ giá trị của chính tác phẩm. Cũng có nghĩa là đã và đang hình thành xu hướng đọc kiểu adua, theo hội chứng đám đông. Điều này khiến không ít tác phẩm văn học đích thực bị khuất lấp.

Nhà văn Lê Minh Quốc cho rằng: “Giá trị văn học của một cuốn sách “best seller” không phải là số lượng sách bán ra mà nằm ở chỗ nó có được công chúng nhớ đến sau một thời gian dài sau đó hay không”. Ngay cả tác giả của cuốn sách bán chạy “Buồn làm sao buông” cũng thừa nhận, một cuốn sách dù bán chạy mà không dài lâu thì cũng không xứng đáng là một tác phẩm có sức ảnh hưởng và truyền cảm hứng cho độc giả.

Quanh quẩn trong “cái tôi” mờ nhạt

Có vẻ như các tác giả trẻ đang loay hoay ngụp lặn trong chữ nghĩa, mải mê tô son điểm phấn cho ngôn từ của mình. Trong nhiều cuộc tọa đàm về văn học trẻ, không ít độc giả cho rằng nhiều cây bút bây giờ viết theo lối tự nhiên chủ nghĩa, phơi bày cuộc sống một cách trần trụi; có người lại viết cầu kỳ như đánh đố người đọc. Ngay cả những cuốn sách bán chạy cũng chỉ “tạo sóng” nhất thời chứ không lâu dài, chưa đủ thuyết phục.

Nhìn từ cuộc thi “Văn học tuổi 20” – sân chơi cho các cây bút trẻ, nhà phê bình Nguyễn Thanh Sơn cho rằng tác giả trẻ hiện nay vẫn đem theo “khuôn mặt xu thế” vào sáng tác của họ. Họ mê mải viết về thân phận con người, nhưng thân phận đó chính là bản thân họ; quẩn quanh trong cái tôi của mình mà chưa nhìn ra số phận của người khác. Thế nên các tác phẩm cứ na ná nhau, thiếu sắc màu riêng và thiếu tầm vóc riêng.

Điểm danh một số tác phẩm “tạo sóng” trong người đọc trẻ gần đây sẽ thấy rõ điều đó: “Người bắt chim lợn” (Hoàng Nhật), "Tình yêu là không ai muốn bỏ đi" (Phan Ý Yên), "Trái Đất tròn, không gì là không thể" (Ploy Ngọc Bích), “Những mùa hoa bay đi” (Lynh Miêu), “Tìm nhau giữa Sài Gòn” (Tùng Leo)... Đáng chú ý hơn cả là 2 cuốn của 2 tác giả trong giới showbiz là “Nếu như không thể nói nếu như” của Jun Phạm (nhóm nhạc 365 Band) và “Thương nhau để đó” của Hamlet Trương.

Quả là sách của người viết trẻ ít kỹ thuật, ít tầm nhìn, không tìm cách giải quyết những vấn đề vĩ mô, mục tiêu chủ yếu là thành đạt trong công việc, hạnh phúc trong tình cảm lứa đôi và tự do đi du lịch, khám phá. Chúng là tản văn, tự truyện và những câu chuyện tình lãng mạn. Cái mà họ có trong tay là cảm xúc và cuộc đời của cá nhân, sự chân thành và bối cảnh sống giống với nhiều người đọc trẻ.

Song đúng như chia sẻ của một độc giả trong cuộc tọa đàm về người viết và người đọc trẻ: “Cho dù các nhà văn dùng câu chữ bóng bẩy, cách viết độc đáo thế nào đi nữa nhưng nếu tác phẩm không có cốt truyện thì đó chỉ là một cách viết hời hợt, xem thường độc giả. Tôi mong muốn các nhà văn hãy bước ra bên ngoài. Bởi thực tế đời sống ngồn ngộn nhiều hơn là chính cuộc đời và bản thân họ. Hãy đồng cảm với người khác, hãy gửi đi những thông điệp, đừng kể quá nhiều về mình để chúng tôi đọc xong là thấy "sao giống mình quá" rồi quên ngay sau đó”.

Phải nói rằng, văn học trẻ cũng ít nhiều khỏa lấp được khoảng trống mà thể loại sách diễm tình Trung Quốc đã lấn át, song văn học Việt vẫn cần ở các tác giả trẻ nhiều hơn thế. Có lẽ các nhà phê bình nên vào cuộc một cách trách nhiệm và sớm sủa hơn để “thức tỉnh” người viết trẻ mỗi khi một cuốn sách mới ra đời.